Cứ vào khoảng 11h đến 13h trưa hàng ngày, những mẹt ghẹ này lại tấp nập khách ghé đến ăn. Không hàng quán, không biển hiệu, dù chỉ vỏn vẹn một chiếc mẹt ghẹ (to chưa bằng mâm cơm) đặt phía trên một bếp than tổ ong nhưng theo bà Vũ Thị Tươi, chủ mẹt ghẹ, nhiều hôm khách phải ngồi tràn cả sang hai bên đường đến hết cả buổi trưa.
Mẹt ghẹ của bà Tươi phía sau chợ Đồng Xuân.
"Nhiều lần tôi cũng tính thuê một cửa hàng nho nhỏ để khách có chỗ ngồi nhưng bán ở đây lâu năm rồi, tôi sợ chuyển đi thì mất khách, họ tìm không được. Chỉ với mẹt hải sản con con này mà mỗi ngày tôi cũng bán được hơn 20kg ghẹ, hôm nào đắt hàng thì 30kg. Thậm chí hôm nào gặp hàng tươi ngon thì 40kg tôi cũng bán hết", bà Tươi nói.
Bà Tươi từ quê nhà Nam Định lên Hà Nội bán hải sản từ năm 1994. Ban đầu bà bán rong ở các tuyến phố, ngày hết được 5, 7 kg là mừng. Sau vài lần đổi địa điểm, bà quay lại vỉa hè cạnh chợ Đồng Xuân để bán cố định.
Hàng ngày, người nhà bà Tươi tại Nam Định ra bến chọn mua ghẹ vừa đánh bắt rồi đóng thùng, gửi xe khách lên Hà Nội. Ghẹ sau khi được luộc chín sẽ bán kèm nước chấm tự pha với đủ mức giá. Thấp nhất là giá 80.000 đồng/kg, còn cao nhất là khoảng 400.000 đồng/kg đối với những con to, tươi, ngon.
Mẹt ghẹ của bà Tươi nằm trên phố Cầu Đông, phía đằng sau chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cách mẹt ghẹ của bà Tươi chừng 30 mét về phía phố Đồng Xuân còn có mẹt hải sản của bà Phạm Thanh Nga.
Cũng giống như bà Tươi, bà Nga là người Nam Định, sau khi lấy chồng Hà Nội thì bán hải sản rong khắp các con phố. Sau khoảng hơn chục năm bán rong, nhiều khách quen mặt, bà Nga chuyển về ngồi cố định một chỗ cạnh chợ Đồng Xuân từ năm 1994 cho đến bây giờ.
Hôm nào mẹt của bà Nga cũng có đủ cua biển, ghẹ và tôm hùm. Hôm nào đắt hàng thì cũng bán được khoảng chừng 30-35kg các loại, còn bình thường thì hơn 20kg. Doanh thu trung bình cũng đâu đó khoảng 10 - 20 triệu đồng mỗi ngày.
Mẹt hàng của bà Nga có đủ cả tôm, cua, ghẹ.
“Trước đây còn kham khổ, tôi bán hải sản rong kiếm tiền nuôi các con ăn học. Giờ đây các cháu trưởng thành rồi, mua nhà, mua xe, mở cả cửa hàng hải sản riêng rồi nhưng ngày nào cũng đưa mẹ từ Long Biên sang chợ Đồng Xuân để bán hàng vì tôi chưa muốn nghỉ”, bà Nga nói.
Theo lời kể của bà Nga và bà Tươi, quanh khu vực chợ Đồng Xuân không chỉ có hai mẹt ghẹ này mà có đến 4 mẹt ghẹ vỉa hè của 4 người phụ nữ khác nhau. Tất cả đều chạc tuổi các bà và đều đã bán hàng mấy chục năm.
HẠO NHIÊN