Những tấm gương thầm lặng mà cao cả đi đâu, về đâu sau khi được tôn vinh?

Q.Huy| 09/05/2023 14:47

Trước lãnh đạo TPHCM, nữ cán bộ nêu hình ảnh của người thương binh vớt rác trên sông, người phụ nữ nấu ăn cho lao động khó khăn... và đặt câu hỏi họ đi đâu, về đâu sau khi được thành phố tôn vinh.

Sáng 9/5, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì hội nghị tổng kết 5 lần tổ chức tuyên dương "những tấm gương thầm lặng mà cao cả", giai đoạn 2014 - 2022".

Sau gần 10 năm thực hiện, phong trào của TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu lớn, trong đó, tạo sự lan tỏa tình nhân văn, nghĩa cử cao đẹp từ những con người bình dị đến cộng đồng.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện của địa phương còn mang nặng tính hành chính; cách thức khen thưởng, sự quan tâm của chính quyền đối với những tấm gương điển hình còn hạn chế. Trước bối cảnh đó, TPHCM đứng trước yêu cầu thay đổi mạnh mẽ việc tuyên dương "những tấm gương thầm lặng mà cao cả" trong thời gian tới.

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả đi đâu, về đâu sau khi được tôn vinh? - 1

Hội nghị tổng kết 5 lần tổ chức tuyên dương "những tấm gương thầm lặng mà cao cả" TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Thầm lặng mà vẫn nặng nề thủ tục hành chính

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, bày tỏ, sau 10 năm thực hiện, việc tôn vinh "những tấm gương thầm lặng mà cao cả" được ghi nhận ngày càng nhiều. Tuy nhiên, một thực tế là những tấm gương này thiên về lĩnh vực xã hội nhiều hơn.

"Thực tế còn nhiều lĩnh vực khác còn chưa được ghi nhận, phát huy đầy đủ. Chúng ta cần cách thức để tìm kiếm những tấm gương thầm lặng trong cả các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, đào tạo, y tế, sản xuất, chiến đấu, học tập...", Phó Chủ tịch UBND TPHCM phân tích.

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả đi đâu, về đâu sau khi được tôn vinh? - 2

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Một vấn đề nữa được ông Võ Văn Hoan nêu ra là việc tôn vinh của phong trào này còn nặng nề thủ tục hành chính theo quy định. "Thầm lặng mà còn nặng nề phức tạp quá", là thực trạng được vị lãnh đạo thành phố nhận định khi góp ý cho phong trào này.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng nhìn nhận, trong việc khen thưởng định kỳ, thành phố cần thêm những hình thức khen thưởng cấp cao, khen thưởng đột xuất và những hình thức ghi nhận khác. Cụ thể, các loại huy hiệu ghi nhận của TPHCM là sáng kiến được ông Võ Văn Hoan đưa ra để bàn thảo.

Ông Võ Văn Hoan cũng đặt vấn đề, việc tuyên dương "những tấm gương thầm lặng mà cao cả" cần khác với các phong trào đã và đang tổ chức. Đây là điều cần làm rõ để tránh loay hoay, lòng vòng và trùng lặp khi ghi nhận.

"Cách đây 10 năm, chúng ta thống nhất rằng trong cuộc sống có rất nhiều người đáng tuyên dương nhưng không ai tuyên dương và không ai biết để tuyên dương. Cần làm rõ nguồn gốc của phong trào tôn vinh "những tấm gương thầm lặng mà cao cả" là như vậy", Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Họ sẽ ra sao sau khi được tôn vinh?

Xuyên suốt cuộc họp, các đại diện cơ quan MTTQ Việt Nam cấp quận, huyện và tổ chức, đoàn thể cấp thành phố đã góp ý những điểm cần đổi mới trong phương thức tổ chức, thực hiện cho việc tuyên dương "những tấm gương thầm lặng mà cao cả".

Tuy nhiên, ý kiến được quan tâm nhiều nhất thuộc về một nữ cán bộ từng làm công tác thi đua khen thưởng tại cơ sở nay đã chuyển sang công tác khác.

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả đi đâu, về đâu sau khi được tôn vinh? - 3

Nữ cán bộ từng làm công tác thi đua khen thưởng bày tỏ ý kiến tại hội nghị (Ảnh: Q.Huy).

Người này kể, khi còn trực tiếp làm nhiệm vụ về thi đua, khen thưởng, cô đã chứng kiến những hình ảnh cao đẹp của người vớt xác trên sông Sài Gòn; chú thương binh vớt rác trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm; người phụ nữ nấu ăn cho người lao động khó khăn; chàng trai cắt tóc cho các bệnh nhân nghèo trong bệnh viện. Đặc biệt, có trường hợp nữ cựu chiến binh bán trứng vịt lộn kiếm sống vẫn đều đặn viết thư gửi gia đình các đồng đội đã mất.

"Khi kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã sạch đẹp, chú thương binh ấy đã làm gì, cả anh cắt tóc trong bệnh viện Ung Bướu, giờ họ đi đâu, về đâu? Đó là những vấn đề của toàn xã hội", câu hỏi của nữ cán bộ khiến những người dự hội nghị phải suy nghĩ.

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả đi đâu, về đâu sau khi được tôn vinh? - 4

Ông Hồ Chí Cường, 68 tuổi, nhận bằng khen "những tấm gương thầm lặng mà cao cả" của TPHCM năm 2022 (Ảnh: Nam Thái).

Người này cho rằng, những tấm gương như trên không cần sự khen thưởng, nhưng thành phố đã phát hiện và ghi nhận.

Ghi nhận bao nhiêu cũng không thể đầy đủ

Kết luận tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nêu lại, 10 năm trước, thành phố nhận thấy nếu chỉ thực hiện phong trào thi đua, khen thưởng theo quy định thì không thể ghi nhận, tri ân đầy đủ những cống hiến thầm lặng. Do đó, việc tuyên dương "những tấm gương thầm lặng mà cao cả" đã được thành phố đặt ra và thực hiện.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cách để ghi nhận nhiều hơn, kịp thời hơn đối với cá nhân, tập thể có sự đóng góp cho sự phát triển của TPHCM. Ngay cả khi phong trào này được làm tốt, thành phố cũng chưa thể ghi nhận, khen thưởng hết những tấm gương, hành động đẹp.

"Có thể do cách thức chúng ta làm còn chưa hiệu quả, cũng có thể họ không muốn được khen thưởng, không muốn được nhắc tới. Chúng ta tôn vinh nhưng cần tôn trọng ý kiến cá nhân, tránh việc tôn vinh nhưng họ không mong muốn điều đó", Chủ tịch UBND TPHCM nêu vấn đề.

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả đi đâu, về đâu sau khi được tôn vinh? - 5

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, kết luận hội nghị (Ảnh: Q.Huy).

Chủ tịch UBND TPHCM điểm lại, nhiều ý kiến cho rằng địa phương chỉ dừng lại ở việc tuyên dương là xong. Do đó, thành phố cần thành lập câu lạc bộ "những tấm gương thầm lặng mà có lòng nhân ái" trong thời gian tới.

Ngoài ra, TPHCM cần xây dựng cơ sở dữ liệu của những người được tuyên dương. Qua đó, người dân, các tổ chức, cá nhân sẽ phản ánh những hành động thầm lặng, cao cả để các cơ quan có thẩm quyền xác minh.

"Chúng ta cần đồng hành với các hoạt động của những tấm gương này, có những người hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều tấm gương khi thực hiện hành động cao đẹp có thể chịu ảnh hưởng đến sức khỏe, đến gia đình, chúng ta cần quan tâm và chăm lo cho họ", ông Phan Văn Mãi nêu rõ.

Về ý tưởng trao tặng huy hiệu cho "những tấm gương thầm lặng mà cao cả", Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định sẽ nghiên cứu và đưa ra hình thức ghi nhận xứng đáng. Đi kèm đó là bằng khen, phẩn thưởng mang tính động viên cao.

"Xa hơn nữa, thành phố có thể xem họ là những công dân tiêu biểu để có các chính sách phù hợp. TPHCM có thể nghiên cứu việc miễn phí vé xe buýt, miễn phí tiếp cận các cơ sở vui chơi, giải trí để chăm lo và thể hiện sự tôn vinh thật sự", ông Phan Văn Mãi nêu phương án.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những tấm gương thầm lặng mà cao cả đi đâu, về đâu sau khi được tôn vinh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO