Tác giả Fabienne Fong Yan của Lonely Planet nhận định: "Ẩm thực Việt Nam vốn nổi tiếng với những món ăn đường phố đa dạng nhưng một số trong đó có vẻ sẽ thách thức lòng dũng cảm của những thực khách lần đầu thưởng thức".
Dưới đây là danh sách những món ăn vô cùng phổ biến với người dân địa phương nhưng có thể khiến một số khách nước ngoài e dè khi nếm thử.
1. Trứng vịt lộn: Là món ăn đường phố phổ biến ở một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Lào, hay Campuchia. Món ăn này được chế biến từ những quả trứng mà bên trong đã hình thành đủ bộ phận của con vịt non (vào khoảng 17-21 ngày tuổi). Trứng thường phải luộc chín, ăn cùng với bột canh và lá rau răm.
Sở dĩ món ăn này được người dân địa phương ưa chuộng là vì họ cho rằng nó có tác dụng bồi bổ sinh lực. Nếu du khách e ngại thì có thể thưởng thức những 'phiên bản' nhỏ hơn của món ăn này như trứng cút lộn, thường được xào cùng nước sốt me và sả vô cùng hấp dẫn.
2. Gà ác tiềm thuốc bắc: Gà ác được đánh giá là chứa nhiều dưỡng chất hơn các loại gà bình thường. Theo Đông y, gà ác có vị ngọt, tính bình, hơi ấm, thơm và không độc nên rất có công dụng trong việc làm bổ gan thận, thanh nhiệt và điều hòa khí huyết. Đặc biệt, món ăn này còn được kết hợp cùng các vị thuốc bắc tạo nên hương vị vô cùng đặc trưng.
3. Chân gà: Chân gà là bộ phận không được sử dụng ở nhiều nước nhưng lại vô cùng phổ biến ở Việt Nam. Mặc dù là nguyên liệu không đắt tiền nhưng người dân địa phương lại có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như: Chân gà sả tắc, chân gà nướng, chân gà chiên mắm... Chân gà Đông Tảo to chắc nổi tiếng thậm chí còn được coi là một loại "đặc sản".
4. Tiết canh: Là món ăn tươi sống sử dụng nguyên liệu là tiết động vật (lợn, ngan, vịt) tươi được pha với chút nước mắm hoặc nước muối nhạt hãm cho khỏi đông trước khi trộn với những phần thịt, sụn băm nhỏ để làm đông tiết. Cách chế biến món ăn như vậy rất thịnh hành trong ẩm thực của người Việt, đặc biệt là ở miền Bắc.
5. Nộm sứa đỏ chấm mắm tôm: Món ăn này bắt nguồn từ Hải Phòng nhưng dường như nổi tiếng hơn cả ở một số hàng truyền thống tại Hà Nội. Ăn sứa đỏ không thể thiếu mắm tôm nguyên chất, vắt chanh đánh sủi bọt, thả vào vài miếng ớt đỏ, đậu phụ nghệ (có màu vàng) nướng, cùi dừa và rau thơm như tía tô, kinh giới.