Những loại đồ uống giải rượu, giảm nồng độ cồn trong ngày Tết

Bác sĩ Lê Hữu Nghị - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng| 11/02/2024 07:09

Rượu, bia là những thức uống không thể thiếu trong các tiệc dịp Tết. Để giảm nồng độ cồn trong hơi thở nhanh, ngoài việc lượng sức mình, bạn có thể áp dụng một số mẹo đơn giản.

Những loại đồ uống giải rượu, giảm nồng độ cồn trong ngày Tết
Một số loại hoa quả có thể gây ra nồng độ cồn trong hơi thở, nhưng rất nhẹ. Đồ hoạ: Thanh Thanh

Sau khi uống rượu bia, cồn sẽ được hấp thụ và đi vào máu. Máu sẽ đi khắp cơ thể trong đó có phổi. Tới phổi, cồn trong máu sẽ di chuyển qua màng hô hấp của phổi. Do đó, không khí bạn thở ra sẽ chứa cồn.

Lượng cồn trong không khí thở ra là một trong những căn cứ quan trọng để xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu bia. Máy đo nồng độ cồn có thể phát hiện liệu bạn có vượt quá nồng độ cồn trong hơi thở cho phép hay không. Nếu vượt quá bạn sẽ phải chịu mức phạt nồng độ cồn theo quy định.

Cơ bản thì rượu là chất có hại cho sức khỏe, tác dụng có lợi rất ít khi dùng 1-2 ly rượu vang/ngày. Rượu còn là một trong những chất gây ra số lượng bệnh tật nhiều nhất trong các loại chất mà con người sử dụng và tiếp xúc.

Nguy hiểm hơn, bản chất rượu chính là chất gây nghiện được con người thỏa hiệp từ trước đến nay. Nó gây mất kiểm soát hành vi, càng dùng nhiều thì càng bị phụ thuộc nhiều, ngày càng tăng liều lên, từ uống ít dần dần có thể uống nhiều hơn.

Thời điểm Tết, phần đa ai cũng phải uống rượu bia theo cổ truyền mỗi khi chúc tụng nhau. Dù không cổ súy cho uống rượu bia nhưng khi trót uống những thức uống này bạn cần chuẩn bị một số loại nước uống để giải rượu bia hoặc giảm nồng độ cồn.

- Ăn trước và trong khi uống: Uống rượu khi đói dễ khiến bạn say, axit trong dạ dày tăng kích thích dạ dày hơn, dễ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, lâu dài ảnh hưởng dạ dày, đại tràng, gan. Bạn nên ăn một vài lát bánh mì, bánh quy giòn từ ngũ cốc nguyên hạt để giảm tác hại của rượu bia tới niêm mạc dạ dày, ruột, giảm nôn và giảm khả năng hấp thụ nồng độ cồn vào máu.

- Nước lọc: Đề phòng say rượu bạn cần uống nhiều nước lọc. Uống rượu sẽ gây mất nước. Vì vậy việc bù nước là rất quan trọng. Sau khi uống rượu, cách để đào thải chất cồn nhanh ra khỏi cơ thể là uống nhiều nước. Nước sẽ hòa loãng chất cồn. Ngoài ra cũng nên uống thêm các loại nước giúp trung hòa axit như nước chanh, cam, nước gừng mật ong, nước dừa, nước mía, trà hoặc ăn những thực phẩm có tác dụng tương tự như cải xanh, củ cải.

Bạn có thể uống nước dừa, nước nha đam

- Đồ uống thể thao: Giúp bạn nhanh chóng tỉnh táo và bớt say xỉn.

- Vitamin C: Giúp giảm nôn nao, khó chịu do rượu gây ra.

- Nước gừng: Gừng sẽ giúp bạn giảm bớt sự khó chịu ở dạ dày do uống rượu. Uống nước gừng làm giảm 60% tình trạng nôn mửa và 80% sự mệt mỏi. Gừng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, giúp hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Bạn chỉ cần thái một củ gừng tươi thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống. Có thể cho thêm vào ly nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để có thể giải say rượu nhanh hơn.

- Nước kiềm: Giúp trung hòa rượu và thải nhanh allcholho.

Sau uống bia, mọi người nên nghỉ ngơi một thời gian để cơ thể thải bởt cồn mới lái xe. Thời gian để đào thải nồng độ cồn 4-6 tiếng tùy vào cơ địa mỗi người.

Nếu uống quá chén, cách tốt nhất để đảm bảo an toàn sau khi uống rượu bia là bạn nên thuê xe hoặc gọi người thân đón về, không nên tự điều khiển phương tiện giao thông.Để giảm tác động xấu của bia rượu tới cơ thể, bạn nên uống có chừng mực, ăn nhẹ trước khi uống, uống từ từ, lựa chọn rượu bia có nồng độ cồn thấp…

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Những loại đồ uống giải rượu, giảm nồng độ cồn trong ngày Tết
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO