Những nguyên nhân gây ra thành tích kém cỏi của Hạm đội Liên Xô trong Thế chiến II

21/12/2022 09:11

Hải quân Liên Xô tham chiến với 272 tàu và 1.433 máy bay, tuy nhiên không đạt nhiều thành tích ấn tượng trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Khi Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, Hạm đội Liên Xô sở hữu một số lượng tàu chiến, tàu mặt nước và tàu ngầm đông đảo, không thua kém các quốc gia hàng đầu như Anh, Đức, Italy…

Tuy nhiên, điều đó không giúp Hải quân Liên Xô có được những chiến tích ấn tượng, hoàn toàn bị các lực lượng mặt đất lấn át trong suốt tiến trình cuộc chiến.

Hải quân Liên Xô tham chiến với 272 tàu và 1.433 máy bay. Trong chiến tranh, các tàu phóng lôi theo chương trình Lend-Lease cũng được bổ sung. Để so sánh, khi Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng phát, hạm đội Anh lúc bấy giờ có 301 tàu, Đức có 223 tàu và Italy có 261 tàu.

Cũng cần lưu ý rằng khi Chiến tranh thế giới thứ 2 bắt đầu, gần 800 tàu dân sự và 251 tàu phòng thủ bờ biển đã được đưa vào biên chế của hạm đội Liên Xô.

Toàn bộ Hải quân Liên Xô được chia thành các Hạm đội Phương Bắc, Baltic, Biển Đen và Thái Bình Dương. Ngoài ra còn có 4 hải đội: Danube, Pinsk, Caspian và Amur. Do sự ưu tiên trên các hướng chiến lược, số lượng tàu chiến được biên chế cho các đơn vị không đồng đều, chủ yếu tập trung ở Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Baltic.

Hạm đội Biển Đen bao gồm: 1 thiết giáp hạm, 5 tuần dương hạm, 3 soái hạm, 14 tàu khu trục, 47 tàu ngầm, 2 lữ đoàn tàu phóng lôi, một số sư đoàn tàu quét mìn, tàu tuần tra và chống tàu ngầm.

Hạm đội Baltic có các lực lượng sau: 2 thiết giáp hạm, 2 tuần dương hạm, 2 soái hạm, 17 tàu khu trục, 4 tàu rải ngư lôi, 71 tàu ngầm, một số sư đoàn tàu phóng lôi và tàu quét mìn.

Hạm đội Liên Xô có vẻ ấn tượng khi nhìn vào những con số. Nhưng thực tế hạm đội Liên Xô hoàn toàn lu mờ trước các lực lượng khác trong chiến tranh. Lịch sử luôn nhắc tới xe tăng biểu tượng T-34, máy bay biểu tượng IL-2 và các hệ thống pháo phản lực bắn loạt biểu tượng BM-13 Katyusha, nhưng các tàu chiến biểu tượng thì không ai nhắc tới.

Trong thời kỳ hậu chiến, hầu hết các bộ phim chiến tranh đều nói về các trận chiến trên bộ, rất ít dành cho hạm đội, chủ yếu nói về số phận khó khăn của các thủy thủ tàu ngầm Liên Xô.

Nếu bỏ qua các con số và đi sâu tìm hiểu về bản chất vấn đề, chúng ta sẽ hiểu được nguyên nhân thực chất của tình trạng đáng buồn đối với hạm đội Liên Xô trong cuộc chiến này.

Sự lạc hậu của vũ khí

Các thiết giáp hạm của hạm đội Liên Xô được chế tạo theo các chương trình đầu thế kỷ XX và đã trở nên lỗi thời ngay cả trước khi chúng được đưa vào hoạt động. Điều này cũng đúng đối với các tàu tuần dương, khi chúng được trang bị các loại pháo có cỡ nòng quá nhỏ và có lớp giáp rất yếu so với hạm đội của các quốc gia khác.

Hạm đội tàu ngầm của Liên Xô dù có số lượng khá đông, nhưng khả năng sẵn sàng chiến đấu quá kém cỏi. Loạt tàu ngầm dòng “M” chủ lực của Liên Xô chỉ có hai quả ngư lôi trên tàu và không thể lặn dưới nước trong một thời gian dài.

Các tàu ngầm thuộc dòng “P” tuy mới, nhưng được coi là thất bại và cũng không hiệu quả. Mặc dù hạm đội Liên Xô cũng có một vài tàu chiến hiện đại hơn, nhưng số lượng khiêm tốn không cho phép chúng chiến đấu ngang ngửa với kẻ thù trong một trận chiến quy ước. Tất cả điều này dẫn đến sự thụ động của hạm đội Liên Xô trong những năm chiến tranh.

Tàu ngầm "Malyutka"

Khi chiến tranh nổ ra, nhiều thủy thủ được chuyển sang bộ binh, vũ khí được dỡ bỏ khỏi một số tàu và sử dụng trên bộ, tàu mặt nước neo ở cảng của các thành phố như pháo binh cố định, thậm chí đôi khi không dám khai hỏa vào kẻ thù mà không rõ lý do.

Tất cả máy bay của Hải quân Liên Xô hoạt động trên đất liền cho đến tận năm 1942. Mặc dù điều đáng ghi nhận là Hải quân Liên Xô đã trói buộc một phần lực lượng của kẻ thù, nhưng trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, Hải quân Liên Xô chủ yếu tham gia vào các hoạt động sơ tán.

Tình trạng này của hạm đội Liên Xô được giải thích khá đơn giản - thiếu ngân sách. Chính vì thiếu kinh phí đầu tư, những vũ khí, trang bị được mua cho Hải quân Liên Xô được mô tả là “rẻ tiền và phù phiếm”.

Chính điều đó đã dẫn đến thực tế là mặc đù có đủ số lượng tàu chiến cần thiết, tuy nhiên Hạm đội Liên Xô không có đủ năng lực tác chiến, do các loại vũ khí này phần lớn đã lạc hậu, chỉ mang tính chất tượng trưng.

Thiếu nhân sự

Đô đốc N.G. Kuznetsov

Sau cuộc cách mạng và các cuộc thanh trừng nhân sự vào những năm 1930, hạm đội Liên Xô chỉ còn lại rất ít nhà lãnh đạo có năng lực. Sự thất bại của hạm đội vào năm 1937 trong việc vận chuyển hàng hóa đến Tây Ban Nha, cũng như kết quả không đạt yêu cầu của các cuộc tập trận, đã đẩy Stalin đến một cuộc thanh trừng hàng loạt.

Thật không may, “các nhà lãnh đạo chính trị” với sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về các vấn đề của hạm đội đã thay thế một số sĩ quan hải quân, càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Chỉ đến khi N.G. Kuznetsov xuất hiện trên cương vị Chính ủy Hải quân, tình hình bắt đầu dần được cải thiện, nhưng thời gian 2 năm trước chiến tranh là quá ngắn ngủi, không đủ để tạo ra những thay đổi cần thiết đối với Hạm đội Liên Xô.

Sự lạc hậu của thiết bị và ngành công nghiệp

Tàu tuần dương "Đô đốc Nakhimov"

Không phải mọi thứ đều có thể mua được ngay cả bằng rất nhiều tiền và không phải ai cũng sẽ chia sẻ các công nghệ quân sự tiên tiến. Để có được điều đó phải mất nhiều năm và phải xây dựng các “trung tâm nghiên cứu hải quân” ​​để tạo ra các phát minh riêng của mình.

Hạm đội tàu ngầm Liên Xô trong chiến tranh phục vụ chủ yếu với vai trò bảo vệ các tàu chở hàng của quân đồng minh, đã chịu tổn thất nặng nề và vô cùng lạc hậu về mặt kỹ thuật.

Nếu trong toàn bộ cuộc chiến, ngành công nghiệp quân sự có thể cung cấp cho lực lượng mặt đất nhiều loại vũ khí tiên tiến, thì hạm đội đã chiến đấu trong toàn bộ cuộc chiến với những gì nó có từ trước chiến tranh.

Thiếu kế hoạch chiến lược để quản lý và tiến hành chiến tranh

Thực tế đã chỉ ra, Hạm đội Liên Xô không sẵn sàng chiến đấu cao như lực lượng mặt đất. Vấn đề là do Hải quân Liên Xô không có hệ thống chỉ huy rõ ràng. Quyền chỉ huy các hạm đội được phân theo các hướng chiến lược hoặc các mặt trận, khiến các tàu chiến bị sử dụng một cách bừa bãi, kém hiệu quả.

Theo Đô đốc N.G. Kuznetsov, đây là yếu tố nguy hiểm nhất, đã trói buộc hạm đội và ngăn cản hoàn thành chức năng theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa. Một hệ thống chỉ huy rõ ràng chỉ xuất hiện vào năm 1944. Tuy nhiên, ở thời điểm đó chiến tranh cũng đã sắp đi đến hồi kết.

Hạ Thảo (lược dịch)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những nguyên nhân gây ra thành tích kém cỏi của Hạm đội Liên Xô trong Thế chiến II
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO