Những khí tài hiếm gặp của Nga bị Ukraine thu giữ tại Kherson

18/11/2022 21:00

Sau khi rút khỏi thành phố chiến lược Kherson, quân đội Nga đã bỏ lại nhiều khí tài hạng nặng và một số lượng lớn khí tài này bị quân đội Ukraine thu giữ.

Trang Defense Express, dựa trên những hình ảnh thu được trên chiến trường, đưa tin quân đội Ukraine đã thu giữ được nhiều phương tiện chiến đấu và khí tài hiếm gặp của Nga tại Kherson. Do kích thước lớn, các khí tài này đã không được quân đội Nga di tản sang tả ngạn sông Dnieper sau khi rút lui khỏi thành phố Kherson.

Xe bọc thép chở quân với giáp bảo vệ đặc biệt

Tại Kherson, quân đội Ukraine đã phát hiện và thu giữ một xe bọc thép chở quân BMP-2 được trang bị lớp giáp bảo vệ 675-sb3KDZ bị Nga bỏ lại.

Những khí tài hiếm gặp của Nga bị Ukraine thu giữ tại Kherson - 1
Xe bọc thép chở quân BMP-2 được trang bị lớp giáp bảo vệ 675-sb3KDZ của Nga tại Kherson (Ảnh: Defense Express).

Lớp giáp bảo vệ 675-sb3KDZ là một lồng kim loại được lắp đặt thêm các tấm polyme giúp bảo vệ tháp pháo khỏi hỏa lực của súng máy cỡ lớn cũng như một số loại đạn chống tăng. Cùng với lưới tản nhiệt, lớp giáp này có thể làm giảm hiệu quả của súng phóng lựu chống tăng ở một mức độ nhất định. Ngoài ra, lớp bảo vệ này còn được thiết kế để có thể giúp xe bọc thép Nga tăng khả năng nổi khi lội nước.

Đây là một lớp giáp bảo vệ bổ sung mới và cực kỳ hiếm của quân đội Nga. Theo thống kê, tính đến năm 2021, quân đội Nga mới chỉ mua một số lượng nhỏ khoảng 100 thiết bị bảo vệ 675-sb3KDZ để trang bị cho các xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của nước này. Thêm vào đó, việc lắp đặt các bộ giáp bảo vệ bổ sung trên chỉ mới được công bố vào ngày 2/6.

Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine nổ ra, đây mới chỉ là lần thứ 2 quân đội Ukraine thu giữ được các xe bọc thép với lớp bảo vệ mới này của Nga.

Xe chỉ huy hỏa lực 1V119 Rheostat

Những khí tài hiếm gặp của Nga bị Ukraine thu giữ tại Kherson - 2
Xe chỉ huy hỏa lực 1V119 Rheostat của Nga bị thu giữ tại Kherson (Ảnh: Defense Express).

1V119 Rheostat là phương tiện chỉ huy hỏa lực được chế tạo riêng để tiến hành trinh sát và dẫn bắn cho các pháo tự hành trong biên chế quân đội Nga, đặc biệt là pháo tự hành 2S9 Nona. Được thiết kế và sản xuất bởi các kỹ sư Liên Xô, các tổ hợp 1V119 Rheostat được trang bị điện thoại chiến trường TA-57, thiết bị kiểm soát hỏa lực PUO-9, thiết bị xác định xe tăng của đối phương TNA-4 cùng các thiết bị chuyên dụng khác.

Đây là một phương tiện rất hiếm gặp khi chỉ có 60 xe loại này từng được thiết kế và sản xuất bởi các kỹ sư dưới thời Liên Xô. Theo một số nguồn tin, vào năm 2021, số xe 1V119 Rheostat còn hoạt động thuộc biên chế của Sư đoàn dù số 7 và số 76 của quân đội Nga.

Tại Kherson, quân đội Ukraine đã thu giữ được một xe chỉ huy hỏa lực 1V119 Rheostat gần như nguyên vẹn từ quân đội Nga. Nhà chức trách Ukraine tuyên bố đây là lần thứ 10 loại khí tài hiếm gặp này bị Nga bỏ lại sau các trận giao tranh với các lực lượng thân Kiev.

Radar dẫn bắn cho hệ thống tên lửa phòng không S-400

Những khí tài hiếm gặp của Nga bị Ukraine thu giữ tại Kherson - 3
Tổ hợp radar 48Ya6-K1 "Podlet-K1" bên trong sân bay quốc tế Kherson (Ảnh: Defense Express).

Quân đội Ukraine hôm 14/11 tuyên bố đã phát hiện và thu giữ được một tổ hợp radar 48Ya6-K1 "Podlet-K1" được sử dụng cho các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga tại Kherson. Loại khí tài này đã bị quân đội Nga bỏ lại sau khi rút khỏi Kherson và được tìm thấy bên trong khu vực sân bay quốc tế Kherson ở Chornobaivka.

Những hình ảnh thu được cho thấy radar Podlet-K1 đã bị hư hỏng nghiêm trọng khi được tìm thấy. Tuy nhiên, nhà chức trách quân đội Ukraine khẳng định những bộ phận thu được vẫn sẽ giúp Kiev giải mã "mắt thần" này của Nga.

Radar 48Ya6-K1 "Podlet-K1" là một radar hiện đại của quân đội Nga, được thiết kế để truy tìm các mục tiêu cỡ nhỏ và chỉ thị mục tiêu cho các tên lửa của tổ hợp phòng không S-300 và S-400. Nhà sản xuất tiết lộ radar này có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách lên tới 300km ở độ cao 10km.

Được đặt trên khung gầm của xe quân sự bánh xích Kamaz, radar Podlet-K1 được đánh giá là đặc biệt hiệu quả trong việc phát hiện tên lửa hành trình và các phương tiện bay không người lái của đối phương. Tổ hợp radar này bao gồm một đài chỉ huy, cột ăng ten và một máy phát điện di động.

Các xe tăng T-62 thế hệ cũ

Những khí tài hiếm gặp của Nga bị Ukraine thu giữ tại Kherson - 4
Binh sĩ Ukraine bên cạnh xe tăng T-62M bị quân đội Nga bỏ lại tại Kherson (Ảnh: Defense Express).

Tại Kherson, nhiều xe tăng T-62M và T-62MV của quân đội Nga cũng đã bị thu giữ bởi lực lượng Ukraine. Đây là các xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ cũ được sản xuất từ những năm 1967. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định các xe tăng của Nga bị quân đội Ukraine thu giữ tại Kherson đã trải qua một quá trình đại tu và hiện đại hóa sâu trong những năm 80 của thế kỷ trước.

T-62 là thế hệ kế tiếp của xe tăng T-54/55 do Liên Xô nghiên cứu chế tạo và được sản xuất từ năm 1961 đến 1975. Là loại xe tăng đầu tiên trên thế giới mang pháo nòng trơn để bắn đạn xuyên giáp hiện đại APFSDS, T-62 có sức mạnh hỏa lực vượt trội so với những loại xe tăng ra đời trước đó. Tuy nhiên, vào khoảng thập niên 1980, T-62 dần trở nên lạc hậu và Liên Xô đã thay thế nó bằng các loại tăng T-64, T-72, T-80 tiên tiến hơn. Ở thời điểm hiện tại, vẫn có hàng nghìn chiếc T-62 tiếp tục phục vụ trong quân đội nhiều nước khác nhau trên thế giới.

Một đoạn video hồi tháng 5 cho thấy quân đội Nga đã đưa nhiều xe tăng T-62 trong kho niêm cất đến chi viện cho lực lượng phòng thủ tại miền Nam Ukraine. Các xe tăng T-62M và T-62MV tại Kherson được trang bị thêm giáp phản ứng nổ và được sử dụng chủ yếu để đối phó với bộ binh, công sự và xe bọc thép hạng nhẹ của đối phương.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-gioi/nhung-khi-tai-hiem-gap-cua-nga-bi-ukraine-thu-giu-tai-kherson-20221118103020846.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/the-gioi/nhung-khi-tai-hiem-gap-cua-nga-bi-ukraine-thu-giu-tai-kherson-20221118103020846.htm
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Những khí tài hiếm gặp của Nga bị Ukraine thu giữ tại Kherson
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO