Nhượng quyền thương hiệu: Nhà đầu tư dễ dãi hay chủ thương hiệu mập mờ?

01/10/2023 08:58

Chuyên gia cho rằng nhiều nhà đầu tư theo hiệu ứng fomo nên lựa chọn thương hiệu nhượng quyền sai lầm. Cùng với đó, các đơn vị bán thương hiệu nhượng quyền còn mập mờ quyền lợi với các nhà đầu tư.

Nhượng quyền thương hiệu ngày càng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Hình thức kinh doanh này được coi là hình thức giúp những người có vốn, muốn khởi nghiệp nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ dễ dàng hơn trong việc tổ chức quản lý, vận hành một cửa hàng.

Tuy nhiên, nhượng quyền thương hiệu đi kèm không ít rủi ro. Một trong số đó là những vấn đề liên quan đến hình thức hợp tác khi công ty bán thương hiệu và người mua lại thương hiệu ký kết hợp đồng không rõ ràng.

Nhà đầu tư theo hiệu ứng fomo

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hữu Long (biệt danh: Thích Nhân Chuỗi) - nhà sáng lập và điều hành trường doanh nhân chuỗi bán lẻ & Nhượng quyền Việt Nam, cho rằng hiện nay, nhà đầu tư thường bị hiệu ứng fomo (hội chứng tâm lý khiến mọi người sợ hãi mình bỏ lỡ những điều thú vị, hay ho trong cuộc sống) nên dễ dàng đưa ra quyết định lựa chọn thương hiệu nhượng quyền.

Từ đó, việc bàn bạc, thương thảo trước khi ký hợp đồng bị xem nhẹ. Do vậy, có nhiều vấn đề phát sinh sau khi đã ký và bắt đầu đi vào vận hành.

Cùng với đó, một vài công ty bán thương hiệu nhượng quyền có hợp đồng không rõ ràng với nhiều chi tiết bất lợi cho người đầu tư.

"Việc bất đồng sau ký kết, theo tôi, đến từ hai phía. Cả đơn vị bán thương hiệu lẫn người mua, đều có những điểm cần điều chỉnh lại", ông nói.

Nhượng quyền thương hiệu: Nhà đầu tư dễ dãi hay chủ thương hiệu mập mờ? - 1

Mixue là một trong những thương hiệu nhượng quyền lớn ở Việt Nam (Ảnh: Mixue).

Về vấn đề khoảng cách tối thiểu giữa các cửa hàng nhượng quyền, chuyên gia cho biết hiện tại, chưa có quy định nào liên quan đến việc này. Tất cả đều do các thương hiệu tự đo lường và đưa ra con số phù hợp.

Theo ông Long, đa phần các mô hình nhượng quyền ở Việt Nam đều được học hỏi từ Trung Quốc và các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở đất nước tỷ dân, mâu thuẫn liên quan đến khoảng cách giữa các cửa hàng nhượng quyền vẫn xảy ra.

Ông đưa ra ví dụ về Luckin Coffee - thương hiệu cà phê khá nổi tiếng ở Trung Quốc. Ông cho biết các nhà đầu tư mua lại thương hiệu Luckin Coffee vẫn nhiều lần bức xúc, đòi quyền lợi khi các cửa hàng được đặt quá gần nhau, dẫn đến lượng khách hàng giảm.

Chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên quan tâm đến vấn đề mật độ dân cư, mức độ chi tiêu tại khu vực dự định kinh doanh. Từ đây, nhà đầu tư và phía công ty đưa ra mức doanh thu cần thiết để hoàn vốn trong thời gian cụ thể.

Đây là những vấn đề cần được tính toán, bàn bạc rõ ràng. Từ đó, hai bên thỏa thuận đưa ra mức khoảng cách tối thiểu giữa các cửa hàng, thay vì chỉ quan tâm đến khoảng cách mà bỏ qua các yếu tố khác.

Nhà đầu tư cần khảo sát thực tế, tránh tin vào quảng cáo

Ngoài ra, với những thương hiệu đến từ nước ngoài, hợp đồng thường là văn bản được soạn sẵn cho các địa điểm, bao gồm cả Việt Nam và các nước khác.

Đại diện bên bán thương hiệu cho biết hợp đồng sẽ được điều chỉnh sau một khoảng thời gian cửa hàng hoạt động thực tế. Với trường hợp này, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên rõ ràng với đơn vị bán thương hiệu về thời gian hợp đồng được điều chỉnh, nội dung sẽ điều chỉnh, thay vì chỉ chờ đợi.

Bên cạnh đó, trước khi ký kết hợp đồng, người mua thương hiệu cần rõ ràng về các chương trình khuyến mại, giảm giá sau này. Cụ thể, trong hợp đồng cần ghi rõ số chương trình sẽ chạy mỗi tháng, mỗi quý với khoản chi phí là bao nhiêu. Từ đó, nhà đầu tư cân nhắc đó có phải con số phù hợp để đảm bảo cửa hàng có lợi nhuận như cam kết ban đầu hay không.

Nhượng quyền thương hiệu: Nhà đầu tư dễ dãi hay chủ thương hiệu mập mờ? - 2

Chuyên gia Nguyễn Hữu Long (Ảnh: Hữu Long).

Ông nhấn mạnh những người có ý định khởi nghiệp, muốn chọn kinh doanh thương hiệu nhượng quyền, hãy dành thời gian khảo sát thực tế để nắm được chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và mức độ thành công bền vững vào thời điểm đó của thương hiệu, thay vì chỉ nghe quảng cáo.

"Mô hình nào càng nhiều yêu cầu, quy định, càng khó để mua thương hiệu thì độ bền vững càng cao. Sự ràng buộc giữa bên bán và bên mua thương hiệu càng chặt chẽ, mô hình đó càng dễ thành công. Bởi càng khó, số người dám bỏ tiền ra đầu tư càng ít, mức độ cạnh tranh sẽ giảm xuống thay vì quá dễ, mọi người ồ ạt đầu tư", chuyên gia khẳng định.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhượng quyền thương hiệu: Nhà đầu tư dễ dãi hay chủ thương hiệu mập mờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO