Để ứng phó với diễn biến của đại dịch ngày càng phức tạp, tại Cần Thơ hay các tỉnh ĐBSCL đã linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, ngoài việc thu hẹp "vùng đỏ" (vùng có nguy cơ cao bùng phát dịch) thì việc thiết lập và bảo vệ "vùng xanh" (vùng bình thường mới, vùng không có dịch bệnh, vùng an toàn), không để dịch Covid-19 lây nhiễm vào các khu vực này là rất quan trọng. Đây được xem "lá chắn" vững chắc trong phòng, chống dịch.
Ở khu vực 2 phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, người khởi xướng hoạt động này là ông Nguyễn Thanh Khải (67 tuổi), là một tài xế đã về hưu mong muốn góp phần sức cho quê hương cùng chống dịch. Đội canh chốt vùng xanh của ông có 6 thành viên bắt đầu "ra quân" từ ngày 20/8.
"Các thành viên đều là nam giới ở độ tuổi từ 56 đến 67 tuổi. Mỗi ca trực có 3 thành viên bắt đầu từ 6h sáng 12h trưa, 12h trưa đến 6h chiều. Nhiệm vụ của chúng tôi là tuyên truyền, vận động người dân trong địa bàn dân cư hạn chế ra đường, hướng dẫn các shipper không giao hàng tại nhà các hộ dân để phòng chống dịch bệnh", ông Khải cho hay.
"So với lực lượng tuyến đầu chống dịch, công việc của chúng tôi đâu có hề hấn gì. Bản thân mình cũng cố gắng giữ khoảng cách và đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với người bên ngoài, thế nên tôi không e ngại chuyện lây nhiễm. Tôi hy vọng phần sức nhỏ này sẽ giúp đại dịch mau chóng được đẩy lùi", ông Khải cho biết.
Ông Trần Thanh Tùng (56 tuổi, làm lái tàu du lịch) chia sẻ, đội thành lập trên tinh thần tự nguyện. Các thành viên trong đội coi đó là trách nhiệm không cho shipper hoặc người cư trú ngoài hẻm được phép vào bên trong.
"Mọi hoạt động giao nhận hàng hóa thực hiện phía ngoài chốt bảo vệ và được khử khuẩn trước khi đem vào bên trong. Shipper giao hàng sẽ đứng bên ngoài chờ người nhận ra lấy. Người dân trong vùng xanh được phép ra ngoài để mua sắm các nhu yếu phẩm trước 18h mỗi ngày. Tuy nhiên, việc này được hạn chế và người dân phải khử khuẩn trước khi trở vào", ông Tùng trình bày.
Ông Tùng cho biết đa phần hộ dân đều ủng hộ chốt trực. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn bị gò bó. "Đang tự do, bây giờ họ ra vào phải khai báo đương nhiên sẽ có người không thích. Mất một thời gian để mọi người chấp nhận và hiểu tầm quan trọng của việc kiểm soát dịch bệnh thời điểm này", ông Tùng nói.
Trở về từ công ty, anh Trần Văn Tuấn phải xuất trình giấy tờ để được vào nhà. Mặc dù khá bất tiện, anh Tuấn cho biết bản thân ủng hộ việc làm này, vì tính thiết thực. "Dịch bệnh lây nhiễm phức tạp, ai cũng có thể là F0. Vì vậy, kiểm soát người lạ ra vào khu dân cư giúp người dân an tâm hơn", anh Tuấn chia sẻ.
Bảo Kỳ