Top virus nguy hiểm trên Trái đất
Virus Covid-19
Trong những loại virus nguy hiểm nhất thế giới, virus Covid-19 đứng đầu danh sách. Hơn một năm kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 113 triệu người khắp thế giới và khiến hơn 2 triệu người tử vong.
Virus Nipah
Virus Nipah gây ra bệnh phù não.
Nipah cũng là một trong những loại virus khiến WHO lo ngại. Theo các chuyên gia, virus Nipah có thể gây ra đại dịch toàn cầu nếu chúng đột biến và có khả năng lây lan mạnh hơn. Loại virus này có tỷ lệ gây tử vong cao gấp 75 lần so với Covid-19.
Nipah được cho là có thể lây sang người từ dơi ăn quả. Virus này gây co giật, nôn mửa và sưng não ở người mắc. Được phát hiện ở Malaysia vào năm 1998, Nipah có tỷ lệ gây tử vong từ 40 – 75% đối với bệnh nhân.
Virus Zika
Virus Zika có thể khiến trẻ sơ sinh bị dị tật khi sinh ra.
Zika cũng được WHO xếp vào danh sách virus nguy hiểm đối với nhân loại. Virus từng lây lan mạnh ở châu Mỹ vào những năm 2015 và 2016. Xuất hiện từ một khu rừng ở Uganda, Zika gây phát ban, sốt, đau đầu và đau cơ.
Zika rất nguy hiểm đối với phụ nữ đang mang thai. Virus này có thể khiến trẻ sơ sinh bị teo não, dị tật sau khi sinh ra.
Virus Marburg
Virus Marburg. (Ảnh: Live Science).
Các nhà khoa học nhận dạng virus Marburg năm 1967, khi dịch bệnh nhỏ bùng phát ở nhân viên phòng thí nghiệm tại Đức tiếp xúc với những con khỉ nhiễm bệnh nhập từ Uganda. Virus Marburg giống virus Ebola ở chỗ đều gây sốt xuất huyết, có nghĩa bệnh nhân bị sốt cao và chảy máu trong, có thể dẫn tới sốc, suy tạng và tử vong.
Tỷ lệ tử vong trong đợt bùng phát dịch đầu tiên là 20%, nhưng tăng lên hơn 80% trong đợt bùng phát dịch năm 1998 - 2000 ở Cộng hòa Dân chủ Congo và năm 2005 ở Angola, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Virus Ebola
Virus Ebola. (Ảnh: Live Science).
Đợt bùng phát dịch Ebola đầu tiên ở người xảy ra cùng lúc ở Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo năm 1976. Ebola lây lan qua tiếp xúc với máu hoặc các dịch cơ thể khác và mô của người hoặc vật nhiễm bệnh. Các chủng virus Ebola rất khác biệt về mức độ nguy hiểm.
Chủng Ebola Reston thậm chí không làm người nhiễm ốm. Nhưng tỷ lệ gây tử vong của chủng Bundibugyo là 50% và ở chủng Sudan là 71%. Dịch bệnh diễn ra ở vùng Tây Phi vào đầu năm 2014 là đợt bùng phát lớn và phức tạp nhất tính đến nay.
Virus dại
Virus dại. (Ảnh: Live Science).
Dù vắcxin phòng bệnh dại ở thú nuôi được đưa vào sử dụng từ thập niên 1920, khiến căn bệnh này trở nên hiếm gặp ở các nước phát triển, đây vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Ấn Độ và nhiều nơi tại châu Phi.
"Virus dại phá hủy não và đây thực sự là bệnh dịch tồi tệ. Chúng ta có vắcxin ngừa bệnh dại. Nếu có người bị cắn bởi động vật nhiễm virus dại, chúng ta có thể chữa trị. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong là 100%", Elke Muhlberger, phó giáo sư vi trùng học ở Đại học Boston, Mỹ, cho biết.
Virus HIV
Virus HIV. (Ảnh: Live Science).
HIV có thể là virus nguy hiểm nhất trong thế giới hiện đại. "Đây vẫn là virus gây tử vong nhiều nhất", tiến sĩ Amesh Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm kiêm phát ngôn viên của Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Mỹ, nhận định. Ước tính 36 triệu người chết do HIV kể từ khi virus này được nhận dạng lần đầu tiên vào thập niên 1980.
Các loại thuốc kháng virus mạnh có thể giúp người bệnh chung sống nhiều năm với HIV. Nhưng căn bệnh tiếp tục tấn công những nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi tập trung 95% ca nhiễm mới. Cứ 1 trên 20 người trưởng thành ở vùng cận Sahara châu Phi dương tính với HIV, theo WHO.
Virus đậu mùa
Virus đậu mùa. (Ảnh: Live Science).
Năm 1980, Đại hội đồng Y tế Thế giới tuyên bố bệnh đậu mùa đã bị loại bỏ. Nhưng trước đó, nhân loại đã mất hàng nghìn năm chiến đấu với đậu mùa, dịch bệnh cứ một trong 3 người lây nhiễm tử vong. Những người khỏi bệnh phải chịu di chứng là các nốt sẹo rỗ và thậm chí bị mù.
Tỷ lệ tử vong do đậu mùa cao hơn nhiều ở cộng đồng dân cư ngoài châu Âu. Ví dụ, các nhà sử học ước tính 90% người dân bản địa của châu Mỹ chết bởi virus đậu mùa do người châu Âu đem tới. Chỉ riêng trong thế kỷ 20, bệnh đậu mùa đã cướp đi tính mạng của 300 triệu người.
Virus Hanta
Virus Hanta. (Ảnh: Live Science).
Hội chứng viêm phổi do virus Hanta (HPS) lần đầu tiên thu hút sự chú ý rộng rãi ở Mỹ năm 1993 khi một người đàn ông trẻ tuổi khỏe mạnh và vị hôn thê chết trong vòng vài ngày sau khi có triệu chứng thở gấp. Vài tháng sau, chuyên gia y tế cách ly virus hanta từ chuột nai sống ở nhà một người nhiễm bệnh. Hơn 600 người Mỹ nhiễm virus Hanta và 36% tử vong, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh nước này.
Virus Hanta không truyền từ người này sang người khác. Bệnh nhân nhiễm bệnh do tiếp xúc với phân của chuột mang virus. Trước đó, một chủng virus hanta khác gây bùng phát dịch vào đầu thập niên 1950 trong Chiến tranh Triều Tiên, theo nghiên cứu công bố năm 2010 trên tạp chí Clinical Microbiology Reviews. Hơn 3.000 binh lính nhiễm bệnh và khoảng 12% tử vong.
Virus cúm mùa
Virus cúm mùa. (Ảnh: Live Science).
Trong mùa cúm, khoảng 500.000 người trên khắp thế giới có thể tử vong do nhiễm virus, theo WHO. Đại dịch cúm gây tử vong nhiều nhất là cúm Tây Ban Nha, bắt đầu vào năm 1918 và lây nhiễm cho 40% dân số thế giới, giết chết ước tính 50 triệu người. "Tôi cho rằng thứ gì đó tương tự đại dịch năm 1918 có thể xảy ra lần nữa. Nếu tìm ra cách xâm nhập vào cơ thể người, chủng virus mới có thể dễ dàng truyền từ người này sang người khác, khiến người bệnh ốm nặng và gây ra vấn đề lớn", Muhlberger bày tỏ lo ngại.
Sốt xuất huyết
Virus sốt xuất huyết. (Ảnh: Live Science).
Sốt xuất huyết xuất hiện lần đầu tiên vào thập niên 1950 ở Philippines và Thái Lan, sau đó lan rộng khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn cầu. 405 dân số thế giới sống ở các khu vực nơi sốt xuất huyết trở thành bệnh địa phương. Dịch bệnh phát tán do muỗi này sẽ lan rộng khi Trái Đất ấm lên.
Sốt xuất huyết lây nhiễm cho 50 - 100 triệu người một năm, theo WHO. Dù tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết thấp hơn một số loại virus khác nhưng hiện nay chưa có vắcxin ngừa bệnh. Các thử nghiệm lâm sàng diện rộng cho một loại vắcxin do nhà sản xuất thuốc Sanofi của Pháp phát triển cho kết quả khả quan.
Virus rota
Virus rota. (Ảnh: Live Science).
Virus rota là nguyên nhân gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus này có thể lây lan nhanh qua phân người. Trẻ em ở các quốc gia phát triển hiếm khi tử vong do virus rota nhưng căn bệnh vẫn có tỷ lệ tử vong cao ở nhiều nước đang phát triển. WHO ước tính 453.000 trẻ em độ tuổi dưới 5 chết do virus rota năm 2008. Hiện nay, các nước đã đưa vào sử dụng hai loại vắcxin giúp giảm đáng kể số ca nhập viện và tử vong.
Bệnh X
Nằm trong bản danh sách “chết chóc”, “bệnh X” là cách WHO gọi những mầm bệnh nguy hiểm chưa được xác định.
Các chuyên gia cảnh báo, đại dịch tiếp theo có thể do “bệnh X” gây ra. “Bệnh X” có thể còn tồi tệ hơn Cái Chết đen – dịch bệnh từng giết chết 75 triệu người trên thế giới.
WHO luôn coi “bệnh X” là “kẻ thù giấu mặt” cần phải ngăn chặn bằng những khuyến cáo về y tế, sức khỏe và môi trường.
Theo giới khoa học, có 1,67 triệu loại virus còn chưa được biết tới trên thế giới. Trong số đó, có 827.000 loại virus có thể lây từ động vật sang người. Nguy cơ “bệnh X” xuất hiện được cho là ngày càng tăng khi dân số thế giới bùng nổ và môi trường tự nhiên bị hủy hoại.
Thói quen ăn thịt động vật hoang dã của con người cũng được cho là nguyên nhân khiến “bệnh X” trở thành nỗi lo của WHO.
Theo VnExpress/Dân Việt