Cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, Nghệ An hứng chịu trận lũ, lụt trên diện rộng. Đặc biệt trận lũ quét rạng sáng ngày 2/10 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân thị trấn Mường Xén và xã biên giới Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.
Trận lũ quét được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử ở huyện biên giới Kỳ Sơn đã cuốn theo hàng triệu m3 đất, đá, vùi lấp nhiều thứ dưới đường đi của nó như nhà cửa, tài sản của nhân dân, trụ sở cơ quan, đơn vị, công trình giao thông..., có nơi vùi sâu đến 2m.
Theo thống kê của huyện Kỳ Sơn, hơn 620 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét kinh hoàng này, trong đó 55 ngôi nhà bị san phẳng, sập hoàn toàn... Thiệt hại ước tính khoảng gần 100 tỷ đồng (Ảnh: Dũng Trần).
Ngay khi xảy ra lũ quét, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Bộ đội Biên phòng Nghệ An huy động lực lượng, phương tiện có mặt tại Kỳ Sơn. Có nhiều đơn vị phải cơ động hơn 200 cây số để kịp đến với người dân trong thời điểm bị mất nhà cửa, tài sản. Đến trưa ngày 2/10, 2 bản Sơn Hà và Hòa Sơn (xã Tà Cạ) vẫn bị cô lập. Bộ đội phải bắc cầu tạm vượt suối dữ vào hỗ trợ, ứng cứu người dân (Ảnh: V.Lang).
Những người lính Cụ Hồ là một trong những lực lượng có mặt sớm nhất ở tâm lũ quét Kỳ Sơn cùng với lương thực, thực phẩm, nước sạch, nhu yếu phẩm... vượt dòng nước chảy xiết vào với bà con (Ảnh: V. Lang).
Những phần quà thiết thực đã vượt lũ đến với người dân ngay trong sáng 2/10 (Ảnh: Dũng Trần).
Trong hoang tàn, đổ nát, trong lớp bùn đất dày cả mét, người lính cùng các lực lượng cứu hộ khác và người dân cố gắng đào bới, tìm kiếm những vật dụng có thể sử dụng lại (Ảnh: V. Lang).
Những người lính luôn có mặt ở nơi hiểm nguy nhất, khó khăn nhất, với tinh thần duy nhất "phía trước là nhân dân" (Ảnh: V. Lang).
Trong lũ quét, những người lính Cụ Hồ đã đến với nhân dân, chăm lo sức khỏe cho nhân dân, cùng nhân dân khắc phục hậu quả cơn lũ dữ để sớm ổn định cuộc sống (Ảnh: Dũng Trần).
Sau trận lũ quét kinh hoàng, hệ thống giao thông bị tàn phá nặng nề, thậm chí có nơi bị "xóa sổ". Bộ đội đã có mặt trước tiên, mở đường vào các bản làng tâm lũ để các lực lượng cứu hộ, tình nguyện thuận lợi hơn trong việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm... đến với người dân (Ảnh: Dũng Trần).
Hàng chục căn nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, số còn lại bị vùi trong đất đá, bùn nhão, hư hỏng nặng. Ở những ngôi nhà còn có thể ở được, bộ đội, công an, các lực lượng tình nguyện dốc sức đào, vận chuyển hàng trăm nghìn m3 đất, đá ra ngoài.
Bộ đội chủ động tìm đến với dân, không chờ dân khó khăn phải tìm đến bộ đội. Những ngày nơi tâm lũ, các lực lượng vũ trang đã "3 cùng" với nhân dân, cùng nhân dân đi qua khó khăn (Ảnh: Dũng Trần).
Những người lính đi trước - về sau, đã có mặt và ở lại với nhân dân cho đến khi cơ bản khắc phục xong hậu quả thiên tai, giúp người dân ổn định cuộc sống (Ảnh: Dũng Trần).