Trong cuộc trò chuyện với báo Dân trí, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm (Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec) chia sẻ rằng hiện nay ông làm việc không vì danh hiệu hay thu nhập mà mong muốn lớn nhất là "trả nợ cuộc đời".
- Thưa Giáo sư, mới đây ông về quê ở Quảng Thành, Quảng Xương (Thanh Hóa) thăm lại trường tiểu học nơi ông từng học 60 năm trước. Khi còn là một cậu bé ở Quảng Thành, ông ước mơ lớn lên sẽ làm gì?
- Tôi chỉ học ở đây năm cuối tiểu học vì 3 năm đầu học ở nhà với bố. Ngày ấy trong bối cảnh chiến tranh, các lớp chủ yếu học ban đêm, quanh lớp học là tường đất dày để đề phòng các mảnh bom nổ gần.
Quê tôi là một trong những nơi bị ném bom rất nhiều vì nằm cạnh cầu Hàm Rồng, cây cầu quan trọng trên trục giao thông huyết mạch. Mỗi khi còi rú lên báo hiệu máy bay Mỹ tới là cả thầy trò lại tản ra ruộng, trong đêm tối nhưng vì phi công thả pháo sáng trên bầu trời nên cái gì trên mặt đất cũng nhìn rõ như ban ngày.
Những năm học phổ thông tôi chưa định hình sẽ theo nghề gì. Hồi đó tôi học khá môn Toán nhưng lại yêu thích văn học. Lên cấp 3, thầy giáo thấy tôi có năng khiếu về văn học, động viên thi vào Trường đại học Tổng hợp. Đây là giai đoạn mẹ tôi bị bệnh phổi. Bây giờ nghĩ lại có lẽ mẹ tôi mắc ung thư, nhưng hồi đó y tế chưa phát triển và nhà nghèo nên chỉ điều trị ở bệnh viện huyện.
Tôi đã khóc rất nhiều khi chứng kiến quá trình vật vã chống lại bệnh tật và những cơn ho thắt ruột của mẹ. Bệnh trọng cùng với nỗi buồn khi biết anh trai tôi hy sinh ở chiến trường Quảng Trị nên mẹ tôi đã không qua khỏi. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế lúc đó rất khó khăn nhưng cha động viên tôi cố gắng theo học. Hết cấp 3, từ nỗi ám ảnh về cái chết của mẹ và chứng kiến cảnh bà con xóm làng qua đời vì những căn bệnh không rõ nguyên nhân, tôi quyết định nộp hồ sơ thi vào Trường đại học Y Hà Nội.
- Vào trường Y, ông lựa chọn lĩnh vực chuyên sâu để theo đuổi như thế nào?
- Khi tôi học hết 5 năm cũng là lúc nhà trường tổ chức thi bác sĩ nội trú, chọn ra những sinh viên xuất sắc nhất để học tiếp 4 năm nữa đào tạo bác sĩ chuyên khoa. Lúc đó tôi thích một chuyên ngành nào có kết quả nhanh và rõ ràng; nếu học nội khoa, việc điều trị nhiều khi rất dai dẳng, mất nhiều năm; còn học ngoại khoa, phẫu thuật có thể cho kết quả sớm, biết được ngay. Vì thế tôi quyết định học chuyên ngành ngoại khoa.
- Trong suốt sự nghiệp của mình, Giáo sư đã phẫu thuật, can thiệp y tế hàng chục nghìn ca khác nhau. Đâu là những trường hợp ông nhớ nhất?
- Điều tôi nhớ nhất không phải là những ca mổ mà là khi nhận được lời cảm ơn từ các bệnh nhân, từ gia đình của họ. Trong nhiều năm, cứ đến thời khắc sau Giao thừa Tết Nguyên đán, tôi lại nhận được điện thoại chúc mừng năm mới của cặp song sinh dính đôi Cúc - An.
Có thể nói việc tách song sinh dính đôi Cúc - An vào năm 2003 và Nghĩa - Đàn một năm trước đó - hai ca phẫu thuật rất khó - đã để lại nhiều dấu ấn trong hành trình nghề y của tôi.
