Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội bầu và phê chuẩn ba chức danh, trong đó có Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Theo quy trình, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm, các đại biểu sẽ xem xét phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT với ông Nguyễn Văn Thể và phê chuẩn nhân sự thay thế.
Sau khi được phê chuẩn, tân Bộ trưởng sẽ gánh vác nhiều trọng trách trong việc lãnh đạo ngành Giao thông, nổi bật là cùng với các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương và toàn ngành đốc thúc, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông.
Hiện Việt Nam đang triển khai hai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 (2017 - 2020) và giai đoạn 2 (2021 - 2025).
Trong đó, dự án giai đoạn 1 có 11 dự án thành phần thì theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến ngày 15/9, mới có 1 dự án thành phần hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn.
10 dự án thành phần còn lại đang triển khai thi công xây dựng. Trong đó, cả 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đều chậm tiến độ.
7 dự án thành phần đầu tư công thì đoạn Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 chậm tiến độ. Còn 5 dự án thành phần sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư thì đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang chậm so với kế hoạch; 4 dự án khác (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) cơ bản đáp ứng tiến độ.
Với dự án giai đoạn 2 (gồm 12 dự án thành phần), hiện Chính phủ yêu cầu rút ngắn thời gian cho các khâu chuẩn bị dự án (từ thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng), bảo đảm đến tháng 12 tới đây khởi công và hoàn thành dự án vào năm 2025.
Như vậy có thể thấy việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam cả hai giai đoạn đều có khối lượng công việc rất lớn thời gian tới, với hàng loạt khó khăn, thách thức về giải phóng mặt bằng; nguồn vật liệu đất đắp cung cấp cho các dự án; giá vật liệu xây dựng tăng ngoài khả năng dự báo; vấn đề lựa chọn nhà thầu mạnh, có năng lực, kinh nghiệm...
Và đặc biệt là "bài toán" làm sao đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ sẽ rất thách thức. Đơn cử với dự án giai đoạn 2, đây là dự án quan trọng mà Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ, phải hoàn thành vào năm 2025. Khối lượng công việc rất lớn khi thời gian còn lại không nhiều, khoảng 3 năm. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp gần đây, "nếu chậm một nhịp thì công trình sẽ không hoàn thành đúng tiến độ".
Một dự án giao thông trọng điểm quốc gia khác là Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng được đặt mục tiêu khai thác chuyến bay đầu tiên trong năm 2025.
Tính đến tháng 9 vừa qua, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay mặc dù các đơn vị liên quan đã tích cực triển khai song song các thủ tục (giao nhận đất, chuẩn bị đầu tư, xin ý kiến về cao độ tĩnh không, thỏa thuận đấu nối với các công trình lân cận, chuẩn bị hồ sơ tổng mặt bằng, …), nhưng so với tiến độ đăng ký vẫn chưa đạt yêu cầu.
Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 4,6 tỷ USD, thời gian thực hiện từ 2020 đến 2025. Để có thể hoàn thành đồng bộ, đưa dự án về đích đúng hẹn theo chỉ đạo của Chính phủ thì việc đảm bảo tiến độ các dự án thành phần là điều kiện tiên quyết.
Về việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, trong tháng 6/2022, Quốc hội xác định đây là dự án có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần phát triển đất nước. Tuy nhiên, tính đến tháng 6 đã quá thời hạn 2 năm nhưng vẫn còn một số đoạn tuyến chưa hoàn thành; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn thiếu tập trung, quyết liệt và chưa kịp thời đề xuất các giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm thực hiện đúng mục tiêu đề ra.
Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hoàn thành các dự án thành phần của tuyến đường Hồ Chí Minh đang triển khai; đồng thời đến năm 2025 kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe, hoàn thành kiểm toán, quyết toán và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 66 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, báo cáo Quốc hội vào năm 2026...
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Giao thông Vận tải đã xác định ưu tiên, tập trung đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau và tuyến đường Hồ Chí Minh, hoàn thành giai đoạn một cảng hàng không quốc tế Long Thành, coi đây là các dự án tạo ra "đột phá", thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia.
Việc xác định ưu tiên này cũng phù hợp với chủ trương đề ra tại văn kiện Đại hội XIII, đó là "tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông..."
Như vậy, có thể thấy cùng với cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành thì đường Hồ Chí Minh là các dự án nằm trong nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giao thông cũng như của "tư lệnh ngành" thời gian tới.
Ngoài ra, ngành Giao thông còn đứng trước khối lượng công việc lớn khác, như: Chuẩn bị triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM; mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển...
Nhu cầu vốn cho các công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải những năm tới rất lớn. Đơn cử, riêng nhu cầu vốn triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc đến năm 2030 khoảng 900.000 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2021 - 2025 nhu cầu khoảng 390.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến nhu cầu khoảng 510.000 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) và vốn ngoài ngân sách.
Trong tổng số vốn trên, dự kiến ngân sách Nhà nước đáp ứng khoảng 600.000 tỷ đồng. Bài toán đặt ra 300.000 tỷ đồng còn lại được xác định là thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi có xu hướng giảm mạnh. Thêm vào đó, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, không hấp dẫn, tiềm ẩn nhiều rủi ro,... nên việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt nguồn vốn của tư nhân tham gia đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn... Đây là một trong những "bài toán" khó đặt ra với lãnh đạo ngành Giao thông.
Cùng với tiến độ, chất lượng thì công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc cũng là nhiệm vụ quan trọng với ngành Giao thông.
Ngành Giao thông còn đứng trước nhiệm vụ giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT trước đây để qua đó tác động tích cực, tạo niềm tin, môi trường thuận lợi tiếp tục thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể là một trong những "tư lệnh ngành" đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội nhiều nhất. Điều này cho thấy lĩnh vực giao thông vận tải có nhiều vấn đề nóng, được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Và sắp tới các vấn đề nóng đó sẽ được gánh vác bởi lãnh đạo mới của ngành Giao thông.