Theo Business Insider, các tên lửa của Nga có tầm bay phủ khắp Ukraine, cho phép Moscow tấn công vào những cơ sở hạ tầng chủ chốt của quân đội Ukraine, đặc biệt ở khu vực phía tây, nơi vũ khí từ NATO viện trợ ùn ùn đổ về.
Nhìn chung, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã có tác động mạnh tới chiến sự ở Ukraine. Những hỏa lực này đã đánh trúng các mục tiêu quan trọng của Kiev, gây thiệt hại lớn.
Tên lửa phóng từ biển
Nga đã phóng hàng nghìn tên lửa kể từ ngày 24/2, khi họ phát động chiến dịch quân sự.
Dòng tên lửa Nga sử dụng nhiều nhất là 3M-14 Kalibr được phóng từ chiến hạm hoặc tàu ngầm. Dòng Kalibr có nhiều phiên bản khác nhau với chức năng khác nhau từ chống tàu nổi, chống tàu ngầm cho tới tấn công mặt đất.
Kalibr có thể tấn công chính xác mục tiêu nhờ hệ thống định vị vệ tinh, với tầm bắn 1.600-2.400km. Nó có thể mang đầu đạn nổ tiêu chuẩn 450kg hoặc đầu đạn hạt nhân. Kalibr được xem là đối thủ "ngang tài, ngang sức" với Tomahawk của Mỹ.
Kalibr là một trong những tên lửa mới nhất và tiên tiến nhất được Nga bổ sung vào kho vũ khí thời gian qua.
Ngoài Kalibr, hải quân Nga cũng sử dụng ở chiến trường Ukraine tên lửa hành trình chống hạm P-800 Oniks. Được NATO định danh là SS-N-26 "Strobile", nó có tầm bắn gần hơn 300km và tốc độ tối đa khoảng Mach 2 (gấp 2 lần tốc độ âm thanh).
P-800 Oniks vào biên chế từ năm 2002, chủ yếu được trang bị cho tàu chiến mặt nước và tàu ngầm. Năm 2015, Hải quân Nga chính thức triển khai Oniks cho sử dụng hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động. Độ chính xác của Oniks vào khoảng 90%, đã khiến các chỉ huy NATO lo lắng, theo Business Insider.
Tên lửa phóng từ đất liền
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) của Nga có vai trò rất quan trọng trong chiến sự với Ukraine, đặc biệt là tên lửa Tochka-U và Iskander-M. Được NATO định danh lần lượt là SS-21 Scarab và SS-26 Stone, chúng đại diện cho quá khứ và hiện tại của SRBM Nga.
Tochka-U được trình làng vào năm 1989, cải tiến trên tên lửa Tochka được đưa vào biên chế của Liên Xô vào năm 1975. Được bắn từ một bệ phóng di động, Tochka-U có tầm tấn công 120km và có thể mang theo đầu đạn nổ 450kg, đầu đạn phân mảnh hoặc đầu đạn hạt nhân có sức công phá 100 kiloton.
Iskander-M là tên lửa được chế tạo nhằm thay thế cho Tochka-U vào năm 2016. Tên lửa này dài 7,2m, đường kính thân lớn nhất 0,95m, trọng lượng bay 3,8 tấn, đầu đạn 380kg, có thể bay trên độ cao 50km, tầm bắn từ 50 - 480km. Do Iskander sử dụng động cơ đẩy rocket nhiên liệu rắn, quỹ đạo bay thay đổi linh hoạt nên rất khó phán đoán. Nó có thể mang đầu đạn nhiệt áp, đầu đạn phân mảnh, đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn xuyên đất.
Tên lửa phóng từ trên không
Nga đã gặp thách thức trong việc kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine trong hơn 5 tháng qua, nhưng Moscow vẫn thể hiện được uy lực trên không nhờ tên lửa hành trình phóng từ máy bay xuống các mục tiêu quân sự của Kiev.
Hai dòng tên lửa mới nhất được Nga huy động tham chiến ở Ukraine là tên lửa hành trình Kh-101 và tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal.
Kh-101 được giới thiệu vào năm 2012, có tầm bắn lên tới 5.500 km và có thể di chuyển với tốc độ tối đa là 270m/s. Kh-101 sử dụng hệ thống vệ tinh định vị GLONASS của Nga để điều chỉnh đường bay của tên lửa và được báo cáo là có độ chính xác cao với biên độ sai số từ 5-6m.
Kh-101 có chiều dài 7,45 m với khối lượng tối đa khi phóng là 2.400 kg và có thể mang đầu đạn phân mảnh hoặc đầu đạn hạt nhân.
Trong khi đó, Kinzhal là một trong những tên lửa mới và hiện đại nhất của Nga. Đây là tên lửa siêu vượt âm đầu tiên trên thế giới được triển khai trong một cuộc chiến. Mỹ nhận định Kinzhal là "chưa thể đánh chặn".
Kinzhal có tầm phóng khoảng 2.000 km và có thể di chuyển nhanh gấp 10 lần so với tốc độ âm thanh (Mach 10). Nó có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, loại tên lửa này hiện là "bất khả chiến bại" vì nó có khả năng thâm nhập và đánh bại tất cả các hệ thống phòng không hiện có và trong tương lai.