Cặp song sinh dính đôi Cúc - An là trường hợp dính xương ức, chung khoang màng tim, chung nhau một gan, chung tá tràng, chung ruột non. Ca mổ kéo dài gần 10 giờ, gan, tá tràng và ruột non đã được phân tách thành công. Sau mổ hai bé phát triển khá tốt. Gia đình Cúc - An khó khăn, bố mẹ là công nhân đã về hưu, mẹ bị suy thận mãn phải lọc máu 3 lần một tuần, tuy nhiên hai cháu luôn cố gắng học tập. Một em là học sinh giỏi toán, em còn lại học sinh giỏi văn. Hiện hai cháu đều là sinh viên đại học. Mỗi lần nhận điện thoại của các cháu, tôi đều rất xúc động.
Một ca phẫu thuật khác của tôi cũng để lại nhiều dấu ấn, đó là lần phía Đài Loan mời tôi sang vào năm 2009. Đài Loan có nền y tế phát triển, ngang ngửa với các nước châu Âu, nên việc họ mời một bác sĩ Việt Nam sang mổ là rất đặc biệt.
Vị giáo sư Đài Loan nói với tôi rằng đã tìm hiểu kỹ các ca mổ nội soi của tôi và ông rất tin tưởng, muốn mời tôi sang mổ trình diễn cho các chuyên gia khắp châu Á xem trực tuyến nhân Hội nghị Ngoại khoa châu Á chứ không riêng ở Đài Loan.
Đây là lần đầu tôi tiến hành phẫu thuật ở nước ngoài trong một môi trường xa lạ, nhiều Giáo sư muốn vào phòng mổ để trực tiếp xem phẫu thuật. Bệnh nhân là trường hợp bị u nang ống mật chủ lớn, gắn với mạch máu lớn nên nguy cơ rách mạch máu trong mổ rất cao, do đó ca mổ khá căng thẳng và nhiều áp lực. Đem chuông đi đánh xứ người mà không thành công thì sẽ khó ăn khó nói. Tôi vẫn quyết định nhận lời vì không phải lúc nào cũng có dịp giới thiệu với bạn bè quốc tế những gì y tế Việt Nam có thể làm được.
Tôi nhớ phía Đài Loan bố trí xe Limousine ra sân bay đón tôi, cho một nữ bác sĩ đi cùng. Lên xe rồi cô bác sĩ này tò mò hỏi "tôi biết ông là người Việt Nam và là một bác sĩ rất giỏi, nhưng hiện nay có phải ông đang làm việc ở Pháp không ?". Cô ấy hỏi hoàn toàn chân thành. Lúc đó họ không tưởng tượng được là một bác sĩ đến từ Việt Nam lại được mời sang mổ trình diễn. Ca mổ thành công, và sau đó tôi còn có nhiều dịp được mời đi mổ trình diễn ở nước ngoài, cả ở châu Á và châu Âu. Một lần đi mổ ở Hà Lan, tôi có hỏi vị giáo sư mời tôi là tại sao ông lại chọn cho tôi ca mổ khó thế, vị này nói "nếu dễ thì tôi đã không mời ông".
- Bên cạnh những thành công, có lúc nào ông đối diện với khó khăn, thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua?
- Sau khi tốt nghiệp trường Y, tôi về làm việc tại Viện sức khỏe trẻ em (lúc đó còn ở cơ sở của Bệnh viện Bạch Mai), về sau Viện đổi tên thành Bệnh viện Nhi Trung ương (bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm làm Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2002 đến 2012; Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec từ 2013 - 2016).
Thập niên 1980, 1990 trình độ phẫu thuật nhi khoa của chúng ta còn hạn chế, trong khi các nước phát triển đã mổ với tỉ lệ thành công cao nhiều loại dị tật như teo đường mật, teo thực quản, dị tật không hậu môn, phình đại tràng bẩm sinh... thì ở Việt Nam tỷ lệ biến chứng còn cao và tỷ lệ bệnh nhân sống sau phẫu thuật còn thấp. Nhiều khi tôi đã rơi nước mắt vì bất lực.
Năm 1985, khi được cử sang Thụy Ðiển học nâng cao kiến thức, tôi thấy tỷ lệ bệnh nhi chết sau mổ ở đây rất thấp. Tôi xin phép nhà trường cho xuống nhà xác của một bệnh viện để nghiên cứu trên các thi thể. Cứ đến cuối tuần thay vì nghỉ ngơi, ra ngoài tìm hiểu cảnh sắc địa phương thì tôi lại chui vào nhà xác. Ròng rã như thế nhiều tháng trời, kết hợp với kiến thức trên lớp học và đọc tài liệu để tìm câu trả lời cho những trăn trở của bản thân.
- Thành công với lĩnh vực phẫu thuật nội soi nhi khoa, vì sao giai đoạn sau này Giáo sư lại chuyển hướng sang nghiên cứu chuyên sâu về tế bào gốc?
- Đây là một câu hỏi nhiều người đặt ra với tôi. Về phẫu thuật nội soi nhi khoa ở Việt Nam, như tôi nói ở trên, từ chỗ Việt Nam chúng ta là vùng trũng thì đã nhanh chóng phát triển, đạt được những thành tựu sánh ngang với các trung tâm y tế lớn trên thế giới.
Cách đây tròn một năm, đầu năm 2023 tôi trở lại Bệnh viện nhi Trung ương thực hiện ca mổ nhân ngày thầy thuốc Việt Nam và đánh dấu ca mổ ở tuổi 70. Ca mổ teo đường mật này cũng đánh dấu 30 năm kỹ thuật mổ KASAI được áp dụng ở nước ta.
Trước năm 1993, tất cả bệnh nhân teo đường mật ở Việt Nam đều chết vì không có phương pháp mổ hiệu quả. Năm 1993 sau khi học ở Pháp về, tôi đã áp dụng kỹ thuật này. Từ đó đến nay rất nhiều bệnh nhân được cứu sống. Kết quả phẫu thuật của Bệnh viện Nhi Trung ương tương đương và thậm chí tốt hơn so với các bệnh viện ở một số nước phát triển.
Ca mổ kể trên có lẽ là ca mổ teo đường mật cuối cùng trong cuộc đời làm phẫu thuật viên của tôi. Thực hiện ca mổ ở tuổi 70, tôi thấy đầu óc vẫn còn minh mẫn, mắt còn nhìn rõ, tay chưa run, nghĩa là mình vẫn còn có thể cầm dao mổ được. Nhưng từ nhiều năm trước, tôi đã chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ bác sĩ ngoại nhi Việt Nam, nhiều bạn là chuyên gia phẫu thuật trình độ thế giới. Các bạn trẻ có thể tiếp tục những gì tôi đã làm và phát triển hơn nữa. Trong khi đó, tôi lại thấy rằng vẫn còn nhiều bệnh nan y trong đó có các bệnh hiểm nghèo ở trẻ em chưa có phương pháp cứu chữa, không thể can thiệp được chỉ bằng phẫu thuật.
Một lần nữa trong cuộc đời mình, tôi lại rớt nước mắt vì chứng kiến những cháu bị bệnh hiểm nghèo mà ngành y chưa có biện pháp điều trị. Vì vậy, tôi quyết tâm nghiên cứu các phương pháp điều trị mới, trong đó có lĩnh vực tế bào gốc và liệu pháp gen.
- Như vậy ông là vị bác sĩ không muốn nghe câu nói "y học bó tay"?
- Tôi muốn khám phá ra những cách thức mới để cứu bệnh nhân. Khi còn công tác ở Bệnh viện nhi Trung ương, tôi đã nghiên cứu lĩnh vực tế bào gốc từ khá sớm, tiến hành ghép các tế bào đơn nhân từ tủy xương, nhưng hồi đó vì nhiều lý do tôi không thể đi sâu vào lĩnh vực này. Đến năm 2013 tôi về công tác tại Bệnh viện Vinmec thì có điều kiện hơn để tập trung nghiên cứu tế bào gốc và liệu pháp gen.
Đây là lĩnh vực mới nên khi bắt tay vào có muôn vàn khó khăn. Đầu tiên là về nhận thức, không chỉ cộng đồng mà các đồng nghiệp trong ngành cũng chưa hiểu nhiều; thậm chí có những định kiến cho rằng vì tôi không làm trong lĩnh vực y tế công nữa, nên nghiên cứu về tế bào gốc là vì lợi nhuận chứ không phải mục tiêu nhân đạo.
Thứ hai, cách đây 10 năm hành lang pháp lý về tế bào gốc ở Việt Nam và trên thế giới chưa hoàn thiện, tất cả đều sơ khai, không dễ dàng cho các nhà nghiên cứu đi sâu vào lĩnh vực nhạy cảm này.
