Những loài vật có thể tiết chất gây ảo giác

03/08/2024 15:50

Cóc sa mạc, ếch khỉ, kiến gặt, cá mơ có thể tiết ra chất gây ảo giác trong nọc độc khiến kẻ thù tê liệt.

Cóc sa mạc Sonoran (Incilius alvarius)

Môi trường sống: sa mạc Sonoran, tây nam nước Mỹ và phía bắc Mexico

Cóc sa mạc Sonoran có kích thước tương đối lớn.
Cóc sa mạc Sonoran có kích thước tương đối lớn. (Ảnh: Wikimedia).

Cóc sa mạc Sonoran hay còn gọi là cóc sông Colorado là một trong những loài cóc lớn nhất ở Bắc Mỹ, tiết ra enzyme biến đổi bufotenine, hợp chất mà nhiều loại cóc khác cũng có, thành 5-MeO-DMT, chất gây ảo giác mạnh liên quan đến chất thức thần DMT. Cóc sa mạc Sonoran phun ra hỗn hợp chất độc chứa 5-MeO-DMT từ tuyến mang tai nằm ở sau mỗi mắt và tuyến ở chân. Khi động vật săn mồi nuốt phải với số lượng lớn, chất độc sẽ gây nôn mửa, ngưng tim và thậm chí tử vong. Các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc tại sao cóc sa mạc Sonoran tạo ra 5-MeO-DMT. Chúng là loài cóc duy nhất sản sinh hợp chất này.

Ếch khỉ khổng lồ (Phyllomedusa bicolor)

Môi trường sống: lưu vực Amazon ở Nam Mỹ

Ếch khỉ tiết ra hợp chất mang tên kambô được pháp sư thổ dân dùng làm chất kích thích.
Ếch khỉ tiết ra hợp chất mang tên kambô được pháp sư thổ dân dùng làm chất kích thích. (Ảnh: Inaturalist).

Giới nghiên cứu chưa thống nhất kambô, chất độc do ếch khỉ khổng lồ tiết ra, có được coi là chất gây ảo giác hay không. Trong các dân tộc bản xứ ở phía tây nam Amazon, chất tiết ra từ da ếch được dùng làm chất kích thích trong những nghi thức của pháp sư suốt nhiều thế kỷ. Chất này cũng thường được bôi lên vết bỏng nhỏ và nông trên cơ thể để tăng sức chịu đựng cho thợ săn.

Khi động vật ăn thịt tìm cách nuốt chửng ếch, kambô có thể gây nôn mửa, co giật và thay đổi ở chức năng tim. Các nhà nghiên cứu vẫn tìm cách giải mã hợp chất đặc biệt này để lý giải hiệu ứng, nhưng họ biết ếch khỉ tạo ra tổng cộng hơn 200 đoạn protein ngắn có thể ảnh hưởng tới chức năng cơ thể. Một số rất có tiềm năng dùng làm thuốc trong tương lai.

Kiến gặt California (Pogonomyrmex californicus)

Môi trường sống: tây nam nước Mỹ và phía bắc Mexico

Người thổ dân California ăn kiến gặt trong nghi thức tôn giáo.
Người thổ dân California ăn kiến gặt trong nghi thức tôn giáo. (Ảnh:Inaturalist)

Nọc độc của kiến gặt California cấu tạo từ các enzyme. Người bản xứ ở trung tâm California từng ăn chúng trong các nghi thức tôn giáo. Họ sẽ nuốt chửng hàng trăm con kiến sống trong những khối cầu cuộn từ lông đại bàng. Hiển nhiên, họ sẽ bị đốt từ bên trong. Justin Schmidt, nhà côn trùng học ở Viện sinh vật học Tây Nam và Đại học Arizona, Tucson, cho biết cơn đau do nhiều con kiến đốt cùng lúc, kết hợp với thời tiết cực lạnh, nhịn ăn và mất ngủ trong một số trường hợp, gây ra ảo giác ở người.

Nọc độc của một con kiến gặt đủ giết chết chuột nhắt. Một người có thể chết nếu ăn 1.000 con kiến. Tuy nhiên, một số động vật như thằn lằn sừng (Phrynosoma solare) có dịch nhầy ở miệng và hệ thống tiêu hóa cho phép chúng ăn hàng trăm con kiến. Hợp chất trong máu của chúng có thể trung hòa nọc độc.

Cá mơ (Sarpa salpa)

Môi trường sống: vùng biển ôn đới và nhiệt đới từ ven bờ Đại Tây Dương ở châu Phi tới biển Địa Trung Hải

Cá mơ
Cá mơ. (Ảnh: Flickr)

Cá mơ có thể gây ảo giác về hình ảnh và âm thanh khi ăn phải, dù các trường hợp bị ảnh hưởng rất hiếm gặp. Hai ca ngộ độc cá gây ảo giác được ghi nhận vào năm 2006 trên tạp chí Clinical Toxicology. Ở một trường hợp, một người đàn ông ăn cá mơ nướng và gặp ảo giác các loài vật la hét và động vật chân khớp khổng lồ bò quanh xe. Triệu chứng biến mất khoảng 36 giờ sau khi bệnh nhân ăn thịt, cá. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết hợp chất gây ngộ độc. Nhà sinh vật học tiến hóa Leo Smith ở Đại học Kansas, Lawrence, người nghiên cứu lịch sử và sự phân hóa của cá, cho biết ông và các nhà khoa học khác nghi ngờ hợp chất đó là phụ phẩm từ chế độ ăn của cá.

Theo VnExpress

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những loài vật có thể tiết chất gây ảo giác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO