Những thói quen tốt giúp bạn cân bằng tài chính trong cuộc sống

08/12/2023 11:35

Luôn đặt mục tiêu cuộc sống, sống trong khả năng, có nhiều nguồn thu nhập... giúp bạn xây dựng nền tảng tài chính.

leeboyoungava1-1672545350-7002-3791-7589-1701755322.jpg

1. Đặt mục tiêu cuộc sống

Nếu bạn nói rằng muốn theo đuổi tự do tài chính, đó là một mục tiêu mơ hồ. Nó cần cụ thể hơn. Ví dụ, bạn cần kiểu cuộc sống như thế nào và nên đạt được nó ở độ tuổi nào. Khi mục tiêu càng cụ thể, bạn càng có nhiều khả năng đạt được nó.

Tiếp theo, hãy bắt đầu lập kế hoạch từ độ tuổi hiện tại của bạn và thiết lập các cột mốc tài chính một cách thường xuyên. Hãy viết ra các mục tiêu của bạn một cách rõ ràng, đặt chúng lên trang đầu tiên của cuốn sổ tay tài chính.

2. Sống trong khả năng của bạn

Sống một cuộc sống mà chi tiêu ít hơn thu nhập không có nghĩa bạn là người bủn xỉn hay bỏ lỡ những niềm vui trong cuộc sống. Thay vào đó, nó đơn giản là chi phí hàng tháng của bạn nhỏ hơn hoặc bằng thu nhập của bạn, theo Deanna Ritchie, biên tập viên tài chính của tờ Due. Kết quả là, bạn không phải trả nợ thẻ tín dụng. Quan trọng hơn nữa, điều này sẽ giúp bạn tạo dựng một tương lai tài chính ổn định hơn.

Deanna nói thêm: "Sống trong khả năng của mình đòi hỏi sự tự chủ và một chút hy sinh, nhưng nếu bạn kiên trì với điều đó, ngoài việc tránh nợ nần, bạn sẽ gặt hái được những phần thưởng sau này".

Khi sống trong khả năng của mình, bạn sẽ giảm căng thẳng, lo lắng, thành công hơn, khỏe mạnh hơn. Bạn cũng không phải lo lắng về điểm tín dụng, có khả năng làm giàu, nhiều tự do hơn, đạt được sự an toàn về tài chính. Nhưng làm thế nào bạn có thể thực sự sống trong khả năng của mình mà không đánh mất chính mình? Dưới đây là một vài gợi ý.

- Luôn kiểm soát ngân sách của bạn bằng cách sử dụng quy tắc 50/30/20: Chi 50% số tiền lương mang về nhà của bạn cho những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và nhà ở, 30% cho những thứ bạn muốn và 20% cho tài khoản tiết kiệm của bạn.

- Thiết lập khoản tiết kiệm tự động để tiết kiệm tiền: Bắt đầu bằng cách gửi một phần tiền lương của bạn trực tiếp vào tài khoản tiết kiệm hoặc tài khoản hưu trí.

- Đừng mua sắm bốc đồng: Đừng mua thẻ gym theo năm khi bạn không có ý định tập lâu dài.

- Đừng so sánh: Bạn cảm thấy ghen tị với những người có nhà, có xe trước mình. Nhưng trên thực tế, họ có thể đang nợ nần chồng chất.

- Hoãn chi tiêu: Chẳng hạn như chờ giảm giá thay vì trả nguyên giá cho hàng tạp hóa, quần áo, đồ điện tử hoặc đi du lịch.

- Thay đổi cấu trúc khoản nợ của bạn: Thương lượng với người cho vay hoặc nhận được mức lãi suất tốt hơn thông qua việc hợp nhất nợ.

3. Xây dựng nguồn dự trữ tiền mặt vững chắc

Đây không phải là ưu tiên hàng đầu của hầu hết chúng ta nhưng nó có thể hữu ích trong trường hợp khẩn cấp. Hãy xem xét kịch bản sau đây. Sáng sớm, chiếc xe bạn dùng đi làm không khởi động được và cần phải thay mới vài chi tiết. Các bộ phận thay thế và nhân công sẽ tiêu tốn của bạn 400 USD.

Rõ ràng, đây nên được coi là một khoản chi phí tài chính khẩn cấp. Rốt cuộc, bạn cần chiếc xe này để kiếm sống. Vấn đề là gì? Bạn không có sẵn tiền mặt để trả cho việc này. Lúc này, bạn phải sử dụng thẻ tín dụng - đồng nghĩa với việc bạn phải trả lại khoản lãi suất cao trên thẻ khi trả lại tiền.

Việc dự trữ tiền mặt cho những trường hợp khẩn cấp này có thể giúp bạn yên tâm hơn. Và quan trọng hơn, nó giúp bạn không bị ngập trong nợ nần.

Lý tưởng nhất là bạn nên tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong ba đến sáu tháng. Nhưng nếu chưa tiết kiệm đủ con số này, bạn có tiết kiệm được bao nhiêu vẫn tốt hơn là không có gì. Ví dụ: Nếu bạn cần sửa chữa xe hơi với giá 400 USD ở trên, khi bạn đã có 300 USD tiền tiết kiệm khẩn cấp, bạn chỉ cần trả thêm 100 USD bằng thẻ tín dụng của mình.

4. Tận dụng tốt nguồn vốn vay

Nhiều chuyên gia tài chính sẽ khuyên bạn tránh hoàn toàn việc vay mượn. Tuy nhiên, không phải việc vay mượn nào cũng xấu. Ví dụ, nếu bạn muốn vay tiền để mua ô tô hoặc nhà, bạn cần có tín dụng tốt; việc đăng ký thẻ tín dụng và sử dụng nó một cách có trách nhiệm giúp bạn dễ vay hơn.

Bạn cũng có thể sử dụng khoản vay để đầu tư vào giáo dục, mua bất động sản, bắt đầu hoặc phát triển doanh nghiệp của mình.

5. Xây dựng kế hoạch đầu tư

Sau khi bạn đã tích lũy được khoản tiết kiệm khẩn cấp để xử lý những tình huống bất ngờ, đã đến lúc bắt đầu đầu tư. Chuyên gia tài chính cá nhân Mỹ Alicia Dion cho biết các tài khoản đầu tư khác nhau mà bạn thấy được chia thành hai loại hưu trí và không nghỉ hưu.

Alicia cho biết thêm: "Một sai lầm lớn mà bạn mắc phải khi mới bắt đầu đầu tư là nghĩ rằng mình còn quá trẻ để lo lắng về việc tiết kiệm nghỉ hưu. Nhưng đầu tư và lập kế hoạch nghỉ hưu đi đôi với nhau. Đầu tư là một công cụ để xây dựng sự giàu có. Còn nghỉ hưu đòi hỏi sự giàu có và là một giai đoạn tất yếu trong cuộc đời".

Cô khuyên rằng nếu bạn muốn có đầy đủ kinh nghiệm đầu tư, bạn nên bắt đầu tiết kiệm cho cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Nghỉ hưu là mục tiêu chính để tiết kiệm, nhưng thường không phải là mục tiêu duy nhất. Ngoài ra còn có những chi phí không thể tránh khỏi trong ngắn hạn và trung hạn, và việc đầu tư có thể giúp ích.

Alicia nói: "Điều quan trọng là phải hiểu loại tài khoản phù hợp nhất với bạn. Sau đó, hãy biết rằng cuộc sống sẽ có đủ loại chi phí và sử dụng các khoản đầu tư để giúp bạn tài trợ cho những chi phí đó".

Có nhiều loại tài khoản hưu trí trên thị trường. Sau khi kết hợp các kế hoạch nghỉ hưu này, bạn cũng nên cân nhắc việc mua bảo hiểm niên kim (bảo hiểm nhân thọ trường hợp sống). Điều này có thể bổ sung cho các tài khoản hưu trí khác của bạn đồng thời mang lại thu nhập được đảm bảo suốt đời.

Đối với các tài khoản không hưu trí, hãy cân nhắc đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu. Quan trọng nhất, bạn nên có danh mục đầu tư đa dạng để giảm thiểu rủi ro đồng thời tối đa hóa lợi nhuận đầu tư của mình.

6. Tiêu tiền khôn ngoan

Ví dụ, bạn không cần phải chi 200 USD cho một đôi dép xỏ ngón chỉ dùng được cho một mùa hè. Thay vào đó, bạn có thể chi 1 USD để mua đôi dép xỏ ngón tương tự từ cửa hàng bình dân.

7. Tận dụng lợi ích bạn được hưởng từ công ty mà bạn làm việc

Nếu bạn là một freelancer, bạn có thể bỏ qua phần này. Nếu không, hãy nhớ kiểm tra kỹ kế hoạch phúc lợi từ chủ lao động. Bằng cách này, bạn tránh bỏ lỡ những lợi ích miễn phí mà chủ lao động có thể cung cấp

Dưới đây là những đặc quyền bạn nên tìm kiếm:

- Kế hoạch kết hợp hưu trí
- Bảo hiểm nhân thọ hoặc khuyết tật
- Kế hoạch mua cổ phiếu cho nhân viên
- Dịch vụ pháp lý.

8. Mở rộng kiến thức tài chính

Ý nghĩ quản lý tiền bạc có thể khiến bạn nản lòng và choáng ngợp. Nhưng nếu bạn muốn ổn định hơn về mặt tài chính và kiểm soát tiền của mình, bạn sẽ cần phải tiếp tục tìm hiểu về mọi thứ, từ khấu trừ thuế đến đầu tư và kế hoạch nghỉ hưu.

Làm thế nào bạn làm điều đó là hoàn toàn tùy thuộc vào bạn. Bạn có thể đọc một cuốn sách tài chính, theo dõi các bài học từ một chuyên gia hoặc tham gia một khóa học trực tuyến. Bạn cũng nên tìm một cố vấn tài chính, ngồi lại với anh ta và lắng nghe lời khuyên của anh ta.

9. Tìm nguồn thu nhập khác

Đầu tiên, nếu bạn mất một nguồn thu nhập, bạn có thể chuyển sang nguồn thu nhập khác. Một lợi ích khác là bạn có thể sử dụng dòng tiền tăng thêm để trả nợ hoặc gửi tiết kiệm.

Bạn có thể tìm nguồn thu khác nhờ công việc tay trái hoặc tìm kiếm thu nhập thụ động như cho thuê một phòng ngủ trống, bán sản phẩm, mua bảo hiểm niên kim hoặc bắt đầu một trang web thương mại điện tử. Những kế hoạch này cũng đòi hỏi bạn làm một số việc ban đầu, nhưng cuối cùng bạn sẽ kiếm được tiền mà không cần nỗ lực nhiều.

10. Đặt sức khỏe lên hàng đầu

Bạn có thể nghĩ rằng mình không có thời gian để nghĩ tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn xem xét nhiều lý do tài chính liên quan đến sức khỏe, bạn có thể thay đổi quyết định.

Đầu tiên, khi bạn khỏe mạnh, bạn sẽ ít bị ốm và nghỉ ốm. Điều này càng quan trọng hơn khi bạn là một freelancer. Nếu bạn không làm việc một ngày, bạn sẽ không kiếm được tiền. Nếu bạn đang đi làm, việc vắng mặt lâu có thể khiến bạn không được tăng lương hoặc thăng chức.

Thứ hai, những hậu quả lâu dài về sức khỏe khi chi phí chăm sóc bản thân tăng lên. Đặt sức khỏe lên hàng đầu hôm nay có thể giúp bạn giảm những chi phí đó vào ngày mai. Vì vậy, việc ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên cần được ưu tiên. Bạn cũng nên áp dụng chế độ ăn uống cân bằng.

Tài chính và sức khỏe luôn song hành với nhau. Xét cho cùng, kiếm tiền dễ dàng hơn nhiều khi bạn khỏe mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những thói quen tốt giúp bạn cân bằng tài chính trong cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO