Sáng 24/9, Hội đua bò chùa Rô lần thứ IX, mừng Sene Dolta năm 2023 đã diễn ra tại xã An Cư, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Sau những màn đua gay cấn, quyết liệt của 26 đôi bò, đôi bò số 19 của anh Nguyễn Thanh Tùng (xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên) đã xuất sắc đoạt giải nhất, với số tiền thưởng 10 triệu đồng (Ảnh: Nam Anh).
Trước đó, từ sáng sớm nhiều người đã đưa những đôi bò đến chùa Rô để chuẩn bị cho phần tranh tài. Anh Lê Văn Mới (47 tuổi, ấp Phú Tâm, xã An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đưa cặp bò của gia đình đến tham dự cuộc đua từ lúc 5 giờ sáng.
"Hàng năm cứ đến dịp này tôi và nhiều anh em có bò đua rất phấn khởi, tất cả tham gia không quan trọng số tiền thưởng, cái chính là niềm vui, giải trí sau những ngày lao động vất vả", anh Mới nói (Ảnh: Hữu Khoa).
Trước giờ tranh tài, 26 đôi bò đi dạo làm quen sân đua. Hội đua bò diễn ra vào lúc nông nhàn, gắn với ngôi chùa và truyền thống Phật giáo Nam Tông, đặc biệt gắn với lễ Sen Dolta (cúng ông bà), là một hình thức sinh hoạt văn hóa nông nghiệp truyền thống, mang tính cố kết cộng đồng rất cao (Ảnh: Nam Anh).
Khăn rằn cũng như các đồ trang trí được đeo lên các đôi bò đua (Ảnh: Hữu Khoa).
Các đôi bò thi đấu thuộc giống bò Bảy Núi, vóc dáng khỏe được người dân chăm sóc cẩn thận trước khi tham gia cuộc đua (Ảnh: Nam Anh).
Sân đua bò ở chùa Rô rộng hơn 2000m2, là những cánh ruộng được sư trụ trì cho cải tạo. Cánh ruộng phẳng, đường đua thoáng được cải tạo đúng chuẩn để đua bò, thêm vào là hai bờ đê rất rộng, cao, an toàn để bà con có thể quan sát trọn vẹn các vòng đua đặc sắc (Ảnh: Nam Anh).
Các sư, người dân thị xã Tịnh Biên và du khách thập phương đến xem Hội đua bò chùa Rô đông đúc (Ảnh: Hữu Khoa).
Theo quan niệm của đồng bào Khmer, đua bò có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đôi bò giành được giải cao trong năm được chủ nhân chăm sóc kỹ, để sang năm tham gia đua tiếp, bởi đôi bò giành chiến thắng không những mang lại cho chủ nhân của mình niềm kiêu hãnh mà còn mang đến cho cả phum, sóc niềm vui, nghị lực để giành nhiều thắng lợi (Ảnh: Hữu Khoa).
Bò của phum, sóc khỏe mạnh có sức dẻo dai, cày bừa tốt sẽ giúp cho người dân thực hiện gieo trồng được dễ dàng, đem lại một vụ mùa bội thu, dân làng no ấm (Ảnh: Hữu Khoa).
Hai đôi bò đang bức tốc trên đường đua (Ảnh: Nam Anh).
Các đôi chạy hăng say, tài xế chích mạnh những chiếc xà-lul sắc nhọn thúc bò phi thật nhanh về đích (Ảnh: Hữu Khoa).
Những chủ bò, tài xế mặt mũi lắm bùn, mệt nhoài sau một vòng tranh tài (Ảnh: Hữu Khoa).
Thông thường cuộc đua chia làm 2 vòng: 1 vòng hô và 1 vòng thả. Vòng hô là vòng trình diễn và để bò khởi động đi trọn vòng của sân đua, trong vòng này nếu đôi bò nào đạp vào bừa của đôi bò khác hoặc điều khiển bò chạy vượt qua khỏi lằn ranh của chiều rộng đường đua sẽ bị loại (Ảnh: Hữu Khoa).
Gay cấn và hấp dẫn nhất của lễ hội đua bò Dolta chính là vòng thả - vòng đua tốc độ - đây chính là lúc các tài xế thể hiện tài năng và bản lĩnh điều khiển bò của mình cũng như sức mạnh của đôi bò. Có nhiều quy định khác nhau về cách tính thắng thua trong vòng thả: đôi bò đứng sau nếu đạp vào bừa của đôi bò đứng trước sẽ thắng cuộc hoặc đôi bò chạy về mức trước tiên sẽ thắng cuộc.
Đôi bò số 19 của anh Nguyễn Thanh Tùng (xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên) đã xuất sắc đoạt giải nhất, mang về giá trị tiền thưởng 10 triệu đồng (Ảnh: Hữu Khoa).
Anh Nguyễn Thanh Tùng phấn khởi sau khi đôi bò của mình đoạt giải nhất Hội đua bò chùa Rô lần thứ IX năm 2023. "Đây là năm đầu tiên đôi bò của tôi được tham gia Hội đua bò chùa Rô, tôi tham gia với mong ước vui là chính", anh Tùng nói (Ảnh: Nam Anh).
Lễ hội đua bò không đơn thuần là các đôi bò chạy đua với nhau mà nó trở thành tục lệ, tín ngưỡng độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer. Lễ hội không chỉ gắn liền với phong tục cầu mong mưa thuận gió hòa, trúng mùa vụ và đời sống thêm sung túc mà còn thể hiện tinh thần hăng say lao động của đồng bào Khmer, làm cho ngày hội càng trở nên thiêng liêng, trang trọng...