Thứ ba là kinh phí nghiên cứu. Trung bình một nghiên cứu về tế bào gốc mà chúng tôi thực hiện cần ít nhất từ 15 đến 20 tỷ đồng. May mắn là chúng tôi được Ban lãnh đạo bệnh viện Vinmec ủng hộ, tài trợ kinh phí nghiên cứu. Điều này thể hiện tầm nhìn xa của Ban lãnh đạo vì các nghiên cứu không mang lại lợi ích kinh tế ngay; và qua đây cũng chứng minh sứ mệnh phụng sự cộng đồng và nhân đạo chứ không phải như các định kiến tôi nói ở trên.
- Đến nay nghiên cứu của Giáo sư về lĩnh vực tế bào gốc đã có những kết quả như thế nào?
- Kết quả lớn nhất là chúng tôi đã xác định rõ con đường sẽ tiếp tục đi, những ưu thế của việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh. Chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, đúc kết từ thực tiễn và đã có những thành công rất quan trọng, đã biết được trường hợp nào có thể điều trị bằng tế bào gốc, trường hợp nào không, biết được liều tế bào bao nhiêu là phù hợp, đường nào là tốt nhất để đưa tế bào vào cơ thể.
Về điều trị thực tế, đã có những trường hợp kỳ diệu. Cách đây hơn 5 năm có một bé mắc viêm não tự miễn, mặc dù được các đồng nghiệp Bệnh viện Nhi Trung ương tích cực cứu chữa nhưng bé bị di chứng thần kinh nặng nề, mất hết tri giác, vận động; liên tục có các cơn động kinh, phải ăn qua ống thông...
Cháu được châm cứu và tập phục hồi chức năng thêm 6 tháng nhưng vẫn không tiến bộ nên gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Vinmec để được điều trị bằng tế bào gốc. Cháu đã tiến bộ dần sau mỗi lần truyền tế bào gốc. Sau 3 lần truyền tế bào, tri giác, vận động và nhận thức của cháu đã dần trở lại. Bé đã có thể đi học lớp 1 và năm nay tiếp tục học lớp 2.
Đây có lẽ là trường hợp đầu tiên bị di chứng sống thực vật sau viêm não tự miễn được điều trị thành công bằng tế bào gốc.
- Theo giáo sư, trình độ của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc hiện nay như thế nào nếu so với mặt bằng thế giới?
- Về nghiên cứu cơ bản, cơ sở vật chất nói chung trên toàn quốc chúng ta còn hạn chế, nhưng về ứng dụng thì đi khá nhanh và có thể nói đang ở trình độ của những đơn vị tiên phong trên thế giới về lĩnh vực này.
Hiện chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu của các bệnh nhân ở nước ngoài, muốn đến Việt Nam điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc. Hỏi vì sao họ biết đến chúng tôi, câu trả lời là thông qua các nghiên cứu mà bệnh viện đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, rồi thông qua các hội thảo và từ bạn bè, người thân giới thiệu.
Chúng tôi chưa nhận người bệnh nước ngoài, nhưng cũng có trường hợp đặc biệt. Vừa qua có bệnh nhân nhi bị di chứng thần kinh sau viêm não, bố mẹ đều là bác sĩ và đã liên hệ rất nhiều lần với tôi. Vì tình đồng nghiệp nên tôi báo cáo Ban lãnh đạo và được đồng ý điều trị cho bệnh nhi này. Mới đây người mẹ báo cho tôi là cháu có những chuyển biến rất tích cực cả về vận động và ngôn ngữ, họ rất hài lòng, muốn nói lời cảm ơn Việt Nam chứ không chỉ riêng tôi hay bệnh viện.
- Những phương pháp y tế mới thường rất đắt, vậy người bệnh thu nhập thấp làm sao tiếp cận được?
- Đây là câu hỏi rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải nhìn vấn đề theo hướng phát triển. Với các nghiên cứu ban đầu, hiện nay chúng tôi có may mắn được Ban lãnh đạo bệnh viện tài trợ, các bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu không phải đóng phí. Khi hết giai đoạn nghiên cứu thì sao? Theo tôi về lâu dài khi ứng dụng thành công, chi phí của các phương pháp mới sẽ giảm dần.
Tôi nhớ vào năm 2002, khi chúng tôi bắt đầu dự án mổ tim hở cho trẻ em, nhiều người nói rằng tiền đâu mà mổ tim hở, vì mỗi ca mổ lên đến 50-60 triệu đồng là số tiền lớn lúc đó. Theo thời gian chi phí giảm xuống và bây giờ thì rất nhiều người có thể dễ dàng tiếp cận phương pháp này. Hay là vấn đề ghép thận, ghép gan cũng như vậy, ban đầu nhiều người cho rằng lấy tiền đó đi chữa hàng trăm cháu suy dinh dưỡng thay vì tập trung chữa một, hai cháu. Nếu ngày đó chúng ta không quyết tâm thực hiện thì chắc là không có thành tựu và không có chi phí ghép thận, ghép gan đã giảm xuống rất nhiều như hiện nay.
Đúng là với chi phí hiện nay, chỉ một số người tiếp cận được phương pháp điều trị bằng tế bào gốc, nhưng 5, 6 năm tới nhiều vấn đề liên quan sẽ thay đổi theo hướng tích cực.
- Cần làm gì để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam?
- Về hành lang pháp lý thì chúng ta đã bắt đầu hoàn thiện, bắt đầu có một số quy định rõ ràng hơn trước. Tuy nhiên Việt Nam vẫn cần cơ chế, chính sách tốt hơn. Cách đây 6 năm, khi tham dự hội nghị quốc tế về tế bào gốc ở Quảng Châu (Trung Quốc), tôi được các bạn cho biết là Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc có riêng một nghị quyết về phát triển công nghiệp tế bào gốc, lấy Quảng Châu - Hồng Kông - Ma Cao là một trục tam giác để phát triển. Theo tôi thì chúng ta cũng cần tầm nhìn và quyết tâm như vậy.
- Mặc dù đã có những thành công ban đầu, nhưng đây là lĩnh vực mới nên vẫn có nhiều nghi ngại, thậm chí có cả ý kiến phản đối. Giáo sư nói gì với những người phản đối?
- Tôi thấy chuyện phản đối cũng là bình thường, bởi vì cái mới không phải bao giờ cũng được chấp nhận ngay. Tôi lấy ví dụ bây giờ phẫu thuật dùng dao điện là rất phổ biến, nhưng thời trước nhiều người không muốn mổ dao điện vì cho rằng dao điện nóng, làm cho vết thương khó liền. Hay là phẫu thuật nội soi, lúc đầu cũng bị phản đối nhiều. Có bệnh nhân tôi chỉ định mổ thì hôm sau không thấy đâu nữa, hỏi mới biết điều dưỡng đã rỉ tai bệnh nhân là mổ nội soi nguy hiểm lắm, không nên, phải mổ phanh thôi.
Nhờ tiến bộ y học, những nhận thức như trên đến nay đã không còn tồn tại. Tôi tin chắc rằng cùng với thời gian, với những bằng chứng và kết quả cụ thể của lĩnh vực tế bào gốc thì sẽ thuyết phục được những người phản đối.
- Tôi thấy Giáo sư làm việc với một nguồn năng lượng rất dồi dào ở tuổi ngoài 70, mùng 2 Tết Nguyên đán ông đã có bài giảng online tại một hội thảo về tế bào gốc ở Ấn Độ. Ông có áp dụng tế bào gốc cho chính bản thân mình?
- (Cười) Có một đoàn chuyên gia quốc tế đến làm việc cũng hỏi tôi như vậy, họ nói ông vẫn rất nhanh nhẹn và tóc còn đen nhánh, vậy bí quyết là gì? Tôi nói "đúng rồi, tôi có truyền tế bào gốc và kết hợp với thuốc nhuộm tóc nữa". Tất nhiên ngoài tế bào gốc ra, tôi cũng cố gắng dành thời gian để luyện tập ở nhà.
Hiện nay thời gian rảnh rỗi ở nhà tôi còn có một nhiệm vụ là dạy tiếng Việt cho cháu gái, bởi vì bố cháu thì bận còn mẹ cháu là người nước ngoài. Thời gian gần đây để luyện trí nhớ và luyện tay của mình, tôi cũng thu xếp học piano. Trước đây tôi từng học nhưng bỏ dở vì bận quá, bây giờ học trở lại.
Thấy tôi mấy chục năm nay lúc nào cũng lăn vào công việc, con gái tôi tìm được một từ tiếng Anh để đặt biệt danh cho tôi là "workaholic", tức là "người nghiện việc". Tôi thấy có lẽ cũng đúng như thế thật, nếu mình không làm việc thì thấy buồn lắm, thừa thãi chân tay. Bây giờ nhờ trời vẫn cho tôi sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần, cho nên vẫn còn có khả năng cống hiến
- Một người nghiện công việc như ông chắc hẳn không phải để tìm kiếm thêm những danh hiệu sau một sự nghiệp rất thành công?
- Tôi vẫn nói vui với anh em rằng bộ tổng sắp huy chương của tôi quá nhiều rồi, cả trong nước và quốc tế. Thành ra tôi vẫn làm việc không phải là vì danh hiệu hay thu nhập, mà đó là đam mê muốn được cống hiến cho cộng đồng.
Từ khi là một cậu bé nằm trên cánh đồng để tránh bom đạn chiến tranh cho đến nay đã ngoài 70 tuổi, tôi đã nhận từ xã hội, từ cộng đồng quá nhiều nên chưa được phép nghỉ ngơi, nhất là khi mà vẫn có những người bệnh ngoài kia đang chờ chúng tôi cứu chữa.
- Được biết gia đình Giáo sư đều theo nghề thầy thuốc, trong đó con gái của ông cũng là một chuyên gia về tế bào gốc. Ông có "tác động"đến chuyên môn nghiên cứu của con mình?
- Nói là truyền thống gia đình hoặc ảnh hưởng của chúng tôi (vợ tôi cũng là một bác sĩ) đối với các cháu thì đều đúng. Con trai đầu của tôi hiện là bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Lúc đầu cháu học về sinh học và cũng chưa quyết định làm bác sĩ đâu, nhưng cứ mỗi lần nghỉ hè cháu đều theo tôi vào bệnh viện, chứng kiến bố và các cô chú làm việc, dần rồi cháu thích theo nghề y.
Cháu gái thứ hai cũng vậy, vì tôi nghiên cứu về tế bào gốc cũng lâu rồi nên về nhà hai vợ chồng tôi hay nói chuyện về chủ đề này, những hình ảnh về tiến bộ của bệnh nhân được đem ra trao đổi, và cháu ngồi cạnh đó rất thích lắng nghe, xem những hình ảnh như vậy. Tôi rất vui vì hiện nay hai bố con đã có những trao đổi chuyên môn về lĩnh vực tế bào gốc. Luận án tiến sĩ của cháu nghiêng về công nghệ gen hơn là tế bào gốc, có những vấn đề chuyên môn sâu nằm trong nội dung luận án thì quả thực là tôi phải… hỏi cháu. Con gái tôi cũng rất nguyên tắc, cháu nói rằng phải công bố, đăng tạp chí khoa học đã rồi mới tiết lộ với bố được (cười).
- Chắc chắn là Giáo sư sẽ có một năm 2024 rất bận rộn. Đâu là những kế hoạch, dự định chính của Giáo sư trong năm nay?
- Đầu năm nay, sau gần một năm qua nhiều vòng bình duyệt và nhiều chuyên gia tham gia phản biện, bài báo của Nhóm nghiên cứu Vinmec đã được chấp nhận đăng trên tạp chí Heylion. Bài báo này trình bày phương pháp và kết quả điều trị di chứng thần kinh (liệt 2 chân, rối loạn đại tiểu tiện) của một sản phụ sau khi bị máu tụ trong khoang tủy sống có liên quan đến gây tê tủy sống khi sinh. Nhờ liệu pháp điều trị bằng tế bào, bệnh nhân đã có thể đi lại được và kiểm soát được đại tiểu tiện. Có lẽ đây là bệnh nhân đầu tiên bị tình trạng này được điều trị có kết quả khả quan bằng liệu pháp tế bào.
Quyển sách về tế bào gốc với sự tham gia của nhiều giáo sư, nhiều chuyên gia ở các nước khác nhau, do tôi chủ biên, cũng vừa hoàn thành bản thảo. Hy vọng là nhà xuất bản quốc tế uy tín sẽ sớm xuất bản cuốn sách này.
Trong năm nay tôi cũng sẽ nỗ lực hoàn thành dự án dùng tế bào T biến đổi gen để điều trị ung thư máu; rồi kết thúc được giai đoạn 2 của liệu pháp tế bào kết hợp với giáo dục can thiệp cho trẻ tự kỷ, sớm đưa ra ứng dụng.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này.