Những 'tuyệt chiêu' sống chung với ngập ở Đà Nẵng

Hoài Sơn| 14/11/2023 17:30

Luôn là "điểm nóng" ngập ở Đà Nẵng mỗi khi mưa lớn, người dân khu dân cư đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) làm đủ mọi cách để bảo vệ tài sản.

Sáng 14/11, trời Đà Nẵng có mưa lớn, tại khu dân cư đường Mẹ Suốt, người dân vội vàng kê tài sản lên cao.

Nhà bán tạp hóa, lại nằm ở đoạn ngập sâu ở tổ 35, đường Mẹ Suốt, ông Quốc Anh (54 tuổi) tận dụng khung xích đu cũ kê cùng một giàn sắt. Phía dưới kê thêm 3 lớp gạch, tổng chiều cao của khung này hơn 2m. Phía trên khung sắt được lót ván gỗ để chất đồ đạc lên cao.

Những tuyệt chiêu sống chung với ngập ở Đà Nẵng - 1

Nhà ông Quốc Anh tận dụng khung xích đu cũ cùng một giàn sắt để tạo thành nơi kê cao đồ đạc (Ảnh: Hoài Sơn).

"Nước dâng tới đâu đưa đồ đạc lên tới đó", ông Anh nói và cho hay sau nhiều lần chạy ngập, gia đình ông xác định sống chung với ngập mỗi khi mưa lớn. Nghe đài báo mưa là cả nhà kê cao đồ rồi lên gác ở.

Độ cao của khung sắt được ông ước tính theo mực nước dâng cao nhất của trận ngập lịch sử tháng 10/2022.

Những tuyệt chiêu sống chung với ngập ở Đà Nẵng - 2

Ông Lê Văn Điểm mua kệ sắt cao hơn 2m để kê cao tài sản mỗi khi có mưa ngập (Ảnh: Hoài Sơn).

Cũng ở tổ 35, nhà của ông Lê Văn Điểm (66 tuổi) dù có nền cao hơn mặt đường khoảng 0,7m nhưng lại nằm ở vùng trũng và sát kênh nên vẫn ngập.

Đợt ngập 14/10 vừa qua, tủ quần áo nhà ông ướt hết. Vì vậy, lần này nghe tin có đợt mưa lớn, ông Điểm tức tốc thuê người hàn một cây sào bắc ngang 2 vách tường, cách mặt đất hơn 2m để treo quần áo.

Còn máy quạt, máy giặt, tủ lạnh đều nằm gọn trên bàn, kệ hay bất cứ nơi nào đáp ứng 2 tiêu chí chắc chắn và cao. Ông còn mua thêm kệ sắt cao hơn 2m để bỏ chén dĩa, chậu, nồi và những vật dụng được ông gọi chung với tên "đồ không thấm nước".

Những tuyệt chiêu sống chung với ngập ở Đà Nẵng - 3

Ông Điểm thuê người hàn một cây sào bắc ngang 2 vách tường để treo quần áo, tủ được ông kê lên trên bàn (Ảnh: Hoài Sơn).

Ông Điểm cho rằng, người dân ở đây đã không còn lựa chọn nào khác ngoài tìm mọi cách để sống trong ngập vì giờ bán nhà thì không ai dám mua.

Lúc ngập thì vợ con sẽ đi tránh, còn ông ở lại giữ tài sản. "Nếu nước quá lớn thì tôi cũng phải di dời đi tránh ngập thôi", ông Điểm nói.

Kế bên nhà ông Điểm, chị Nguyễn Huyền Trang (32 tuổi) vừa chuyển về sống ở khu vực này năm 2020. Từng trải qua trận ngập lịch sử ngày 14/10/2022, chị Trang cũng có cách chống hư hại tài sản cho riêng mình.

Những tuyệt chiêu sống chung với ngập ở Đà Nẵng - 4

Chị Trang dùng bao nilon để bọc phần chân tủ lạnh (Ảnh: Hoài Sơn).

Chị Trang bọc tủ lạnh bằng bao nilon to rồi cột thật chặt miệng bao lại, sau đó kê tủ lên một chiếc ghế cao khoảng 30cm.

"Nước lên, chồng tôi sẽ mang tivi đi gửi nhà hàng xóm và gia đình sẽ di tản ra phía ngoài", chị Trang chia sẻ.

Ông Trần Xuân Ty (hộ dân sống tại Kiệt 127, đường Mẹ Suốt) cho hay khi mưa ngập, vợ con ông đến nhà người thân để tá túc. Ông và những người hàng xóm ở lại giúp nhau kê cao tủ lạnh, máy giặt, xe máy... Những bộ bàn ghế tiếp khách được trưng dụng làm nơi kê tài sản có giá trị.

Những tuyệt chiêu sống chung với ngập ở Đà Nẵng - 5

Mọi vị trí cao đều được người dân tận dụng làm nơi treo tài sản khi ngập (Ảnh: Hoài Sơn).

Đợt mưa lịch sử ngày 14/10/2022, do chưa có kinh nghiệm, nước ngập vào nhà anh Ty khoảng 1,5m, đồ đạc hư hỏng hết. Năm nay, anh Ty đã mua nhiều bao nilon cỡ 1,2m để bỏ chén, bát, quạt vào trong và cột chặt lại. Khi nhà ngập nước, các bao vật dụng này sẽ nổi lên và không bị ướt.

Khu dân cư ở kiệt (ngõ) trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) là "điểm nóng" ngập ở Đà Nẵng trong 2 năm qua.

Nơi này có vị trí thấp, trũng, lưu lượng nước chủ yếu trên núi đổ về trong khi đó hệ thống thoát nước chưa đảm bảo. Trong trận mưa kéo dài từ 12/10 đến 15/10 vừa qua, khu vực này ngập 1-2m.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những 'tuyệt chiêu' sống chung với ngập ở Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO