Những ngày Tết Độc lập đầu tiên ở Sài Gòn

02/09/2024 07:23

79 năm đi qua, ngày Tết Độc lập vẫn luôn là nỗi niềm xúc động, ghi dấu mốc son chói lọi về bản hùng ca vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XX

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì ở Sài Gòn, Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ cũng tổ chức trọng thể lễ mít tinh chào mừng ngày độc lập với sự tham gia của hàng vạn người.

Độc lập hay là chết

Trong hồi ký "Saigon septembre 45", nhà báo Trần Tấn Quốc (1914-1987), đã thuật lại những quang cảnh và cảm xúc lắng đọng của một ký giả trước ngày vui độc lập của dân tộc.

Nhà báo Trần Tấn Quốc từng cộng tác với nhiều tờ báo ở Sài Gòn, từng biên tập và làm chủ bút các tờ báo như Điển Tín, Việt Thanh, Đuốc Nhà Nam… Đặc biệt, ông được tận mắt chứng kiến thời cuộc trong những ngày tháng 8 và 9-1945 tại mảnh đất Sài Gòn.

Thời khắc lịch sử 2-9 tại Sài Gòn, ông kể từ công sở đến tư gia, tiệm buôn của người Việt và Hoa kiều đều rực rỡ Quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lễ Độc lập cử hành lúc 14 giờ tại đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn, quận 1) nhưng mới hơn 12 giờ, dưới mặt trời đứng bóng, toàn thể dân chúng, dân quân từ trụ sở ở Châu Thành, các vùng ngoại ô đã kéo về đại lộ. "Ta hãy thú thật và nói thẳng ra những gì rạo rực trong lòng ta lúc bấy giờ" - nhà báo Trần Tấn Quốc viết.

Chương trình Lễ Độc lập tại Sài Gòn dự kiến được tiếp sóng từ đài Bạch Mai (Hà Nội) lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Song, việc tiếp sóng từ đài Bạch Mai không thực hiện được. Hồi ký của Trần Tấn Quốc viết: "Không hiểu vì lẽ gì, luồng điện 32 thước bắt không được. Dân chúng đứng đón nghe bài diễn văn của ông Hồ Chí Minh, thất vọng la: phá hoại, có kẻ phá hoại".

Trong tình cảnh đó, ông Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ, đã ứng khẩu lời phát biểu hùng hồn, thu hút cả triệu người có mặt trong buổi lễ. Nguyên văn lời phát biểu được chép lại trong hồi ký "Saigon septembre 45" của Trần Tấn Quốc, khẳng định nền độc lập dân tộc.

Mở đầu, ông Trần Văn Giàu nói: "Hỡi quốc dân! Hỡi tất cả đồng bào tận tâm cứu quốc! Việt Nam từ một nước thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống. Song cuộc hồi sinh dân tộc đang bị kẻ thù đe dọa. Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào…".

Ông Trần Văn Giàu khuyên đồng bào đề cao cảnh giác, "chớ say sưa vì thắng lợi". Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ đặt câu hỏi: "Ở đây có ai thừa nhận một vị toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay cho chế độ thực dân ra mặt hay giấu mặt trở lại không?". Sau mỗi câu hỏi, cả triệu người đồng thanh đáp: "Không! Không!".

Kết thúc bài diễn văn của mình, ông Giàu kêu gọi quốc dân đồng bào: "Hãy sẵn sàng chiến đấu! Hỡi đồng bào, hễ gặp dịp thì hiến thân cho nước. Quét sạch đồ phản quốc, quét sạch ách cường quyền. Anh chị em, trong lúc phái bộ Đồng Minh đến xứ ta, anh chị em chớ để mất thanh danh của một dân tộc đã từng sống vẻ vang. Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay. Tiến tới! Vì độc lập, tự do. Tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!".

Đảng viên Chi bộ 2, Đảng bộ Cơ quan Ủy ban MTTQ TP HCM tìm hiểu về sự kiện ngày 2-9-1945 diễn ra tại Sài GònẢnh: THIỆN AN
Đảng viên Chi bộ 2, Đảng bộ Cơ quan Ủy ban MTTQ TP HCM tìm hiểu về sự kiện ngày 2-9-1945 diễn ra tại Sài Gòn. Ảnh: THIỆN AN

Sài Gòn giành chính quyền trước Tết Độc lập

Trước thời điểm Tết Độc lập 2-9-1945, vào đêm 24-8, tại Dinh Khâm Sai (nay là Bảo tàng TP HCM, đường Lý Tự Trọng, quận 1), lực lượng khởi nghĩa của ta đã hạ cờ quẻ ly xuống, đồng thời giương cao cờ đỏ sao vàng. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay báo hiệu cho sự toàn thắng của cuộc Cách mạng Tháng Tám diễn ra tại Sài Gòn.

Trong không khí của những ngày thu lịch sử, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân tìm đến Bảo tàng TP HCM để tìm về những ngày tháng hào hùng của dân tộc. Tại Phòng Đấu tranh Cách mạng (giai đoạn 1930-1954) của Bảo tàng TP HCM, quang cảnh nhân dân mít tinh mừng Lễ Độc lập trên đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn), ngày 2-9-1945 được phục dựng lại với khí thế hào hùng, sục sôi. Phòng cũng trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến tổ chức Thanh niên Tiền phong ra đời ngày 1-6-1945, do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm thủ lĩnh. Đây là lực lượng được hình thành trong giai đoạn các phong trào kháng chiến đang lớn mạnh để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy giành chính quyền vào tháng 8-1945.

Kể từ khi được thành lập, Thanh niên Tiền phong đã nhanh chóng lớn mạnh tại Sài Gòn và lan rộng ra các tỉnh, thành Nam Bộ, góp phần vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám tại Sài Gòn và Nam Bộ. Theo đó, ngày 24-8-1945, khắp thành phố Sài Gòn nổi lên những khẩu hiệu: "Bảo Đại thoái vị", "Chính quyền về tay Việt Minh", "Việt Nam độc lập muôn năm". Lá cờ búa liềm bay phấp phới trên mái nhà bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tại số 272 Chasseloup-Laubat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Đúng 18 giờ, Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ chính thức phát lệnh khởi nghĩa.

Đến 20 giờ cùng ngày, các đội quân khởi nghĩa rầm rộ triển khai lực lượng với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các đội Thanh niên Tiền phong xung kích gồm hàng ngàn đoàn viên ưu tú được vũ trang tiến hành đánh chiếm những cơ sở quan trọng trong thành phố như: Kho bạc, Nhà máy đèn, Nhà máy nước, Sở Bưu điện, Dinh Thống đốc Nam Kỳ, các đầu cầu vào Sài Gòn, các bót cảnh sát, Sở Chữa cháy, Sở Công an… Trong lúc những đội xung kích chiếm lĩnh các công sở thì thanh niên, công nhân có vũ trang trên các xe cam-nhông cắm cờ chạy khắp thành phố để cổ động nhân dân tham gia khởi nghĩa. Một giờ sáng 25-8-1945, toàn bộ chính quyền về tay cách mạng.

Xúc động, tự hào

Nhớ về ngày Tết Độc lập đầu tiên, bà Hoàng Thị Thanh (91 tuổi, hiện đang ngụ phường 5, quận 10, TP HCM) lúc đó chỉ mới 12 tuổi nhưng đã náo nức chạy theo đoàn người từ khắp ngả đường kéo về hướng Nhà thờ Đức Bà để có thể nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Vừa đi, mọi người vừa hô vang: "Việt Nam độc lập muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!".

"Tôi lớn lên ở trung tâm Sài Gòn nên nhớ rõ kỷ niệm ngày ấy, thật tự hào khi được chứng kiến sự kiện lịch sử to lớn của dân tộc" - bà Thanh nhớ lại trong niềm xúc động và tự hào. Khoảng thời gian sau này, bà Thanh theo cách mạng, thoát ly gia đình vào chiến khu. Mỗi dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh, bà Thanh lại xúc động xen lẫn tự hào khi nghe giọng Bác Hồ qua đài phát thanh với những lời tuyên bố hào hùng về độc lập, chủ quyền dân tộc.

Ông Nguyễn Ngọc Chín (75 tuổi, 40 năm tuổi Đảng, ngụ phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) tuy không chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc vào ngày 2-9-1945, nhưng mỗi khi đến dịp này, trong lòng ông luôn dâng lên niềm xúc động và tự hào khó tả.

Là người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, đi qua những ngày chiến tranh khốc liệt, ông Chín càng hiểu giá trị của 2 chữ "độc lập", "tự do". Để có được độc lập, tự do như ngày hôm nay, biết bao thế hệ cha ông đã hy sinh. "Mỗi dịp lễ Quốc khánh 2-9, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt càng tăng lên" - ông Chín chia sẻ.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Những ngày Tết Độc lập đầu tiên ở Sài Gòn
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO