Cúng tiễn ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Mâm cúng ông Công ông Táo |
Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là nét văn hóa đặc sắc, một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay. Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện - Ác của loài người.
Cứ vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội. Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng.
Dọn dẹp nhà cửa trước Tết
Dọn dẹp nhà cửa luôn là công việc bận rộn nhất vào những ngày cuối năm. Đây cũng là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống người Việt.
Dọn dẹp nhà cửa trước Tết là để dọn dẹp lại những bộn bề, bụi bặm của năm cũ, sắp xếp và tạo mới một không gian sống ngăn nắp và sạch đẹp cho năm mới. Đây như một bước đệm để chào đón sự an khang, thịnh vượng. Do đó, bắt đầu từ trước ngày 23 tháng Chạp, phần lớn các gia đình đã cùng nhau dọn dẹp lại nhà cửa. Thông qua công việc này, các thành viên còn được chia sẻ và gắn kết hơn.
Bên cạnh đó, tục dọn dẹp nhà cửa trước Tết còn mang một ý nghĩa thuộc về đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc ta đã có từ lâu. Mọi người quan niệm: Thần tài sẽ gõ cửa những ngôi nhà ngăn nắp, sạch sẽ và thơm tho; đầu năm gọn gàng sạch sẽ, cuối năm sẽ sung túc, đủ đầy. Do đó, việc dọn dẹp nhà cửa là một phần quan trọng để đón phúc lộc, tài khí cho cả gia đình trong suốt một năm.
Theo nhiều chuyên gia văn hóa, dọn dẹp nhà cửa trước Tết là việc làm đánh dấu sự khác biệt về không gian sinh tồn; là dấu mốc của một chặng đường mới để đón chào may mắn, phúc lộc. Không chỉ dọn dẹp nhà cửa mà cây cối cũng được trang hoàng lại bằng việc quét vôi. Như một số dân tộc còn có tục dán giấy đỏ, giấy hồng điều lên trước cửa nhà. Tất cả đều là sự chuyển đổi về không gian, là dấu hiệu nhận biết của sự chào đón một năm mới với những điều mới và tốt đẹp.
Gói bánh chưng, bánh tét
Gói bánh Tét (Ảnh: Cảnh Tăng) |
Vào những ngày cuối năm, những người con xa quê ai ai cũng mong hoàn thành sớm công việc của mình để được về đoàn tụ với gia đình. Bởi ai cũng muốn được cùng với gia đình quây quần gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên, ông bà. Ngày xưa, trước Tết khoảng 2,3 ngày, nhà nhà thường chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng để đến ngày 30 Tết cả nhà quây quần trước sân, cùng lau lá, đãi đỗ, vo gạo, ướp thị để gói bánh. Nhưng có lẽ vui nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng.
Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...
Tảo mộ
Khoảng từ 20 tháng Chạp đến chiều 30 Tết, các gia đình Việt Nam lại thực hiện nghi thức tảo mộ. Trong quan niệm của người dân, khi năm mới đến, mọi thứ đều phải được sửa sang cho mới mẻ, kể cả với những người đã khuất. Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ; cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình.
Do đó, theo sau phong tục này ta có tục rước ông bà vào trưa ngày 30 âm lịch, và đưa ông bà, thường là vào trưa mùng 3 hoặc mùng 4 Tết, tùy theo tập quán ở mỗi địa phương, và nếp sống của mỗi gia đình. Thường thì ngày tiễn đưa ông bà cũng là ngày cuối cùng của những ngày nghỉ ngơi vui Tết, mọi người trong gia đình lại quay trở về với cuộc sống thường nhật. Họ trở về với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày tiếp sau đó. Phong tục tảo mộ trước tết đã có từ lâu trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
Đi chợ Tết
Người dân Việt Nam thưởng thức hương vị Tết bằng nhiều thú vui khác nhau, rất đa dạng. Thế nên cụm từ “ăn Tết” bao hàm nhiều ý nghĩa: đón Tết, chơi Tết, chúc Tết, mừng tuổi Tết... Trong không khí náo nức chuẩn bị cho một cái Tết thật sự đầy đủ về vật chất và tinh thần có một thú vui mà có lẽ bất cứ ai, từ già đến trẻ đều rất thích: đi chợ Tết.
Chợ Tết là những phiên chợ ngày cuối năm, đông vui hơn, tấp nập hơn và cũng hối hả hơn vì ai ai cũng bận rộn trang hoàng nhà cửa, cúng gia tiên, hoàn thành những công việc cuối cùng trước khi bước sang năm mới.
Người ta đi chợ Tết không chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức khi Tết đến. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải chỉ để “có cái ăn” mà đó là thói quen, làm dậy lên không khí ngày lễ hội. Chợ Tết được bố trí ở những bãi đất rộng, có thể chợ được thành lập ngay nơi chợ thường ngày vẫn diễn ra chuyện bán mua. Nhưng trong chợ Tết, gần như tất cả “món ngon vật lạ” đều được bày bán. Không khí Tết thấm đượm thật sự vào những ngày này bởi cảnh người mua hàng nặng trĩu giỏ.
Bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả ngày Tết không chỉ làm cho không gian cúng thêm ấm áp, hài hòa, rực rỡ, mâm ngũ quả còn thể hiện sinh động ý tưởng triết lý-tín ngưỡng-thẩm mỹ và là nơi gửi gắm ước nguyện của mỗi gia đình.
Các gia đình thường lau dọn ban thờ, sửa soạn, bày biện mâm ngũ quả Tết vào ngày 29, 30 tháng Chạp.
Mâm ngũ quả thường có năm loại quả được bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng. Cũng có nhà bày trên một cái đĩa to rồi đặt trên chồng bánh chưng để tạo dáng cao, uy nghiêm, thành kính.
Theo các vị cao niên am tường về Nho giáo thì xuất xứ của mâm ngũ quả có liên quan đến quan niệm triết lý Khổng giáo của Phương Đông, thế giới được tạo nên từ năm bản nguyên (năm yếu tố cấu thành vũ trụ) gọi là “ngũ hành” gồm Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ tương ứng với các màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng.
Ngoài ra, “ngũ” còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn là Phúc, Quý, Thọ, Khang, Ninh.
Cúng giao thừa
Cúng giao thừa thường phải làm hai lễ, một lễ cúng trong nhà và một lễ cúng ngoài trời. Sở dĩ người Việt Nam làm lễ cúng giao thừa vì niềm tin rằng: Một năm bắt đầu, ắt phải có kết thúc. Ý nghĩa của buổi lễ cũng là: bỏ hết đi những ân oán năm cũ, nghênh đón năm mới đến với tài lộc và những điều tốt đẹp.
Xông đất
Thời khắc giao thừa kết thúc, bước sang một năm mới, gia chủ thường chọn người bước vào nhà mình đầu tiên để xông đất. Đó là những người hợp tuổi với gia chủ, hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt với mong muốn một năm mới mọi điều đều thuận lợi, tốt đẹp.
Xuất hành đầu năm
Vào ngày mùng 1 tháng Giêng, mọi người thường chọn hướng, chọn giờ và các phương tiện để ra khỏi nhà với mong muốn khi bước sang một năm mới tất cả đều thuận lợi, cả năm gặp điều tốt lành, không gặp điều xấu, điều không tốt.
Chúc Tết, lì xì
Phong tục lì xì ngày đầu năm mới là một nét đẹp văn hóa được người Việt lưu giữ và phát huy theo năm tháng. Những phong bao đỏ thắm mang theo lời chúc bình an và nhiều hạnh phúc. Cho dù không một ai biết chính xác tục lệ này có từ bao giờ nhưng qua năm tháng nó vẫn được gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày hôm nay. Lì xì đầu năm là phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt, với mong muốn gắn kết mọi người với nhau hơn, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn. Phong bao lì xì là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt một năm.
Hơn nữa, phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc, người ta nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng lì xì vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng có một nét văn hóa đặc sắc không bao giờ biến mất là phong tục lì xì ngày Tết cổ truyền. Những phong bao lì xì đỏ thắm, xinh xắn chính là biểu tượng của lời chúc may mắn và hạnh phúc đầu năm.
Lễ chùa hái lộc đầu năm
Phong tục đi lễ chùa trong những ngày đầu của năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên.
Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt. Hái lộc thường được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết để cầu may mắn, rước lộc vào nhà.