Những trò quái đản từ Tik Tok gây ám ảnh trẻ nhỏ

ANH ĐÀO| 07/09/2022 18:30

Với mục đích câu view, lấy like, vui đùa... nhiều các trào lưu trên mạng xã hội như hù dọa ma trẻ, hù dọa trẻ không chịu ăn, chịu ngủ bằng những âm thanh rùng rợn, hình ảnh quái dị vô tình khiến trẻ bị chấn thương tâm lý.

32d5fd46741ab044e90b.jpg
Hình ảnh quái dị xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội với mục đích dọa bé ngủ - Ảnh: A.D. chụp lại

Trào lưu hù dọa trẻ ngày càng phổ biến

Những ngày gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là Tik Tok đã không còn xa lạ gì với loạt clip dọa ma trẻ nhỏ. Chúng phổ biến đến mức trở thành "trào lưu" trên TikTok với tên gọi riêng, Pontianak.

Hàng loạt video quay lại cảnh nhiều người lớn nhốt trẻ một mình trong phòng, cùng với âm thanh man rợ. Nhiều trẻ bị lôi ra làm nhân vật chính phải khóc thét lên vì khiếp sợ, trong các clip này với mục đích câu view.

Điều đáng nói là các clip này lại nhận được hàng trăm hàng ngàn lượt like và chia sẻ của người lớn, nhiều người tỏ ra khá thích thú, không ít người phản đối.

Không chỉ vậy, chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm "dọa trẻ ăn", "dọa trẻ hư", trên YouTube hàng trăm clip ngắn xuất hiện với những khuôn mặt quái dị, các clip này lại thu hút được hàng trăm hàng nghìn lượt xem.

Anh H.L. (35 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) có 2 con nhỏ 3 tuổi và 4 tuổi cho hay, mặc dù con còn rất nhỏ nhưng đã tiếp cận mạng xã hội Tik Tok rất nhanh. Nhiều lúc thấy con không chịu ngủ, hay ăn cơm đành phải lấy điện thoại để con lướt.

“Nhiều hôm 2 cháu không chịu ra ngoài chơi với bạn bè vì chỉ muốn ở nhà lướt mạng xã hội. Thấy các clip hù dọa trẻ với âm thanh man rợ, hình ảnh đáng sợ cũng rất lo lắng, nhưng khó tránh khỏi trẻ không nhìn thấy”, anh L. cho biết

a38a108385c5419b18d4-1-.jpg
Nhiều clip trên mạng hù dọa trẻ ăn và ngủ - Ảnh: chụp màn hình

Nhiều hệ lụy cho trẻ

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Đơn vị Tâm lý , Bệnh viện Nhi đồng TP - cho biết đối với trẻ em, việc tiếp cận các sản phẩm truyền thông có nội dung kinh dị, ghê rợn, hù dọa có thể làm trẻ bị tác động tiêu cực như hoảng sợ, lo âu, có những suy nghĩ ám ảnh, thậm chí dẫn đến cảm giác kém an toàn và có các xáo trộn về sinh hoạt, giấc ngủ.

Khi có cảm xúc lo lắng, nhiều trẻ có hành vi quấy khóc, bám cha mẹ hoặc thu mình, ít chịu tương tác với người khác.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc một người sử dụng internet không hợp lý có thể là nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu; Rối loạn giấc ngủ.

Nếu dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng internet và chơi game sẽ làm đảo lộn thời gian biểu sinh hoạt trong ngày. Từ đó, trẻ có thể đối mặt với việc sa sút trong học tập, khó khăn trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội.

Nhà tâm lý học Kimberly S.Young, người đầu tiên đưa ra khái niệm nghiện Internet vào năm 1996 cho rằng điều quan trọng nhất là cha mẹ phải thiết lập các quy tắc gia đình về việc sử dụng internet để giúp con cái họ tránh nghiện internet.

Trên thế giới, tỉnh Kagawa của Nhật Bản, vào tháng 4/2020 đã tiên phong đưa ra yêu cầu cha mẹ giới hạn thời gian chơi điện tử của con cái tối đa 60 phút/ ngày và không quá 90 phút vào dịp cuối tuần.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo lần đầu tiên vào 4/2019 trẻ dưới 1 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình điện tử và trẻ em từ 2 - 4 tuổi không nên ngồi yên một chỗ và sử dụng màn hình điện tử quá 1 giờ mỗi ngày.

Không nên dùng thiết bị điện tử như 1 hình thức giúp trẻ ăn, ngủ sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc. Khi có thiết bị điện tử mới chịu ăn/ngủ.

Theo chuyên gia tâm lý Toàn Thiện, ngoài việc hù dọa trẻ có thể sử dụng các phương pháp sau để giúp trẻ ăn và ngủ ngon hơn:

- Ngủ: Hãy giúp trẻ rèn luyện thời gian biểu hợp lý để đảm bảo chất lượng giấc ngủ và thời lượng ngủ đủ theo từng độ tuổi. Trước khi ngủ không nên dùng thiết bị điện tử vì ánh sáng xanh, từ màn hình máy tính, điện thoại có ảnh hưởng lớn tới việc ức chế sản xuất hormone melatonin, do đó làm giảm cả số lượng giờ ngủ và chất lượng giấc ngủ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra quá trình ức chế melatonin vào buổi tối có tương quan với trầm cảm, béo phì, ung thư...

- Ăn: Hãy cho trẻ chủ động trong bữa ăn. Khi ăn, hãy khuyến khích và tạo niềm vui khám phá thức ăn hơn là ép buộc. Điều này càng làm trẻ chán ăn và gia tăng tình trạng biếng ăn. Nên giới hạn thời gian ăn, không nên vừa ăn vừa xem thiết bị điện tử dẫn đến kéo dài bữa ăn quá lâu.

Cần quy định thời gian xử dụng thiết bị điện tử phù hợp cho từng độ tuổi và cần kiểm soát nội dung trẻ tiếp cận.

"Ngoài ra, cha mẹ phải làm gương cho con. Mối quan hệ gia đình có thể xem vẫn là nền tảng cho việc phát triển tinh thần lành mạnh ở trẻ em.

Một bữa cơm chung không dùng thiết bị điện tử có thể giúp cha mẹ, con cái lắng nghe và quan tâm nhau hơn. Đó cũng là cách cha mẹ dạy cho con cái hiểu về những giá trị tốt đẹp thực tế bên ngoài không gian ảo", chuyên gia tâm lý Toàn Thiện nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những trò quái đản từ Tik Tok gây ám ảnh trẻ nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO