55 năm kể từ ngày liệt sĩ Trần Minh Tiến hy sinh, mọi kỷ vật thư, ảnh…của ông được người yêu cũ - bà Vũ Lưu Liên giữ gìn cẩn thận. Câu chuyện minh chứng rằng, chuyện tình của bà Liên và liệt sĩ Tiến đã thực sự vượt qua chiến tranh và chiến thắng cả cái chết.
Suốt 55 năm qua, những kỷ vật của người yêu - liệt sĩ Trần Minh Tiến như chiếc áo bộ đội, nhẫn đính ước, cùng hàng trăm lá thư cùng cuốn nhật ký được bà Liên gìn giữ cẩn thận như "báu vật".
Người phụ nữ đó là bà Vũ Thị Lui (thường gọi Vũ Lưu Liên), sinh năm 1946, trú ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội. Còn liệt sĩ Trần Minh Tiến, sinh năm 1945, ở thôn Cầu Đơ, xã Hà Cầu, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Sau 55 năm, hiện bà Liên đang sống cùng chồng tại nhà riêng ở phường Hà Cầu.
Có thể nói, trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc,… đã có hàng triệu chàng trai ưu tú ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Nhưng ít người may mắn được bạn gái, người yêu trân trọng giữ gìn di vật như trường hợp của liệt sĩ Trần Minh Tiến.
Hiện bà Liên đang lưu giữ 109 lá thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến viết gửi cho bà trong thời gian từ năm 1965 đến 1968. Trong đó, thống kê năm 1965: 12 lá; năm 1966: 27 lá; năm 1967: 51 lá và năm 1968: 19 lá.
Ngoài ra, còn có thêm 5 lá thư của bà Vũ Lưu Liên viết và gửi cho liệt sĩ Trần Minh Tiến.
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, bà Liên nhớ lại, hơn nửa thế kỷ trước, sau ngày liệt sĩ Trần Minh Tiến hy sinh tại mặt trận Khe Sanh - Quảng Trị (31/5/1968), nhận được tin buồn và giấy báo tử người yêu, bà Liên khủng hoảng tinh thần như phát điên. Ông Nguyễn Doãn Hùng (SN 1944) đã đến với bà Liên, vì đồng cảm với mối tình yêu chân thành, muốn bù đắp cho bà, nhưng bà từ chối.
Bà kể, một đêm nọ, anh Tiến về báo mộng, khuyên bà hãy lấy anh Hùng làm chồng, thì anh Tiến mới yên tâm ra đi. Bà Liên miễn cưỡng đồng ý.
"Trước khi cưới ông Hùng, tôi có nói rõ như này: Trước hết là giờ tôi chưa yêu anh, nhưng tôi hứa nếu cưới nhau tôi sẽ làm người vợ tốt, người mẹ tốt, còn tình yêu thì để thời gian trả lời và phải đồng ý cho tôi tiếp tục gìn giữ kỷ vật của liệt sĩ Trần Minh Tiến. Ông Hùng đồng ý điều kiện đó của tôi và chúng tôi làm lễ cưới vào cuối năm 1969. Ông Hùng nói rằng, rất hiểu tình cảm người lính, nên ông chia sẻ, tôn trọng và rất yêu tôi cho đến tận ngày hôm nay", bà Liên kể.
Bà chia sẻ thêm, mỗi lần nhận được thư của người yêu, liệt sĩ Trần Minh Tiến đều rất vui và anh bảo, ở đơn vị mỗi lần ngồi võng đọc xong thư của người yêu, bước ra khỏi võng làm việc gì cũng xong. Điều đó minh chứng qua lá thư liệt sĩ Trần Minh Tiến viết gửi bà Liên mà chúng tôi lược ghi dưới đây:
Lá thư của người lính viết bao giờ cũng không hết ý. Anh nhận được 2 lá thư của em. Mừng vui khôn xiết, tuy chúng mình cách xa nhau nhưng mọi hành động ý nghĩ vui buồn chúng mình đều có nhau. Đúng vậy! Những giờ phút nghỉ là chúng mình dành cho nhau…
Sinh nhật tới anh tròn 21 tuổi và bước sang tuổi 22, bọn anh đã chuẩn bị rồi, không biết hoàn cảnh có cho phép không? Anh đang thực hiện ý định của em là bỏ thuốc, khó khăn nhưng anh sẽ làm. Em trách anh nhiều thì lần này trừ đi nhé. Anh mong những cái đó mở cho ta một lối đi rộng rãi hơn, thắt chặt hơn chúng mình vào cuộc đấu tranh sinh tử. Tình yêu của chúng mình phải trong sạch, nghiêm túc, nhưng không thiếu tính lãng mạn của tuổi trẻ. Thời chiến! Người lính chờ đợi hy vọng và chiến đấu.
(Ngày 9/9/1966)
Trong trận lụt khủng khiếp tại miền Bắc đầu thập kỷ 70, gia đình bà Liên phải sơ tán đồ đạc về Quốc Oai - Hà Tây. Khi lo chạy lụt, ông Nguyễn Doãn Hùng đã bỏ lại tư trang quần áo của mình và nhiều tài sản đắt tiền khác trôi theo dòng nước, mà chỉ lo thu vén, mang bằng được cái vali đựng kỷ vật thư, nhật ký, ảnh,… của liệt sĩ Trần Minh Tiến về cho bà Liên. Ông Hùng lo, nếu làm thất lạc chiếc vali vợ mình sẽ buồn.
Bà Liên nhớ chính xác là đầu tháng 8/1971, chồng bà đã rất vất vả vượt qua ngập lụt mang chiếc vali đó đến cho bà. Thấy thế, bà ngạc nhiên hỏi: "Sao anh không mang đài, quạt là tài sản đắt tiền hơn và cả quần áo của anh nữa? Thì anh Hùng bảo ngay: Những thứ đó trôi mất thì còn mua được, còn vali kỷ vật này mà lỡ mất, thì em giận anh cả đời". Thế là bà ôm ông Hùng và bật khóc. Họ đã thực sự trở thành vợ chồng thương yêu nhau từ ngày đó.
Câu chuyện trên minh chứng rằng, chuyện tình của bà Vũ Lưu Liên và liệt sĩ Trần Minh Tiến đã thực sự vượt qua chiến tranh và chiến thắng cả cái chết.
Bà Liên cho biết, hơn 50 năm trôi qua, song những ký ức một thời chiến tranh lúc nào cũng hiện nguyên trong tâm trí bà và chưa lúc nào phai nhạt. Bà nhớ lại, hồi nhỏ, bà học ở thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội), khi lên lớp 6 được gia đình cho chuyển về quê để học. Từ đó bà Liên và liệt sĩ Trần Minh Tiến học cùng nhau rồi trở nên thân thiết.
"Hồi còn trẻ, anh Tiến là một người hát hay, tính tình vui vẻ, ăn nói có duyên, nên được rất nhiều bạn gái yêu thích. Nhưng khi ấy tình cảm của chúng tôi vẫn chỉ dừng lại ở mức độ bạn bè. Mãi đến khi đi bộ đội, anh ấy mới ngỏ lời yêu", bà Liên mở đầu câu chuyện về mối tình với liệt sĩ Trần Minh Tiến và cho biết, năm 1963, liệt sĩ Tiến nhập ngũ tại Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 đóng quân tại Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều đáng nói là suốt gần 5 năm trời, từ lúc nhận lời yêu, đến khi liệt sĩ Trần Minh Tiến hy sinh bà và người yêu gặp nhau không quá 20 lần. Bà bảo, tình cảm của bà và liệt sĩ Trần Minh Tiến được vun đắp, lớn lên dần lên qua những cánh thư.
"Những lần lên thăm đơn vị anh ấy, tôi phải đạp xe từ Hà Đông lên Tam Đảo, có khi 1h sáng mới về đến nhà. Tuy xa và vất vả nhưng được gặp mặt người yêu là mừng lắm rồi. Đến 21/1/1968, tôi lên đơn vị thăm anh ấy và chúng tôi quyết định ngày cưới. Anh Tiến nói với tôi chờ hết tháng 3/1968, nếu không có gì thay đổi sẽ về quê tổ chức lễ cưới", bà Liên buồn bã nói.
Vậy là sau lần đó, bà ở nhà chuẩn bị những thứ cần thiết để định ngày tổ chức lễ cưới. Thời điểm này, bà đang làm nhân viên hành chính tại nhà máy ươm tơ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Khi hay tin chuẩn bị cưới bạn bè đến chúc mừng, nhưng đám cưới đã không diễn ra.
Bà kể, cuối tháng 3/1968, đơn vị của anh Tiến trên đường đi B, khi tập kết tại thị xã Sơn Tây, biết cơ quan của bà đang sơ tán ở Sơn Đồng, huyện Hoài Đức nên anh đã đi bộ gần 20 cây số để tới thăm. "9h sáng anh đến cơ quan để được gặp tôi, nhưng tôi không tiếp. Đến 2 - 3 tiếng sau, bác bảo vệ cơ quan lên phòng làm việc và mắng: "Anh Tiến đang trên đường đi B chiến đấu, tranh thủ về thăm em đấy", bà Liên nghẹn ngào nhớ lại và lý giải việc không gặp mặt là vì trước đó, liệt sĩ Tiến không gửi thư cho bà trước khi đi B.
"Lúc đó tôi cũng chưa hiểu hết được sự khốc liệt của chiến trường B là như thế nào. Lần ấy anh Tiến đã giải thích về lý do trước khi đi B không gửi thư cho tôi và lỡ hẹn ngày cưới chỉ vì không muốn trao gánh nặng lên đôi vai tôi, vì anh là con trai cả trong gia đình, bố mẹ lại già yếu, trong khi đó từ nhỏ đến lớn tôi sống trong nhung lụa thì làm sao gánh được. Anh còn bảo tôi, nếu anh mất thì chỉ một mình chịu đựng, không muốn tôi phải khổ", bà Liên sụt sùi kể.
Trước khi chia tay để cùng đơn vị vào chiến trường B, liệt sĩ Trần Minh Tiến đã tặng người yêu một chiếc áo bộ đội và chiếc nhẫn có hình hai trái tim lồng vào nhau thay cho vật đính ước, được làm từ xác máy bay Mỹ rơi ở Vĩnh Phú, cùng những lá thư và cuốn nhật ký được viết vào thời gian trước khi đi B.
"Tôi cũng tặng anh ấy chiếc khăn tay có hình bông hồng màu tím và tên của mình. Nhận khăn, anh ấy nói rằng, nếu tôi nhận được chiếc khăn tay do người khác trao lại, nghĩa là anh ấy đã hy sinh, tôi ở nhà hãy đi lấy chồng. Còn cuốn nhật ký và những tấm ảnh thì giữ lại để sau làm ảnh thờ", bà Liên nhớ lại.
Sau gần một năm, ngày 19/1/1969, khi hay tin người yêu đã hy sinh, bà Liên trở nên tuyệt vọng. Đã có lúc bà định đem cuốn nhật ký và những kỷ vật khác ra đốt, thế nhưng có điều gì đó mách bảo khiến bà không làm việc dại dột này. Hơn 50 năm qua, những kỷ vật ấy vẫn được bà nâng niu, gìn giữ.
Bà Liên kể, trước khi hy sinh, anh Tiến còn gửi lại đồng đội một chiếc ba lô, trong đó có quyển nhật ký được anh viết tại chiến trường, một giấy sinh hoạt Đảng và vài lá thư để nhờ trao lại cho bà. Rất tiếc, đến nay chiếc ba lô vẫn bị thất lạc.
"Khi biết tin anh Tiến hy sinh, tôi vẫn phải nén đau buồn để sang nhà anh đọc lại những lá thư mà anh gửi về trước đó cho bố mẹ anh nghe, cho đến khi giấy báo tử của anh Tiến về tới gia đình, lúc đó tôi không thể giấu được nữa", bà Liên xúc động nhớ lại.
Lá thư cuối cùng của liệt sĩ Tiến gửi cho bà Liên có đoạn:
Lưu Liên yêu quý của anh!
Đêm nay anh ra trận, anh định sau trận này viết thư về báo công cho em luôn thể.
Nhưng anh linh cảm mách bảo rằng: đêm nay anh sẽ không trở về và cả cuộc đời anh sớm hiến dâng cho Tổ quốc. Anh không ân hận điều gì, sống và hành động theo lý tưởng của Đảng và Tổ quốc giao cho.
Anh chỉ ân hận nếu lá thư này không đến tay em, để em phải chờ đợi anh thì lỡ tuổi thanh xuân, thì tội anh lớn lắm.
…
Trước khi ra trận anh gửi lại đơn vị một số thứ, em hãy giữ một ba lô trong đó có:
- Một giấy sinh hoạt Đảng
- Một quyển nhật ký
- Mấy lá thư của em hẹn anh về
- Mấy cái ảnh của anh và em
- Chiếc khăn thêu bông hồng tím thủy chung
Anh giao tận tay cho anh Lương Ngọc Trú. Anh nói với anh Trú: "Tất cả tiền tuyến và hậu phương ở trong đó, nếu tôi không trở về thì bằng mọi cách anh phải thông báo cho Lưu Liên biết, anh cứ trao chiếc khăn này là Lưu Liên hiểu phải làm gì…".
Theo bà Liên, lá thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến đề ngày 31/5/1968, nhưng thực ra lá thư được viết vào ngày 27/5/1968. Liệt sĩ Tiến đoán được hy sinh ngày 31/5/1968, có dẫn chứng đó là quyển nhật ký ghi sự việc bằng quyển lịch của liệt sĩ tặng bà ngày 21/1/1968. Sau khi liệt sĩ Tiến hy sinh, quân Mỹ đã thu lại và đến ngày 1/6/2021 bà đã nhận lại do bạn Lâm Hồng Tiên (Facebook Kỷ Vật Kháng Chiến) trao lại.
Khi con cái khôn lớn, từ năm 2000, bà Liên bắt đầu tìm mộ của liệt sỹ Trần Minh Tiến ở Quảng Trị. Đến năm 2008, sau hàng chục chuyến đi, bà Liên đã tìm thấy nơi liệt sĩ ngã xuống và đưa hài cốt của liệt sĩ Trần Minh Tiến về an táng tại nghĩa trang Đường 9 tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Đến nay, hàng năm gia đình bà đều vào nghĩa trang Đường 9 tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị để thắp hương cho liệt sĩ Trần Minh Tiến.
Sau hơn 50 năm, cô gái Lưu Liên ngày nào giờ đã lên chức bà, sống hạnh phúc bên người chồng cũng là sĩ quan quân đội - ông Nguyễn Doãn Hùng. Bà cho hay, ông Hùng là người rất hiểu, chia sẻ và trân trọng câu chuyện thời thanh xuân của mình cũng như những kỷ vật của người yêu - liệt sĩ Trần Minh Tiến mà bà đang gìn giữ. Chính điều này khiến bà cảm thấy rất hạnh phúc và trân trọng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá, Cựu chiến binh, Nhà văn Đặng Vương Hưng đánh giá, việc bà Lưu Liên còn lưu giữ những kỷ vật của liệt sĩ Trần Minh Tiến là trường hợp điển hình ở Việt Nam. Những kỷ vật này không chỉ có ý nghĩa đối với bà Lưu Liên và gia đình liệt sĩ, mà còn có ý nghĩa cho xã hội, cho thế hệ trẻ ngày nay.
Thông qua những lá thư tình bà Lưu Liên lưu giữ ông Hưng cho biên soạn thành cuốn sách "Những lá thư tình đi qua chiến tranh". Theo ông Hưng, qua những lá thư này thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn về tình yêu người lính trong khói lửa chiến tranh. Đó là thứ tình yêu đẹp, cao cả, vượt qua cả chiến tranh, chiến thắng cả cái chết.
Đồng thời, thông qua những bức thư này, người đọc hôm nay sẽ mường tượng được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh, càng biết ơn thế hệ cha ông ta đã chiến đấu, hy sinh quên mình để bảo vệ Tổ quốc.
Nội dung: Nguyễn Dương
Ảnh: Mạnh Quân
Thiết kế: Đỗ Diệp
24/04/2023