Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City

15/06/2023 09:31

Man City được đánh giá cao hơn Inter Milan ở trận chung kết Champions League 2022-2023. Tuy nhiên, kịch bản trận đấu này khác xa hình dung của nhiều người, với dấu ấn chiến thuật bất ngờ từ Guardiola.

Man City được đánh giá cao hơn hẳn Inter Milan ở trận chung kết Champions League 2022-2023. Tuy nhiên, kịch bản trận đấu này khác xa hình dung của nhiều người và sau chiến thắng trên sân Ataturk (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), thầy trò HLV Pep Guardiola đã hoàn tất cú ăn ba vĩ đại (Premier League, FA Cup và Champions League).

Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City - 2

Thầy trò Pep Guardiola không hề áp đảo và đánh bại đội bóng đến từ Italy một cách dễ dàng. Ngược lại, Man City đã phải rất chật vật trước Nerazzurri (Xanh-đen, biệt danh của Inter) đầy sự tin.

Không chỉ vậy, Inter chơi bóng sắc sảo từ cá nhân đến đấu pháp tổng thể, biến cỗ máy hủy diệt Man City trở nên tầm thường và khiến trận chung kết cân bằng tới nỗi sau bàn thắng của Rodri, HLV Guardiola phải sử dụng chiến thuật đổ bê tông (catenaccio), lối chơi đặc trưng của các đội bóng Italy, bao gồm chính Inter.

Và nếu Romelu Lukaku và các đồng đội không kém duyên, kịch bản cuộc đụng độ tại Istanbul có lẽ đã khác.

Để dễ hình dung, hãy nhìn vào số liệu thống kê để thấy rằng Inter xứng đáng đá hiệp phụ: Nerazzurri có tổng xác suất ghi bàn (xG) gấp đôi so với Man City (1,81 so với 0,94), dứt điểm cũng gấp đôi đối thủ (14 so với 7), số lần hưởng phạt góc vẫn gấp đôi (4 so với 2), tương tự là số cơ hội ăn bàn rõ rệt và một lần đưa bóng dội xà ngang.

Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City - 4

Sau khi Man City có bàn thắng, các học trò của HLV Guardiola chỉ cầm bóng vỏn vẹn 39% và tung ra duy nhất một pha dứt điểm so với con số 8 của Inter. Tuy nhiên, không vì thế The Citizens không xứng đáng vô địch. Vì dám "nhường bóng cho đối thủ tấn công", Man City càng xứng đáng để bước lên ngôi cao nhất của bóng đá châu Âu.

Không ai soi mói Real Madrid chơi bóng như thế nào để thiết lập sự thống trị tại Champions League. Tự thân các chức vô địch như những chiến công kỳ vĩ dệt nên huyền thoại của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha và khiến mọi đối thủ e sợ.

Man City mùa này cũng vậy. Họ cầm bóng ít hơn, phòng ngự nhiều hơn, thi đấu đơn giản thay vì tạo ra các biến chiêu phức tạp, nhưng họ giành cú "ăn ba". Guardiola dường như đã ngộ ra tinh túy trong câu nói của Johan Cruyff, nhà hiền triết của thế giới bóng đá, người thầy vĩ đại của chính mình: "Bóng đá là trò chơi đơn giản nhưng để chơi bóng đơn giản lại là điều khó khăn nhất".

Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City - 6

Nhìn lại hành trình bước đến chức vô địch Champions League 2022/23, không chỉ 27 phút cuối trận chung kết Man City mới chơi phòng ngự theo kiểu co cụm.

Ở các trận đấu loại trực tiếp, lần lượt chạm trán RB Leipzig ở vòng 1/8, Bayern Munich tại tứ kết và Real Madrid trong trận bán kết, Man City đều thủ hòa thành công, theo đúng nghĩa đen, trên sân đối phương với tỷ số 1-1.

Vì kết quả này, xuất hiện những ý kiến chê bai Man Xanh thi đấu kém cỏi, sa sút phong độ và khiến Guardiola không dưới một lần nổi đóa. "Các bạn mong chờ điều gì?", vị chiến lược gia người Catalonia đáp trả sau trận hòa thất vọng trước RB Leipzig. "Man City không đến đây đá giao hữu. Các bạn xem được bao nhiêu trận của RB Leipzig rồi? Đừng kỳ vọng chúng tôi đến đây rồi thắng 5-0. Thật viển vông".

Đến trận hòa với Real Madrid tại Santiago Bernabeu, trước câu hỏi khá xách mé rằng: "Mọi người đều nghĩ Man City sẽ hủy diệt Real Madrid", Guardiola trả lời gay gắt: "Mọi người là ai thế. Bạn có biết Man City đang phải đối đầu với đội bóng nào không? Anh có biết Real Madrid đã giành bao nhiều chức vô địch Champions League không? Tôi chẳng liên quan nếu anh nghĩ Man City sẽ thắng 6-0".

Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City - 8

Tương tự màn đổ bê tông ở chung kết, tại Bernabeu, Man City chỉ cầm bóng vỏn vẹn 43% trong hiệp 2, tung ra 4 pha dứt điểm, bằng 1/3 so với đối thủ. Và không chỉ tại đấu trường Champions League với những trận đấu theo thể thức loại trực tiếp đầy khắc nghiệt, ở cuộc đua đường trường Premier League, Pep Guardiola cũng sẵn sàng đổ bê tông khi cần.

Chẳng hạn trận đại chiến với Arsenal trong khuôn khổ lượt đi, The Citizens chỉ cầm bóng 36%, tỷ lệ kiểm soát bóng thấp kỷ lục trong sự nghiệp của nhà cầm quân người Catalonia.

Điều đáng nói, ở các trận đấu nhường thế trận cho đối phương ấy, giống như trận chung kết, Man City đều đạt được mục tiêu. Thầy trò Pep Guardiola thủ hòa RB Leipzig trên sân đối phương trong trận lượt đi và giành chiến thắng hủy diệt trên sân nhà ở lượt về.

Trong cuộc so tài với Arsenal, Man City chỉ cầm bóng bằng 1/3 đối thủ tại Emirates, The Citizens cũng giành chiến thắng 3-1, một trong những bước ngoặt để đội bóng này bảo vệ thành công chức vô địch Premier League.

Vậy, tại sao Guardiola "dám" phòng ngự? Tại sao Guardiola sẵn sàng nhường thế trận cho đối phương nhưng vẫn đảm bảo sức công phá để giành chiến thắng chung cuộc? Câu trả lời nằm ở 6 vị trí chiến thuật then chốt đã tỏa sáng để tạo ra sự chuyển đổi.

Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City - 10

Xuyên suốt sự nghiệp Guardiola, vị chiến lược gia người Tây Ban Nha ưa thích sử dụng mẫu cầu thủ đa năng và uyển chuyển để tạo ra nhiều biến chiêu trong cách sắp xếp đội hình.

Ông dùng Sergio Busquets mảnh khảnh ở vị trí tiền vệ mỏ neo thay vì Yaya Toure to lớn và sung mãn. Ông biến Lionel Messi thành "số 9 ảo" và đẩy Zlatan Ibrahimovic ra khỏi đội hình Barcelona. Ông lần lượt kéo Philipp Lahm rồi Joshua Kimmich từ vị trí hậu vệ biên vào chơi tiền vệ trung tâm.

Ruben Dias hay Haaland không phải mẫu cầu thủ này. Cả hai to lớn, cố định và chơi bóng đơn giản theo kiểu truyền thống. Ruben Dias đương nhiên biết chuyền bóng, nhưng trung vệ người Bồ Đào Nha không hề là chuyên gia phân phối bóng.

Anh cao lớn, mạnh mẽ và thực hiện nhiệm vụ của một trung vệ đúng nghĩa. Đó là tranh chấp, cản phá và dâng cao tham gia không chiến ở các tình huống cố định.

Ở đầu kia của đội hình, Haaland là "số 9 cổ điển". Tiền đạo sung mãn người Na Uy chủ yếu hoạt động trong vòng cấm, sử dụng sự dũng mãnh và vượt trội về thể chất để lấn át hậu vệ đối phương.

Haaland thậm chí còn không giỏi cầm bóng phối hợp, thế nên anh đã bị hoài nghi về khả năng hòa hợp với phong cách của HLV Guardiola khi Man City chiêu mộ chân sút này trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm ngoái.

Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City - 12

Rốt cuộc cả Guardiola lẫn Haaland đều thay đổi để trở nên tương thích. Đáng nói, người thay đổi nhiều hơn là Pep. Vì sự xuất hiện của Haaland, Guardiola loại bỏ cấu trúc phức tạp trong hệ thống chiến thuật để áp dụng lối chơi đơn giản hơn, tận dụng khả năng săn bàn của chân sút người Na Uy.

Man City không còn hậu vệ cánh di chuyển nghịch chân kiểu Joao Cancelo, chẳng có tiền đạo biên thường xuyên đi bóng cắt vào trung lộ như Leroy Sane hay Raheem Sterling trước đây, và cũng không cần đến "số 9 ảo" kiểu Gabriel Jesus, tiền đạo mùa trước chỉ ghi 8 bàn cho Man City ở Premier League.

Man City dĩ nhiên vẫn có những mảng miếng dàn xếp tấn công thiên biến vạn hóa, nhưng Guardiola tận dụng nhiều hơn ưu thế đẳng cấp của các cầu thủ trên sân.

Hỗ trợ cho khả năng cài đè và sự thính nhạy trong vòng cấm của Haaland là tài kiến tạo bậc thầy của De Bruyne, kỹ thuật lẫn trí thông minh chiến thuật thượng thừa ở Gundogan hay khả năng rê dắt của Jack Grealish lẫn Bernardo Silva ở hai biên.

Man City mùa giải này không cần phối hợp cầu kỳ hay hoán chuyển vị trí phức tạp vì trên mặt trận tấn công, Haaland đã đảm bảo cung cấp cho đội bóng này 52 bàn thắng.

Mặt khác, việc không phải hoán chuyển vị trí phức tạp để tổ chức tấn công cũng đảm bảo cho Man City cấu trúc phòng ngự ổn định và vững chãi trong trường hợp mất bóng và phải quay về phòng ngự.

Với Haaland, Guardiola sở hữu máy quét chất lượng cho tuyến pressing (gây áp lực) đầu tiên thay vì phải kéo thêm các tiền vệ. Và ở phía sau, trong vai trò thuần túy của một chốt chặn, Ruben Dias luôn biết cách ngăn cản đối phương lên bóng.

Tuy trái ngược về nhiệm vụ trên sân nhưng Ruben Dias và Haaland chính là những vị trí định dạng đội hình Man City cũng như là nhân tố tiên quyết để Guardiola sẵn sàng chơi phòng ngự.

Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City - 14

Pep Guardiola suy nghĩ đơn giản hơn không đồng nghĩa là không sáng tạo. Biến chiêu mới nhất vị chiến lược gia người Catalonia tạo ra trong đội hình Man City là vị trí trung vệ lai (half-back) của John Stones. Khác với Ruben Dias là trung vệ thuần túy, John Stones sở hữu kỹ năng chuyền bóng xuất sắc và nhãn quan chiến thuật nhạy bén.

Nếu xếp đặt theo nếp nghĩ quen thuộc, phần đa đều hình dung về cặp trung vệ một thòng một dập kiểu Nemanja Vidic và Rio Ferdinand của Man Und trước đây hay chính cặp Carles Puyol và Gerard Pique do chính Guardiola sử dụng tại Barca. Tuy nhiên, người thành công có lối đi riêng.

Pep lại hình dung ra Stones đá cặp với Rodri, nhạc trưởng trong lối chơi kiểm soát bóng của Man City.

Diễn giải rõ hơn về vị trí và vai trò của John Stones. Cầu thủ người Anh xuất phát ở vị trí trung vệ, thi đấu ở vị trí trung vệ khi Man City tổ chức phòng ngự. Tuy nhiên, nếu đội nhà có bóng, Stones sẽ dâng lên vị trí tiền vệ mỏ neo để cùng Rodri phân phối bóng.

Tổng quát hơn, Man City sẽ sử dụng sơ đồ 4-4-2 khi không có bóng để phòng ngự, với trung tâm là cặp trung vệ Ruben Dias và John Stones, nhưng khi có bóng để tấn công, đội bóng này chuyển sang sơ đồ 3-2-2-3 và "công tắc" chuyển đổi chính là Stones.

Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City - 16

Với cách bố trí này, Guardiola đảm bảo được quân số phòng ngự trong khi tăng thêm một tiền vệ trung tâm để kiểm soát bóng ở khu vực giữa sân. So với cách bố trí hậu vệ cánh nghịch chân hay số 9 ảo, vị trí trung vệ lai của John Stones cũng vận hành đơn giản hơn, ít chồng chéo hơn, qua đó đảm bảo cấu trúc vững chãi cho hệ thống phòng ngự.

Về phần Rodri, như Guardiola đã kết luận sau khi giành chức vô địch Champions League: "Mọi người đều nói về Haaland, nhưng nếu không có Rodri thì điều này là không thể. Cậu ấy là tiền vệ xuất sắc nhất của chúng tôi".

Vị chiến lược gia người Tây Ban Nha nói vậy dĩ nhiên không phải chỉ vì cậu học trò đồng hương đã ghi những bàn thắng quyết định bằng những cú sút xa vào lưới Bayern Munich tại tứ kết và đặc biệt là Inter Milan ở chung kết.

Haaland đã dọn dẹp sạch sẽ mọi đối thủ bằng 52 bàn thắng, De Bruyne vẫn là chân chuyền số một, Gundogan luôn tỏa sáng đúng thời điểm, Stones rất xuất sắc trong vai trò mới mang tính đột phá chiến thuật, Jack Grealish bùng nổ trong mùa giải thứ hai còn Manuel Akanji và Nathan Ake cũng là những chiến binh thầm lặng.

Nhưng, như đã đề cập, Rodri mới là nhạc trưởng trong lối chơi cầm bóng của Man City. Dưới sự chỉ huy của tiền vệ người Tây Ban Nha, dàn hòa tấu của HLV Guardiola mới tấu lên bản nhạc kiểm soát và thao túng thế trận một cách trơn tru.

Để chấm điểm từng trận cho Rodri, cầu thủ này luôn trên 8 điểm và dưới 10 điểm, thường là 9 điểm. Nếu nhận điểm 7, đó là trận đấu vô cùng tệ hại đối với tiền vệ đã đạt được sự ổn định đáng kinh ngạc trong mọi trận đấu như Rodri.

Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City - 18

Tầm quan trọng của Rodri trong hệ thống chiến thuật của Man City, cả trong tấn công lẫn phòng ngự là điều không cần bàn cãi. Nhận thức không gian lẫn vị trí, sự điềm tĩnh trước áp lực cũng như khả năng đánh chặn, dập tắt nguy cơ một cách nhanh chóng và dứt khoát của Rodri thật sự xuất sắc.

Không chỉ vậy, anh còn biết cách tỏa sáng bằng những bàn thắng quan trọng, như cái cách sút tung lưới Inter.

Thống kê tại Premier League cũng chỉ ra, Rodri là người khởi xướng nhiều pha phối hợp bóng sống tạo thành pha dứt điểm nhất. Anh cũng dẫn đầu về số đường chuyền thành công bên phần sân đối phương (1.475 đường chuyền, kỷ lục của giải đấu, nhiều hơn người xếp thứ hai là Moises Caicedo của Brighton tới 413 đường chuyền) và đoạt bóng nhiều nhất ở phần 1/3 giữa sân.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, tiền vệ Casemiro đã đưa ra ý kiến thực sự sâu sắc về việc các tiền vệ trung tâm dần trở thành "số 10", cầu thủ cầm trịch trong bóng đá hiện đại và cầu thủ của Man City là ví dụ điển hình. Và với sự hỗ trợ đắc lực từ "công tắc" John Stones, Rodri đã trở thành "ông vua trung tuyến" như cái cách Guardiola ví von.

Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City - 20

Kết thúc mùa trước, đã có thời điểm Jack Grealish, bản hợp đồng trị giá 100 triệu bảng, cầu thủ Anh đắt giá nhất lịch sử cảm thấy hoang mang về tương lai ở Man City. Trong mùa giải đầu tiên, Grealish thi đấu thiếu hiệu quả tới mức Guardiola không dám mạo hiểm sử dụng cầu thủ này ở bất cứ trận đấu loại trực tiếp Champions League nào.

Khi Man City cần ngược dòng trong thế bị Aston Villa dẫn 2-0 để giành chức vô địch Premier League ở vòng đấu hạ màn, Grealish vẫn không được tung vào sân.

Tuy nhiên, trong mùa giải thứ hai khoác áo "Man xanh", cầu thủ chạy cánh 27 tuổi này đã hoàn toàn thích nghi và trở thành trụ cột không thể thay thế. Nếu so về mặt "số liệu", chênh lệch không quá nhiều. Mùa trước Grealish có 6 bàn và 5 kiến tạo sau 39 trận trên mọi đấu trường. Mùa giải này, anh ghi 5 bàn và thực hiện 11 pha kiến tạo sau 49 trận.

Song, giá trị bản hợp đồng trị giá 100 triệu bảng này mang lại ở mùa giải này là điều không thể đong đếm. Về mặt thay đổi chiến thuật, Grealish không còn di chuyển tự do bắt toàn đội phục tùng như ở Aston Villa.

Anh bám chặt biên trái, xử lý hiệu quả trong mọi tình huống. Nếu cần chuyền bóng, Grealish sẽ chuyền. Nếu cần sút, Grealish sẽ sút. Và nếu cầu rê bóng, Grealish sẽ rê. Quan trọng là biết cách ra quyết định hợp lý.

Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City - 22

Cần nhấn mạnh, Grealish sở hữu tài rê bóng xuất sắc, nhưng mùa này anh không sử dụng tài nghệ thiên bẩm ấy để phô diễn. Các pha rê bóng của anh nhằm mục đích rõ ràng là kéo đối phương ra khỏi chốt chặn phòng ngự hoặc ghim chặt hậu vệ sâu trong thế trận phòng ngự, tạo khoảng trống cho đồng đội.

Hiếm khi Grealish rê bóng qua người nếu không cần thiết. Anh sẽ tiếp cận khung thành gần nhất có thể từ biên và chuyền chuyển hướng. Bernardo Silva cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự ở cách đối diện và bàn thắng của Rodri vào lưới Inter xuất phát từ đường chuyền như thế của cầu thủ Bồ Đào Nha.

Ngoài ra, Grealish rất chăm chỉ phòng ngự và trở nên hiếu chiến. Một phần nguyên do đến từ tâm lý tự tin hơn, phần nữa là chế độ chăm sóc thể lực ưu việt tại Man City giúp cầu thủ chạy cánh này trở nên mạnh mẽ.

Như Guardiola thừa nhận: "Cậu ấy hiểu rõ cơ thể mình. Đừng quên Jack đến từ Aston Villa với chấn thương dai dẳng 6-7 tháng. Cậu ấy không thể chơi bóng ở cường độ như hiện tại và chi tiết nhỏ này ảnh hưởng lớn đến đội bóng, đồng đội, HLV lẫn lối chơi".

Một pha bóng thể hiện rõ vai trò ngòi nổ của Grealish là tình huống nâng tỷ số lên 2-0 của Man City trước Real Madrid tại Etihad. Grealish dẫn bóng rất điềm tĩnh bên cánh trái để đột nhập vòng cấm. Anh thả trái bóng vừa nhịp để Gundogan bằng vào khống chế rồi dứt điểm. Bóng đập chân hậu vệ bật ra nhưng Bernardo Silva có mặt đúng chỗ đánh đầu tung lưới đội khách.

Man City không hề cần tăng tốc trong pha tấn công này để xuyên thủng hàng phòng ngự Real Madrid. Việc đội bóng này làm là xử lý đúng nhịp. Nếu Grealish là ngòi nổ thì Gundogan là điểm nổ.

Bằng trí thông minh và kỹ thuật thượng thừa, tiền vệ người Đức luôn biết cách tỏa sáng đúng thời điểm quan trọng. Đơn cử như cú đúp tuyệt đẹp vào lưới Man United ở chung kết FA Cup. Đặc biệt trong bàn mở tỷ số ở giây thứ 12, Gundogan dường như đã hình dung ra cả pha lên bóng khi giao bóng bằng đường chuyền về thắng khung thành cho thủ môn.

Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City - 24

Số liệu nói lên tất cả. Nếu nghiên cứu thời điểm ghi bàn của Gundogan trong 3 mùa giải gần đây, rất dễ nhận ra anh khởi đầu chậm chạm nhưng đến giai đoạn nước rút lại tăng tốc chóng mặt.

Thống kê chỉ ra, Gundogan chưa ghi bàn thắng nào trong tháng 9 kể từ năm 2019 đến nay. Chẳng mấy ai để ý chi tiết vừa nêu bởi tiền vệ này đã ghi 13 bàn trong giai đoạn quyết định kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5. Trong 6 trận gần nhất, Gundogan ghi 6 bàn thắng và tạo cơ hội cho đồng đội ghi 2 bàn thắng khác.

Điều đáng nói, Gundogan không chỉ biết ghi bàn, anh là mẫu tiền vệ "tất cả trong một". Anh có vị trí riêng trong đội hình Man City, nhưng nếu Pep cần người thay Rodri chơi ở vị trí tiền vệ mỏ neo, Gundogan là lựa chọn đầu tiên.

Ngoài ra, nhiều trận đấu Gundogan còn được kéo lên chơi ở "số 9 ảo" và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên anh là bản hợp đồng đầu tiên của Guardiola sau khi trở thành HLV Man City và đến bây giờ vị chiến lược gia người Tây Ban Nha vẫn tha thiết mong tiền vệ đã 32 tuổi này tiếp tục gắn bó với Etihad.

Tổng kết lại, Man City phiên bản "ăn ba" vĩ đại là Man City đơn giản và thực dụng nhất HLV Guardiola từng xây dựng. Đội bóng này chơi bóng trực diện hơn bởi sự hiện diện của Haaland, sẵn sàng phòng ngự khi cần vì đã có Ruben Dias, vẫn làm chủ thế trận nhờ bộ đôi Stones -R odri, luôn biết cách tạo đột biến nhờ tài rê dắt của Grealish và sự tỏa sáng luôn đúng lúc của Gundogan.

Tất nhiên, những cầu thủ khác vẫn đóng góp lớn vào thành công của Man City, đặc biệt là chân chuyền De Bruyne, nhưng ảnh hưởng lên yếu tố chiến thuật không nhiều như 6 gương mặt trên.

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Thủy Tiên

15/06/2023

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những nhân vật chiến thuật làm nên cú ăn ba vĩ đại của Man City
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO