Nhắc đến triệu phú người ta nghĩ đến những doanh nhân thành đạt, mặc vest, tận hưởng cuộc sống sang chảnh, ở nhà sang và đi máy bay riêng. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, có những người kiếm nhiều tiền từ bán hàng rong hay các quầy hàng nhỏ ven đường. Nhìn họ khắc khổ nhưng sự thật lại là các "triệu phú ẩn mình".
Cách đây không lâu, cơ quan chức năng ở Ấn Độ đã xác định có hơn 250 người bán đồ ăn đường phố và buôn phế liệu thực sự là triệu phú ở thành phố Kanpur. Ngoài ra, còn có những người bán rau quả, chủ hiệu thuốc, bán tạp hóa, nhặt rác, công nhân vệ sinh... thu nhập cao bất ngờ.
Những người này gom được số tiền 37,5 triệu Rupee Ấn Độ (10,8 tỷ đồng) để mua bất động sản. Có những người làm chủ đại lý phế liệu sở hữu ít nhất 3 ô tô. Thậm chí, có người đã mua thêm các mảnh đất rộng ở vùng xung quanh Kanpur một cách bí mật. Tất cả các giao dịch đều chỉ có người mua và người bán biết.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã tiến hành thu thập bằng chứng thông qua dữ liệu lớn. Họ phát hiện các triệu phú ẩn danh không thanh toán khoản thuế nào ngoài đăng ký thuế hàng hóa và dịch vụ. Ngoài ra, ít nhất 65 chủ cửa tiệm tạp hóa và dược sĩ chưa đăng ký kinh doanh. Một số người đầu tư vào bất động sản nhưng che đậy bằng cách dùng tên người thân và các thành viên trong gia đình.
Đây không phải là lần đầu tiên kiểu triệu phú ẩn danh này bị phát giác ở Ấn Độ. Hồi năm 2016, hàng chục người bán đồ ăn đường phố ở Kanpur đã bị bắt do không công khai khoản thu nhập 600 triệu Rupee Ấn Độ (173 tỷ đồng). Ngoài ra, có những người bán đồ ăn đường phố ở Hyderabad, Ấn Độ cũng bị bắt.
Các vụ việc bị phát giác cho thấy ẩn đằng sau một gánh hàng rong, quầy hàng nhỏ có thể là cuộc sống hoàn toàn khác của người bán. Nói như vậy không có nghĩa là những người bán hàng rong trên phố luôn dễ dàng và thuận lợi. Họ phải làm việc cật lực suốt 12 tiếng/ngày và thường xuyên phải đối mặt với ánh mắt kỳ thị của những người giàu có.
Tháng 6/2019, cơ quan thuế đã kiểm tra một cửa hàng bán bánh ở Ấn Độ và phát hiện chủ cơ sở này có thể kiếm được 60 triệu -70 triệu Rupee/năm (17-20 tỷ đồng/năm).
Chủ cửa hàng là Mukesh Kumar, kinh doanh được 10-12 năm tính đến thời điểm bị kiểm tra. Khi cơ quan chức năng đến, anh ta đã công khai các khoản chi tiêu, thu nhập, tiền trả lương nhân viên. Từ con số này, nhân viên thuế xác định doanh thu hàng năm lên đến cao nhất 70 triệu Rupee.
Điều đáng nói là thu nhập cao song Mukesh không hề khai báo với cơ quan thuế để thực hiện nộp thuế. Với mức thu nhập này, Mukesh sẽ phải trả khoản thuế 3,5 triệu Rupee (1 tỷ đồng).
"Tôi không biết các quy định. Tôi mở cửa hàng 12 năm và chưa ai nói về các thủ tục. Chúng tôi đơn giản chỉ bán hàng để kiếm sống", Mukesh nói và cho biết anh không hề biết về quy định.
Các quan chức cho rằng Mukesh Kumar chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có thể có nhiều người bán hàng như vậy trong thành phố kiếm được thu nhập cao hơn nhưng không hề đóng một khoản thuế nào.