Những lần hình ảnh nữ sĩ Hồ Xuân Hương bị phác họa phản cảm, dung tục

06/11/2022 23:11

Do thơ ca và tính cách táo bạo vượt thời, nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhiều lần bị nhìn nhận với những định kiến, thị phi.

Hình ảnh nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhiều lần bị phác họa phản cảm

Trước triển lãm gây sốc về hình ảnh nữ sĩ Hồ Xuân Hương hồi tháng 7.2022 phải đóng cửa và trở thành vụ ồn ào lớn nhất trong năm của tranh Việt, nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhiều lần bị phác họa với hình ảnh dung tục, phản cảm.

Tháng 11.2018, ê-kíp thiết kế trò chơi (game) Sử Hộ Vương bị chỉ trích dữ dội khi phác họa hình ảnh Hồ Xuân Hương với quần áo thiếu vải, “ngực khủng”, đậm tính khiêu dâm. Sử Hộ Vương lần đầu được công bố với giới truyền thông dưới dạng một board game sưu tập thẻ bài (Collectible Card Game), lối chơi theo hình thức ''gacha'' (quay thưởng nhân vật).

Đối tượng khách hàng chủ yếu của game Sử Hộ Vương là giới trẻ. Chính vì thế, ê-kíp thực hiện game này đã miêu tả nữ sĩ Hồ Xuân Hương theo phong cách vẽ Anime/Manga. Ngay khi ra mắt, ê-kíp game này đã hứng chịu chỉ trích dữ dội từ cộng đồng khi vẽ Hồ Xuân Hương ăn mặc hở hang, vòng 1 nóng bỏng, sexy.

Số đông đều phản ứng khi nữ sĩ nổi tiếng của văn học dân tộc bị phác họa với nét vẽ Manga phản cảm, dung tục. Ngay sau đó, ê-kíp game đã phải lên tiếng xin lỗi.

Tháng 7.2022, triển lãm về nữ sĩ Hồ Xuân Hương của 2 tác giả là đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan và họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng tiếp tục gây sốc khi tái hiện hình ảnh nữ sĩ Hồ Xuân Hương sexy, phản cảm trên tranh.

Triển lãm tranh phải đóng cửa sớm vì bị dư luận và giới chuyên môn phản ứng. Ảnh: LĐO
Triển lãm tranh phải đóng cửa sớm vì bị dư luận và giới chuyên môn phản ứng. Ảnh: LĐO

Triển lãm bị phản ứng ngay khi mở cửa ra mắt. Giới họa sĩ trong nghề cho rằng, 2 tác giả “nhìn Hồ Xuân Hương bằng con mắt dâm tục, biến bà thành kỹ nữ”. Nhiều bức bị so sánh với tranh khiêu dâm.

Ngay sau đó, nhiều bức tranh bị yêu cầu gỡ bỏ, hai họa sĩ đóng cửa triển lãm sớm hơn 6 ngày.

Tư duy vượt thời, Hồ Xuân Hương phải chịu nhiều thị phi

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh thời giữa bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Thời điểm đó, chế độ phong kiến đang bước vào giai đoạn suy tàn, triều đình, quan lại bóc lột dân lành, kinh tế đất nước suy thoái, nhân dân lầm than. Chế độ phong kiến “trọng nam khinh nữ” với những lễ giáo hà khắc còn bóp nghẹt mọi quyền sống, khát khao, ham muốn của phụ nữ.

Giữa bối cảnh ấy, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã xuất hiện với những bài thơ “không giống ai”. Thơ ca của một nữ sĩ thời phong kiến cho đến tận bây giờ vẫn khiến hậu thế chưa thôi kinh ngạc.

Danh họa Bùi Xuân Phái minh họa cho 2 bài thơ “Tự tình” và “Giếng nước” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: TL
Danh họa Bùi Xuân Phái minh họa cho 2 bài thơ “Tự tình” và “Giếng nước” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: TL

Rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu, các nhà phê bình văn học vẫn tìm cách lý giải tại sao trong bối cảnh xã hội phụ nữ bị kìm kẹp đến ngạt thở như thế, Hồ Xuân Hương – một phụ nữ - lại có thể sáng tác thi ca táo bạo, thậm chí bị coi là dâm tục, đề cao dục tính như thế?

Thơ ca của Hồ Xuân Hương ngập tràn những hình ảnh ẩn dụ, lớp lang, gợi mở nhiều ngữ nghĩa, dễ khiến người đọc liên tưởng đến bản năng dục tính của con người.

Danh họa Bùi Xuân Phái, họa sĩ Lê Lam cũng từng vẽ nhiều bức minh họa cho thơ ca của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, được khen “thấu hiểu” thơ ca bà.

Năm 2022 kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822). 200 năm đã trôi qua kể từ ngày nữ sĩ “làm mưa làm gió” văn đàn và thi ca Việt Nam, với tiếng thơ táo bạo vượt thời, Hồ Xuân Hương vẫn là niềm cảm hứng vô tận cho nhiều lĩnh vực nghệ thuật, và ở góc độ nào đó, bà vẫn phải chịu nhiều điều tiếng, thị phi, và cả những góc nhìn dung tục cho thơ ca táo bạo của mình.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-lan-hinh-anh-nu-si-ho-xuan-huong-bi-phac-hoa-phan-cam-dung-tuc-1113403.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-lan-hinh-anh-nu-si-ho-xuan-huong-bi-phac-hoa-phan-cam-dung-tuc-1113403.ldo
Bài liên quan
  • Hồ Xuân Hương “Bà Chúa thơ Nôm”
    Gọi nữ sĩ Hồ Xuân Hương là “Bà Chúa thơ Nôm”, có lẽ cả tác giả Lê Tâm và nhà thơ Xuân Diệu đều nhằm vào cả khí chất con người lẫn phong cách sáng tác của bà.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những lần hình ảnh nữ sĩ Hồ Xuân Hương bị phác họa phản cảm, dung tục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO