Những nước cấm phá thai phạt người vi phạm như thế nào?

27/06/2022 10:18

Trước khi Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết cấm phá thai gây tranh cãi, một số quốc gia trên thế giới còn áp dụng hình phạt tù với người vi phạm.

Hôm 24/6, Tòa án Tối cao Mỹ quyết định đảo ngược phán quyết Roe v Wade, xóa bỏ cơ sở pháp lý bảo vệ quyền phá thai ở cấp liên bang. Từ đây, quyền phá thai sẽ được từng tiểu bang của Mỹ quyết định, trừ khi Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật khác. Động thái này khiến Mỹ bị tách biệt so với các quốc gia đồng minh chủ chốt về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Theo CNN, Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ là “bước thụt lùi lớn”, và “rõ ràng tạo ra tác động lớn tới suy nghĩ của người dân trên khắp thế giới”.

Những nước cấm phá thai phạt người vi phạm như thế nào?
Những người ủng hộ quyền phá thai đứng biểu tình bên ngoài Tòa án Tối cao Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Các nhà lãnh đạo khác trên thế giới cũng chỉ trích phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở khắp các thành phố châu Âu vào cuối tuần qua.

Động thái của của Tòa án Tối cao Mỹ đi ngược với xu thế toàn cầu về việc mở rộng hơn khả năng tiếp cận dịch vụ phá thai. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ bước chân vào danh sách ít các nước trên thế giới đang hạn chế quyền phá thai trong những năm gần đây.

Đồng minh của Mỹ thoải mái hơn

Cho tới ngày 24/6 trước thời điểm Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết gây tranh cãi, Mỹ vẫn là một trong 56 quốc gia cho phép phá thai theo yêu cầu của phụ nữ, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thủ thuật phá thai trở nên thông dụng ở các nước phương Tây, bởi chỉ có rất ít quốc gia thuộc nhóm các nước phát triển cấm hoặc hạn chế khắt khe quyền phá thai.

Nhưng sau quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ, quyền phá thai của phụ nữ hiện nằm trong tay chính quyền các bang, trừ khi Quốc hội Mỹ có hành động.

Hơn một nửa bang của Mỹ chắc chắn áp đặt hoặc sẽ ban hành lệnh cấm phá thai ngay khi quyết định đảo ngược phán quyết Roe v Wade được công bố, theo Viện Guttmacher. Lệnh cấm cũng đã có hiệu lực thi hành tại nhiều bang của Mỹ ngay sau phán quyết của Tòa án Tối cao.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Mỹ là Canada là một trong số ít các nước cho phép phá thai ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau từng chỉ trích động thái của các bang tại Mỹ về việc gây khó dễ đối với chuyện phá thai. Sau khi Tòa án Tối Cao Mỹ đưa ra phán quyết, ông Trudeau đã gọi đây là “điều kinh khủng”.

Phá thai hiện được thực hiện tại các bệnh viện và phòng khám tư ở Canada và trong phần lớn trường hợp, thủ thuật này còn được bảo hiểm y tế của chính quyền tỉnh chi trả. Điều này có nghĩa phá thai hoàn toàn không mất phí. Nhưng do thiếu luật phá thai cấp quốc gia, mỗi địa phương của Canada lại có chính sách khác nhau.

Phần lớn các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) bao gồm nhóm G7 cho phép phá thai trong giới hạn thai kỳ cho phép và thường là dưới 12 tuần. Một số trường hợp ngoại lệ được phép phá thai sau 12 tuần như việc mang thai hoặc sinh đứa trẻ gây nguy hiểm cho sức khỏe người mẹ,

Điều quan trọng là hiếm có quốc gia phát triển nào lại không cho thực hiện phá thai trong những trường hợp đặc biệt như thai phụ là nạn nhân bị cưỡng bức hoặc loạn luân. Song thực tế, phần lớn lệnh cấm phá thai đang áp dụng ở Mỹ lại không có những trường hợp ngoại lệ như trên.

Các nhà hoạt động ở EU cũng đã kêu gọi nới lỏng những quy định giới hạn liên quan tới hoạt động phá thai ở chính quốc gia mình. Điển hình, tại Đức, phá thai được thực hiện cho tới lúc thai kỳ được 12 tuần, nhưng những người muốn làm thủ thuật lại được yêu cầu tham gia khóa tư vấn bắt buộc sau quy định 3 ngày chờ đợi. Bác sĩ sẽ bị khởi tối nếu chia sẻ thông tin chi tiết về các dịch vụ phá thai, bởi “quảng cáo” phá thai là trái luật.

Nhật Bản cùng với nhiều nước khác như Phần Lan và Ấn Độ cho phép phá thai trong trường hợp bị cưỡng hiếp, gây nguy hiểm cho sức khỏe phụ nữ và cả yếu tố chính trị xã hội.

Hay kể từ năm 2018, bang Queensland và New South Wales của Australia đã quyết định phi hình sự hóa thủ thuật phá thai. Cả hai bang này cho phép phá thai cho tới khi thai kỳ ở tuần 22. Nam Australia trở thành bang cuối cùng ở Australia phi hình sự hóa phá thai vào năm nay.

Những nước cấm phá thai phạt người vi phạm như thế nào?
Nhiều nước cấm phá thai phạt tù dài hạn người vi phạm. (Ảnh minh họa)

Những nước cấm phá thai

Theo WHO, ở những quốc gia mà phá thai bị hạn chế hoặc bị cấm, nhiều bằng chứng cho thấy số lượng người làm thủ thuật này không hề giảm, mà thay vào đó phụ nữ lại phải phá thai chui gây mất an toàn.

Mối nguy hiểm này được xem là hiếm gặp ở thế giới phương Tây, nhưng một khi Tòa án Tối cao Mỹ quyết định đảo ngược phán quyết Roe v Wade, chuyện phá thai chui có thể trở nên phổ biến ở cường quốc kinh tế số 1 thế giới.

Cũng theo WHO, gần 1/2 tổng số ca phá thai trên thế giới là không an toàn, và 97% ca phá thai không an toàn xảy ra ở các nước đang phát triển.

Nằm trong nhóm các nước cấm phá thai nghiêm ngặt phải kể tới Ba Lan, nơi lệnh cấm phá thai được thi hành ngay cả khi phát hiện thai nhi bị dị tật. Phá thai ở Ba Lan hiện chỉ được phép thực hiện trong trường hợp người mẹ bị cưỡng hiếp, hoặc loạn luân, hoặc thai nhi gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người mẹ.

Slovakia cũng đã cố theo đuổi cách làm của Ba Lan. Nhưng Quốc hội nước này đã phản đối một vài dự luật được đề xuất giới hạn các quyền sinh đẻ trong vòng 2 năm qua.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), ở các nước Mỹ Latinh và vùng Caribbean, luật phá thai được thi hành nghiêm ngặt. Như ở Brazil, phá thai là bất hợp pháp trừ một số trường hợp cụ thể như thai nhi bị dị tật, hoặc thai nhi là kết quả của một vụ cưỡng hiếp. Những phụ nữ và bé gái chấm dứt thai kỳ ngoài các trường hợp ngoại lệ như trên có thể bị phạt tù 3 năm.

Tại Nicaragua và El Salvador, phá thai là hoàn toàn bất hợp pháp trong mọi trường hợp, và người vi phạm có thể phải ngồi tù tới 40 năm. Nhưng trong những năm gần đây, một số phán quyết của tòa án đã được thay đổi, giúp không ít phạm nhân bị ngồi tù vì vi phạm luật phá thai được ra khỏi nhà giam sớm hơn so với bản án đi tù nhiều năm.

Nhưng cũng có những quốc gia ở cùng khu vực lại tiến tới mở rộng khả năng cho phép phụ nữ phá thai. Theo đó, vào tháng 12/2020, Thượng viện Argentina đã bỏ phiếu thông qua cho phép phá thai tới tuần 14 của thai kỳ.

Còn vào tháng Hai năm nay, Tòa án Hiến pháp Colombia cũng cho phép hợp pháp hóa hoạt động phá thai tới tuần 24 của thai kỳ.

Ngoài ra, Ecuador gần đây đã có những bước đi nới lỏng các quy định liên quan tới phá thai, trong trường hợp thai phụ là nạn nhân của hành vi cưỡng hiếp.

Minh Thu (lược dịch)

Theo infonet.vietnamnet.vn
https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/nhieu-nguoi-di-tu-dai-han-vi-vi-pham-luat-cam-pha-thai-414113.html
Copy Link
https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/nhieu-nguoi-di-tu-dai-han-vi-vi-pham-luat-cam-pha-thai-414113.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những nước cấm phá thai phạt người vi phạm như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO