Những tình huống pháp lý trong vụ cháy quán karaoke khiến 23 người tử vong

07/09/2022 21:00

Theo luật sư, cơ quan điều tra sẽ không loại bỏ trường hợp vụ cháy có sự tác động từ bên ngoài.

Tối 6/9, quán karaoke An Phú (ở TP Thuận An, Bình Dương) bốc cháy dữ dội. Vụ hỏa hoạn khiến ít nhất 23 người tử vong, nhiều người khác bị thương.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, cơ sở karaoke này được thiết kế, xây dựng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1.500m2 gồm 3 tầng (trệt, 2 lầu và sân thượng), trong đó có 29 phòng hát.

Cơ sở hoạt động từ năm 2016 và có đăng ký đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan như: Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy... Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ việc có thể do chập điện.

Những tình huống pháp lý trong vụ cháy quán karaoke khiến 23 người tử vong - 1

Hiện trường vụ cháy.

Theo dõi vụ việc, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội nhận định trong trường hợp ngọn lửa bắt nguồn từ sự cố như chập điện thì cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm chủ quán karaoke trong việc quản lý, bảo trì hệ thống điện...

Nếu có căn cứ xác định chủ cơ sở không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo quy định dẫn đến sự cố, gây hậu quả làm nhiều người chết, thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội "Vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy".

Luật sư Tiền cho biết với hậu quả của vụ cháy tại Bình Dương khiến ít nhất 23 người đã tử vong, khung hình phạt cho người bị truy cứu theo Điều 313 là phạt tù 7-12 năm. Ngoài ra, người bị kết án còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân, căn cứ theo Điều 584, 590 và 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Tuy nhiên, luật sư Tiền cũng đề cập đến trường hợp vụ cháy có sự tác động từ bên ngoài.

Theo luật sư, cơ quan điều tra sẽ không loại trừ khả năng có người phóng hỏa với mục đích tước đi mạng sống của những người trong quán karaoke. Lúc này, cơ quan chức năng sẽ tiến hành các công tác nghiệp vụ để làm rõ.

"Nếu xác định có dấu hiệu phạm tội 'Giết người' thì người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là tử hình", luật sư cho hay.

Còn trong trường hợp có người phóng hỏa nhưng không nhằm mục đích giết người, ông Tiền cho rằng người thực hiện hành vi vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128 Bộ luật Hình sự, tội "Vô ý làm chết người".

Phân tích về trường hợp này, luật sư Tiền cho biết quán karaoke An Phú là dạng nhà ống, được thiết kế kín, có hệ thống điện, thiết bị, vật liệu dễ cháy nổ. Vì vậy, người thực hiện phóng hỏa buộc phải biết và dự liệu được hậu quả của hành vi.  Theo đó, luật sư cho biết người bị kết án theo Điều 128 có thể bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Bên cạnh đó, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội nhận định người phóng hỏa còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Hủy hoại tài sản" theo Điều 178 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/ban-doc/nhung-tinh-huong-phap-ly-trong-vu-chay-quan-karaoke-khien-23-nguoi-tu-vong-20220907175958757.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/ban-doc/nhung-tinh-huong-phap-ly-trong-vu-chay-quan-karaoke-khien-23-nguoi-tu-vong-20220907175958757.htm
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Những tình huống pháp lý trong vụ cháy quán karaoke khiến 23 người tử vong
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO