Nhiều người quan niệm rằng đối với rau củ quả thì ăn sống chính là cách hấp thụ được nhiều dưỡng chất nhất. Tuy nhiên trong thực tế lại có rất nhiều loại rau phải qua quá trình nấu chín thì con người mới có thể hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng trong nó hoặc loại bỏ được các chất ảnh hưởng xấu đến cơ thể.
Cải bó xôi là một loại rau rất giàu vitamin, thậm chí nó còn được mệnh danh là "kho tàng vitamin". Nhiều người thích ăn sống cải bó xôi. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, loại rau này nên được nấu chín để đảm bảo hấp thụ được tối đa chất dinh dưỡng.
Cụ thể, cải bó xôi có chứa nhiều axit oxalic. Chất này không chỉ có thể cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng của chúng ta mà còn gây hại cho cơ thể nếu tiêu thụ trong thời gian dài. Chỉ với việc luộc cải bó xôi có thể loại bỏ hơn 90% axit oxalic trong loại rau này.
Thời gian luộc/chần của cải bó xôi nên được kiểm soát trong khoảng từ 30 giây đến 1 phút. Bên cạnh đó, nên thêm một thìa cà phê dầu ăn khi luộc để rau xanh hơn.
Đậu cô ve là một loại rau rất phổ biến. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng ăn món này thường xuyên sẽ tạo ra các lợi ích sức khỏe đáng kể. Ăn đậu cô ve khoảng 4 lần/tuần được xem là lý tưởng.
Đậu cô ve khác với cải bó xôi ở chỗ nó chứa một lượng lớn saponin, nếu không được loại bỏ trong quá trình nấu nướng sẽ gây kích ứng mạnh dạ dày của chúng ta, thậm chí có thể gây ngộ độc thực phẩm nếu ăn quá nhiều một lúc.
Do đó, với đậu cô ve, chúng ta nên hạn chế ăn sống. Vì trong quá trình chế biến nhiệt, chất saponin có trong đậu cô ve có thể bị phân hủy và loại bỏ.
Trong cà rốt có chứa hợp chất beta-caroten. Đây chính là tiền chất để cơ thể tổng hợp thành vitamin A rất tốt cho mắt và da. Việc nấu chín cà rốt sẽ làm tăng hàm lượng của hợp chất đáng quý này. Chính vì vậy các bà nội trợ có thể thoải mái cho cà rốt vào các món hầm hay canh xương mà không sợ bị mất chất dinh dưỡng.
Măng tây là một loại rau mới du nhập vào Việt Nam nhưng đang ngày càng được các bà nội trợ lựa chọn cho bữa ăn của gia đình mình bởi hương vị thơm ngon và nguồn dưỡng chất dồi dào có trong nó. Cụ thể, măng tây rất giàu folate, các vitamin A, C và E. Tuy nhiên, do có lớp vỏ bảo vệ dày nên ta khó lòng hấp thụ các vitamin có trong loại rau này. Vì vậy bạn nên nấu chín măng tây để có thể dễ dàng hấp thụ các chất dinh dưỡng.
Nấm là một loại thực phẩm vô cùng bổ dưỡng và thơm ngon. Đây cũng là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người. Tuy nhiên, không ít gia đình có thói quen chỉ nấu sơ nấm để ăn vì muốn giữ lại nhiều chất dinh dưỡng. Đây quả thực là một cách nghĩ sai lầm! Nấm được cấu tạo từ một lớp màng dai khó tiêu hóa vì vậy cần phải nấu nấm chín kỹ để có thể phá vỡ lớp màng đó và hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng có trong loại thực phẩm này. Ngoài ra, nấm sống có thể chứa các vi khuẩn gây ra các vấn đề về tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm khi tiêu thụ.
Thêm một điều nữa, các loại chất dinh dưỡng chủ yếu trong nấm đều không bị mất đi dưới tác dụng của nhiệt độ nên các bà nội trợ có thể yên tâm chế biến.
Khoai tây chứa vitamin C, kali, chất xơ và tinh bột. Khoai tây được chứng minh có nhiều giá trị cho sức khỏe.
Các chuyên gia khuyến cáo, nên chế biến khoai tây bằng những cách "lành mạnh" như: hấp, luộc. Tránh chiên hoặc thêm quá nhiều sốt phô mai, sốt salad và các loại sốt khác để không làm tăng thêm quá nhiều calo.
Đặc biệt, tuyệt đối không được ăn sống khoai tây. Khoai tây sống có thể chứa các hợp chất độc hại được gọi là glycoalkaloid có thể làm tổn hại hệ tiêu hóa. Chưa kể, hương vị và kết cấu của khoai tây sống cũng không ngon.