Tại một quốc gia mà bạo lực súng đạn hiếm khi xảy ra như Nhật Bản, việc cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị sát hại làm dấy lên câu hỏi lớn về hung thủ và mục đích tấn công.
Theo truyền thông Nhật Bản, ông Abe đã bị bắn khi đang có bài phát biểu tại thành phố Nara vào lúc 11h30 (giờ địa phương) hôm 8/7. Hung thủ bắn ông Abe ở khoảng cách 3m.
Nghi phạm bắn cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắt khi trong tay vẫn đang cầm vũ khí. (Ảnh: AP) |
Hai tiếng súng được nghe thấy. Hình ảnh nhân viên an ninh tóm được hung thủ là một người đàn ông và ghì xuống mặt đường cho thấy người này mặc áo phông màu xám, quần kaki và đeo khẩu trang.
Sau khi trúng đạn, ông Abe đã được trực thăng chuyển tới bệnh viện nhưng lúc này ông đã ngừng thở và tim ngừng đập. Chiều cùng ngày, ông Abe được thông báo đã qua đời dù được cấp cứu và truyền máu.
Theo người đứng đầu ban cấp cứu tại Đại học Y Nara là ông Hidetada Fukushima, cựu Thủ tướng Abe đã bị thương nặng ở tim cùng 2 vết thương ở cổ dẫn tới chảy máu quá nhiều và không còn dấu hiệu sinh tồn.
Thủ phạm bắn ông Abe được xác định là Tetsuya Yamagami (41 tuổi), một cựu thành viên của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Truyền thông địa phương cho hay đối tượng từng làm việc trong lực lượng hải quân từ năm 2002 – 2005.
NHK đưa tin đối tượng khai hắn “tức giận” với ông Abe và muốn sát hại cựu Thủ tướng Nhật Bản với những lý do không liên quan tới chính trị.
Còn báo Mainichi cho biết đối tượng Yamagami khai rằng mục tiêu nhắm tới không phải ông Abe. Nghi phạm khẳng định mục tiêu thực sự là thủ lĩnh một nhóm tôn giáo.
Trong khi đó, cảnh sát thành phố Nara cho biết vũ khí mà đối tượng sử dụng là súng tự chế. Hình ảnh cận cảnh vũ khí của đối tượng sau khi bắn ông Abe là loại súng có 2 nòng được quấn bằng băng dính màu đen.
Các nhà điều tra cũng nhanh chóng tiến hành lục soát nhà đối tượng để thu thập thêm bằng chứng phạm tội và còn tìm thấy thuốc nổ trong căn hộ.
Những vụ tấn công bằng súng là chuyện hiếm khi xảy ra ở Nhật Bản do quốc gia này thi hành luật kiểm soát súng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Nhật Bản từng phải chứng kiến nhiều vụ tàn sát bằng dao, hoặc phóng hỏa gây thương vong lớn về người trong những năm qua.
Gần nhất là vào tháng 12/2021, một vụ phóng hỏa xảy ra tại phòng khám tâm thần ở Osaka đã khiến 25 người thiệt mạng. Các nạn nhân bị mắc kẹt trên tầng 4 của một tòa nhà thương mại chật hẹp.
Thủ phạm phóng hỏa là một người đàn ông (61 tuổi). Người này là bệnh nhân cũ của phòng khám và cũng qua đời sau vài ngày nằm viện kể từ ngày gây án.
Trong năm 2021, Nhật Bản ghi nhận hàng loạt vụ tấn công ngay tại và quanh nhà ga tàu điện ngầm bao gồm vụ tấn công ở Tokyo đúng ngày Halloween. Nghi phạm là nam thanh niên (24 tuổi) mặc trang phục đóng giả nhân vật Joker đã đâm một hành khách và cho phóng hỏa trên tàu.
Vụ tấn công bạo lực gây thương vong lớn nhất trong thời gian gần đây ở đất nước Mặt trời mọc là vụ phóng hỏa tại một xưởng phim hoạt hình ở Kyoto khiến 36 người chết.
Nhiều người tử vong trong vụ cháy ở xưởng hoạt hình vào tháng 7/2019 là những nhân viên còn trẻ. Đối tượng Shinji Aoba bị buộc tội giết người sau khi chính hắn cũng suýt tử vong vì bị thương nặng trong đám cháy.
Trên thực tế, chuyện những đám cháy lớn gây chết người cũng bị xem là bất thường ở Nhật Bản, bởi quốc gia này áp dụng các tiêu chuẩn an toàn xây dựng nghiêm ngặt.
Nhưng vào năm 2001, một đối tượng đã gây ra vụ nổ và đám cháy lớn tại một câu lạc bộ đêm tại quận trung tâm Shinjuku ở Tokyo khiến 44 người tử vong. Song thủ phạm vẫn chưa thể xác định.
Còn vào tháng 7/2016, một người đàn ông đã bị tuyên án tử hình vì đâm chết 19 người tại một trung tâm chăm sóc người tàn tật ở Sagamihara. Thủ phạm là Satoshi Uematsu, cựu nhân viên tại cơ sở y tế. Đối tượng được luật sư bào chữa rằng hắn bị “rối loạn thần kinh” do sử dụng ma túy.
Sau vụ tấn công kinh hoàng, Uematsu được cho đã nói rằng hắn nhắm vào những người tàn tật bởi họ “chỉ mang lại điều bất hạnh”.
Vụ thảm sát khác xảy ra ở quận Akihabara của Tokyo vào năm 2008 cũng đã khiến Nhật Bản buộc phải thắt chặt luật sử dụng dao kiếm. Trong vụ tấn công này, đối tượng đã dùng một chiếc xe tải đi thuê và đâm vào đám đông người đi bộ, sau đó dùng dao găm để đâm khiến 7 người tử vong.
Những vụ ám sát nhằm vào một nhân vật chính trị cấp cao xảy ra ở Nhật Bản trong hàng chục năm qua phải kể tới năm 1960, thời điểm ông Inejiro Asanuma, lãnh đạo đảng xã hội chủ nghĩa của Nhật Bản, bị một đối tượng dùng dao đâm.
Hay vào tháng 4/2007, một thành viên của băng đảng yakuza đã bắn chết Thị trưởng thành phố Nagasaki là ông Iccho Ito khi ông đang tham gia chiến dịch vận động tái tranh cử.
Vụ tấn công kinh hoàng nhất ở Nhật Bản xảy ra gần 30 năm trước vào tháng 3/1995 khi giáo phái Aum Shinrikyo sử dụng chất độc sarin ở nhà ga tàu điện ngầm Tokyo, khiến 13 người chết và hàng nghìn người khác bị ốm.
Hóa chất lỏng được giáo phái này phát tán ở 5 địa điểm đúng giờ cao điểm khiến hàng loạt hành khách rơi vào cảnh loạng choạng cố bước xuống tàu để tìm cách thở. Tổng cộng 13 đối tượng liên quan tới vụ tấn công trên kinh hoàng đã bị xử tử.
Minh Thu (lược dịch)