Những người dị ứng với vàng

01/08/2022 23:30

Chị Nguyễn Thị An dù đã kết hôn nhiều năm nhưng rất hiếm khi đeo nhẫn cưới. Chị An cho biết, chỉ cần đeo nhẫn khoảng 2 ngày, ngón tay chị sẽ bị ngứa, nổi mẩn rất khó chịu.

“Cũng có lúc tôi chuyển nhẫn sang ngón khác nhưng vẫn bị nổi mẩn. Ngay cả đồng hồ tôi cũng không đeo được vì khóa kim loại làm cổ tay sẩn ngứa. Là phụ nữ nhưng tôi rất hạn chế đeo bông tai, dây chuyền gì vì dễ nổi mẩn quá”, chị An, 30 tuổi, ngụ tại TP.HCM nói.

Chị An thuộc nhóm những chị em dị ứng với vàng. Thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Bạch Cúc, Đơn vị Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, đây là dạng phản ứng quá mẫn muộn do tiếp xúc với vàng hoặc các hợp kim chứa vàng - một tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng điển hình.

Năm 2001, Hội viêm da tiếp xúc Hoa Kì công bố vàng là chất gây dị ứng tiếp xúc của năm.

gfda.png
Nhiều người không dám đeo nhẫn vì dị ứng với vàng. Ảnh minh họa. 

Trên thực tế, khoảng 90% bệnh nhân viêm da dị ứng với vàng là phụ nữ. Nguyên nhân đơn giản vì chị em rất hay đeo nữ trang. Bên cạnh đó, người sử dụng vật liệu bằng vàng trong nha khoa, môi trường làm việc có chứa vàng cũng là đối tượng nguy cơ.

Thông thường, những người dị ứng với vàng cũng dị ứng với niken và cobalt. Đó là lý do chị An bị ngứa, nổi mẩn khi đeo đồng hồ hoặc thắt lưng.

Bác sĩ Huỳnh Bạch Cúc cho hay, dị ứng với vàng là phản ứng quá mẫn type 4 thường xuất hiện sau khi xỏ khuyên trên da và ngay lập tức đeo trang sức bằng vàng. Việc này khiến cho lớp bì tiếp xúc trực tiếp với vàng.

Ngoài ra, titanium dioxide (có trong các loại kem chống nắng và mỹ phẩm) có thể làm tăng tiết vàng từ đồ trang sức. Bên cạnh đó, đồng trong trang sức mạ vàng cũng có thể làm tiết vàng và gây dị ứng mặc dù lượng tiếp xúc ít.

Người bệnh thường biểu hiện với viêm da mạn tính, các sẩn đỏ xuất hiện khu trú ở vị trí tiếp xúc như dái tai, ngón tay hoặc cổ (vị trí đeo trang sức). Mặt và mi mắt cũng có thể bị ảnh hưởng do sự di chuyển của kháng nguyên trong quá trình xử lý vàng hoặc do các hạt trong không khí. Trong khi đó, nếu dị ứng với vàng trong nha khoa, người bệnh có thể bị viêm môi, trợt niêm mạc, viêm miệng tiếp xúc….

Phản ứng dị ứng này có thể lan tỏa thành viêm da khắp cơ thể.

Cũng giống như các tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng khác, người bệnh cần tránh tiếp xúc với dị nguyên và điều trị làm giảm triệu chứng viêm. Một số người có thể từ từ dùng lại đồ trang sức bằng vàng trong một khoảng thời gian. Nhưng có những người phải tránh tiếp xúc với vàng vô thời hạn, tùy vào độ nặng của bệnh.

Bác sĩ Huỳnh Bạch Cúc khuyến cáo, nếu gặp phải tình trạng này, người bệnh nên tránh tiếp xúc với vàng và các phương pháp phục hồi răng có sử dụng vàng. Nếu làm việc trong môi trường tiếp xúc với vàng, cần sử dụng các biện pháp bảo hộ lao động.

Bên cạnh đó, người có tiền sử dị ứng với vàng và viêm khớp dạng thấp nên được làm xét nghiệm trước khi điều trị với các loại thuốc có chứa vàng.

Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/nhung-nguoi-di-ung-voi-vang-ly-do-tai-sao-2045206.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/nhung-nguoi-di-ung-voi-vang-ly-do-tai-sao-2045206.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những người dị ứng với vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO