Dù chỉ chiếm số ít, vẫn có những nhân viên nằm trong làn sóng sa thải tại các công ty trải dài từ phố Wall đến Thung lũng Silicon không quá buồn bã khi bị cho nghỉ việc, thậm chí cảm thấy vui vẻ và hân hoan.
Theo Bloomberg, bị sa thải thường là một trong những khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp của người lao động.
Báo cáo việc làm cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra được 223.000 việc làm mới trong tháng cuối cùng của năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp giảm sâu xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969, CNBC đưa tin.
Tương phản với tín hiệu tích cực đó là hàng chục nghìn người bị sa thải khỏi các công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft và Amazon.
Đối với một bộ phận, việc bị sa thải lại giúp họ thoát khỏi các kìm kẹp, bế tắc công việc trước đó. Ảnh: Drobot Dean. |
Sự bất hợp lý kỳ lạ của thị trường lao động Mỹ đang phần nào tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người thấy mình đang trong trạng thái thất nghiệp.
Họ có cái nhìn thoải mái hơn về chuyện bị thôi việc, coi đó như một cách để thoát khỏi những vị trí văn phòng mà họ không thích, dành nhiều thời gian hơn cho sở thích và cuối cùng là tìm kiếm những cơ hội tốt hơn.
"Tín hiệu của vũ trụ"
Bobin Singh (26 tuổi) miêu tả phản ứng đầu tiên của mình sau khi nhận được thông báo cho thôi việc khỏi vị trí quản lý mạng xã hội thuộc một công ty thể thao điện tử (eSport) ở Los Angeles (Mỹ) gói gọn trong hai chữ “hân hoan”.
Hiện, Singh chuyển sang tập trung vào công việc biên tập video tự do, đặc biệt là các video dạng ngắn trên TikTok.
“Quyết tâm trong năm mới của bản thân là làm việc ít hơn để có nhiều thời gian thực hiện các dự án cá nhân. Sau đó, tôi bị cho thôi việc. Vì vậy tôi nghĩ đây có thể là 'tín hiệu của vũ trụ'", Singh cho biết.
Cảm xúc như của chàng trai 26 tuổi không phải duy nhất, đặc biệt là ở nhóm những lao động trẻ tuổi.
Theo một cuộc khảo sát do Harris Poll thực hiện cho Bloomberg vào tháng trước, gần 20% người thuộc nhóm gen Z và 15% người thuộc thế hệ Millennials cho biết họ sẽ rất vui nếu "được nghỉ việc ngay hôm nay".
Tất nhiên, tâm trạng thoải mái ngay cả khi bị cho thôi việc còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tài chính. Song, ngay cả khi không lo hết tiền khi thất nghiệp, việc bị sa thải vẫn nhiều khả năng sinh ra cảm giác tồi tệ, thất vọng. Và với những người không có tiền tiết kiệm dự phòng, chuyện này càng giống như một "cú tát đau điếng".
Làn sóng sa thải bắt đầu từ các đại gia công nghệ ở nước Mỹ, sau đó lan sang cả ngành ngân hàng, tài chính ở phố Wall. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, đối với một số người, thị trường lao động mạnh mẽ đang loại bỏ nỗi lo bị sa thải. Tỷ lệ cơ hội việc làm cho những người thất nghiệp đạt mức cao gần kỷ lục là 1,9 trong tháng 12, theo dữ liệu mới nhất được thu thập.
Hơn một nửa số người mới mất việc gần đây đã tìm thấy chỗ làm mới trong vòng một tháng, theo dữ liệu từ ZipRecruiter, một công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm trực tuyến.
Thông thường, quãng thời gian giữa việc sa thải và bắt đầu một công việc mới thường kéo dài vài tuần hoặc vài tháng. Đối với trải nghiệm của Josh Lumley, khoảng cách này gần như không có.
Nhà tuyển dụng 43 tuổi đến từ bang Georgia bị sa thải khỏi Amazon vào giữa tháng 1.
Trước đó, người đàn ông lặng lẽ bắt đầu tìm kiếm công việc mới từ tháng 12 năm ngoái, sau khi nghe tin đồn công ty sắp cắt giảm việc làm. Josh được một công ty nhỏ hơn tuyển dụng ngay trước khi nhận thông báo sa thải. Chỉ vài ngày sau, anh bắt đầu đến làm ở công ty mới.
“Vào thời điểm tôi biết vị trí của mình sẽ không còn, tôi rất vui vì được nghỉ việc. Tôi cảm thấy mình phù hợp với nơi mới", Josh kể lại.
"Chiếc còng vàng" khóa chân lao động
Nhà tư vấn sự nghiệp Rana Rosen cho biết khủng hoảng việc làm có thể giúp mọi người chấp nhận những rủi ro mới hoặc các thay đổi mà họ có thể chưa bao giờ cân nhắc.
Điều đó đã xảy ra với Casey Clement (47 tuổi) đến từ Charlotte (Bắc Carolina), người đã bị công ty GameStop cho nghỉ việc vào tháng 7 năm ngoái. Cựu giám đốc quản lý sản phẩm đã xây dựng một sự nghiệp lâu dài tại các công ty như Lowe's, Sprint và Cellular One. Suốt nhiều năm, Casey làm việc liên tục, không ngừng nghỉ.
Juliana Redden trong chuyến đi nghỉ dưỡng một mình sau khi bị mất việc. Ảnh: Bloomberg. |
Anh cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc gia nhập một công ty tư vấn. Nhưng đó là những gì người đàn ông đã làm, sau khi một bài đăng chia sẻ LinkedIn viết về việc sa thải của mình được lan truyền rộng rãi.
Sau đó, hàng chục cuộc trò chuyện về nghề nghiệp và 7 lời mời làm việc tìm đến anh.
“Việc bị sa thải buộc tôi phải nhìn vào các góc độ và xem xét các cơ hội khác nhau", Casey nói.
Nhà tư vấn quản trị Michael Wenderoth đánh giá đôi khi sự ổn định của công việc - “chiếc còng vàng” mang tên kế hoạch nghỉ hưu, quyền mua cổ phiếu và mức lương cao - dễ ngăn cản mọi người chấp nhận rủi ro.
"Việc sa thải có thể đẩy họ vào lãnh thổ chưa được khám phá và mang lại nhiều lợi ích hơn so với sự nghiệp trước đây của họ", ông nói.
Juliana Redden ban đầu cảm thấy suy sụp khi bị một công ty công nghệ lớn cho thôi việc vào tháng 11 năm ngoái. Để giải tỏa, cô đặt vé một chiều đến nước Guatemala.
Người phụ nữ 29 tuổi tham gia một chương trình cung cấp chỗ ở miễn phí để đổi lấy công việc lễ tân tại một nhà nghỉ. Nói cách khác, cô tận dụng cơ hội để đi du lịch một mình, điều chưa từng làm trước đây.
Redden dành nhiều ngày để khám phá các hang động và tàn tích của người Maya, trong khi gặp gỡ người mới từ khắp nơi trên thế giới. Chuyến đi mang lại cho cô một tinh thần mới, giúp cô tự tin hơn vào cuộc sống.
Quay về New York, Redden sớm được tìm công việc mới. "Tôi đã trải qua cảm giác mất mát, thất vọng, nhưng đồng thời tôi được hưởng rất nhiều tự do sau đó".