Những trở ngại người hướng nội cần vượt qua

Hà Thanh| 16/08/2022 09:15

Ngày nay, cách tiếp cận gây chú ý theo kiểu hướng ngoại chiếm ưu thế trong môi trường làm việc. Cách thức này dựng lên những chướng ngại cho người hướng nội...

Từ những áp lực khi làm việc nhóm

Vào những năm 1980, các công ty đi theo xu hướng khai thác hiệu quả làm việc nhóm và phương pháp quản lý này nhanh chóng phát triển, từ đó dẫn đến thực tế ngày nay hầu hết các vị trí công việc đều đòi hỏi khả năng làm việc nhóm. Bạn và những đồng nghiệp thường được tổ chức thành một "nhóm", còn người quản lý trực tiếp của bạn được gọi là "trưởng nhóm". Ở nơi làm việc, mọi người được bố trí ngồi cùng các thành viên trong nhóm của mình.

Đối với người hướng nội, cách làm việc xem trọng tinh thần đội nhóm này khiến họ gặp khó khăn. Việc phải liên tục giao tiếp và tìm cách hòa nhập với người khác không chỉ làm họ cạn kiệt năng lượng mà còn lấy đi không gian riêng tư, nơi giúp họ khai thác tối đa khả năng tư duy của mình. Nếu phải chịu áp lực giao tiếp cả ngày với những người xung quanh, người hướng nội sẽ khó có được khoảng thời gian yên tĩnh để nuôi ý tưởng và chuẩn bị kế hoạch cho công việc của mình.

Những trở ngại người hướng nội cần vượt qua - 1

Trong hầu hết các tổ chức, việc kể ra các thành tích mình đạt được góp phần tạo nên "thương hiệu" cá nhân. Mọi người biết đến bạn và đánh giá cao những giá trị bạn đem lại cho tổ chức nhờ vào việc bạn nói về bản thân và những thành tựu của mình. Vấn đề là những người không "khoe khoang" (hầu hết người hướng nội đều như thế) sẽ cảm thấy bản thân như vô tình đứng ngoài cuộc.

Do không quen với việc nói về bản thân, những người trầm tính thường không ở trong tầm chú ý của mọi người. Và có rất ít đồng nghiệp hướng ngoại nghĩ đến việc khuyến khích người hướng nội chia sẻ ý tưởng. Vì vậy mà người hướng nội hay gặp khó khăn khi cần thu hút sự chú ý của mọi người và tận dụng sự chú ý đó để tác động đến tình huống.

Có vẻ như để hòa nhập, bạn phải trở nên sôi nổi và hoạt ngôn. Nhưng nếu đây không phải là phong cách của bạn? Thật đáng tiếc. Nếu muốn thành công, bạn buộc phải "đóng kịch". Người hướng nội "đóng vai" hạnh phúc, hòa đồng và bộc lộ cảm xúc, trong khi thậm chí họ không cảm thấy như vậy.

Cho đến áp lực khi cần đưa ra quyết định nhanh chóng

Từ việc trả lời câu hỏi trong cuộc họp cho đến phản hồi một e-mail bất ngờ từ khách hàng, môi trường làm việc ngày nay buộc chúng ta phải nhanh chóng đưa ra quyết định. Rất nhiều tổ chức đánh giá cao một e-mail phản hồi ngay thay vì phản hồi sau khi đã suy nghĩ thấu đáo. Tốc độ của công nghệ và xu thế cạnh tranh ngày càng tăng trên toàn cầu đã đẩy nhanh nhịp độ công việc. Giờ đây, người ta không còn dành thời gian để suy ngẫm một vấn đề nan giải từ nhiều góc độ. Thời của những câu hỏi như "Nếu… thì sẽ thế nào?" và cơ may quay lại thu thập thêm dữ liệu trước khi ra quyết định đã không còn nữa. Những khách hàng tiềm năng mà chúng ta đang ra sức bán ý tưởng và sản phẩm cho họ chỉ muốn thấy kết quả tức thì.

Thật không may, người hướng nội lại một lần nữa ở tình thế bất lợi. Họ thấy bức bối khi không thể làm chậm lại quy trình ra quyết định hiện thời. Họ cảm thấy không có đủ thời gian để xử lý các quyết định trong đầu và có sự chuẩn bị cần thiết để đạt kết quả tốt nhất. Vì thế, họ thường bị gắn mác là "chậm chạp" hay "đi sau thời đại" và không nhận được sự tôn trọng xứng đáng. Trong khi cân nhắc để ra quyết định và phân tích tình huống, người hướng nội thường không nhận ra dấu hiệu cho thấy họ có nguy cơ tụt lại phía sau. Cái giá phải trả cho sự "chậm trễ" đó là họ đánh mất cơ hội tác động đến việc ra quyết định.

Những trở ngại người hướng nội cần vượt qua - 2

Trong số những rào cản cho quá trình tạo ảnh hưởng của người hướng nội, việc bị ngắt lời có lẽ là trở ngại khiến họ nản chí nhất. Nếu một người hướng nội nói nhỏ giọng hoặc tạm ngừng trong khi đang nói, người khác sẽ ngay lập tức chen vào giành quyền phát biểu. Ngay cả khi một người hướng nội đang nói với âm lượng bình thường, trình bày ý tưởng với lý lẽ rất thuyết phục đã được chuẩn bị trước, những người hướng ngoại có thể vẫn muốn ngắt lời họ.

Với thói quen "nghĩ gì nói nấy", người hướng ngoại xem việc ngắt lời người khác đơn thuần là cách họ đóng góp thêm cho ý tưởng thú vị của người nói. Nhưng đối với người hướng nội, sự chen ngang đó như một tấm chăn cách âm chặn mất tiếng nói của họ. Người hướng nội sẽ cảm thấy ý tưởng của họ, thay vì đang được tập thể lắng nghe, giờ đây bị lấn lướt bởi người "ăn to nói lớn" nhất ở đây. Kết quả là người hướng nội mất tinh thần và không còn cảm hứng để tiếp tục đưa ra ý tưởng mới.

***

Nếu bạn cũng đang gặp phải những trở ngại này và trong bạn khởi lên cảm giác bất an thì hãy nhớ rằng bạn không hề đơn độc. Bạn chỉ là một trong những người hướng nội bị mắc kẹt trong một thế giới mà người hướng ngoại chiếm ưu thế. Thay vì tìm cách né tránh những trở ngại này khi đi trên "xa lộ" dành cho người hướng ngoại, bạn hoàn toàn có thể chọn một hướng đi trực tiếp, hiệu quả và dễ chịu hơn. Hãy chấp nhận và làm theo bản tính của bạn để đón nhận những kết quả tuyệt vời hơn.

Những người hướng nội khác đã làm được điều này: họ bước ra thế giới, trình bày những giải pháp tương lai cho căn bệnh ung thư, đưa ra câu trả lời cho vấn đề nóng lên toàn cầu hay các biện pháp chấn chỉnh nền giáo dục... Bạn hoàn toàn có thể làm được những điều tương tự.

Trích "Sức mạnh của sự trầm lắng"

Theo First News

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những trở ngại người hướng nội cần vượt qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO