Những hiệp định FTA nổi bật Việt Nam tham gia năm 2020

22/12/2020 08:11

EVFTA, RCEP và UKVFTA là các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn của Việt Nam và bổ trợ quan trọng cho các hiệp định thương mại tự do đã ký kết như CPTPP.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy Việt Nam ngày càng chủ động hơn trong việc tham gia đàm phán và ký kết các FTA. Mức độ cam kết trong các FTA cũng ngày càng sâu rộng hơn. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 14 FTA khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA), đã kết thúc đàm phán 1 và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác.

2020 cũng là năm Việt Nam có thêm nhiều FTA có hiệu lực và được ký kết mới, trong đó nổi bật là RCEP và UKVFTA. Với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao, các FTA này đã tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và các năm tới.

EVFTA – “đường cao tốc” nối Việt Nam với EU

EVFTA - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ 1/8, sau gần 10 năm đàm phán, được ví như “đường cao tốc” nối Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU), thị trường quy mô GDP 15.000 tỷ USD, giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Những hiệp định FTA nổi bật Việt Nam tham gia năm 2020 - 1

Các FTA thế hệ mới được nhận định sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. (Ảnh: MOIT)

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, khi EVFTA có hiệu lực gần như 100% các dòng thuế theo lộ trình 7-10 năm, số ít dòng thuế còn lại cũng được hưởng hạn ngạch với thuế suất 0%. Hai bên cam kết mở cửa các thị trường dịch vụ, đầu tư như tài chính, thương mại điện tử, logistisc... và ngay cả những lĩnh vực mới như mua sắm Chính phủ, thương mại... cũng sẽ lần lượt được mở cửa.

Với Việt Nam, đây là cơ hội để đa dạng hoá các mặt hàng nông sản, thuỷ sản hay dệt may, da giày... vào thị trường 27 nước châu Âu, hay thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại từ các doanh nghiệp khu vực này thời gian tới.

Trong khi đó với EU, cơ hội không chỉ là giảm loạt thuế quan EVFTA còn đem lại những ưu thế cho nhà đầu tư châu Âu phát triển mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam, nơi vốn được coi là năng động nhất Đông Nam Á và là cửa ngõ của khu vực.

EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên gần 56,5 tỷ USD vào năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.

Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Singapore) tại ASEAN và là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU.

Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá, EVFTA sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm hai bên có thế mạnh như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ... của Việt Nam và những mặt hàng ô tô, dược phẩm, hóa chất từ EU.

“EVFTA đi vào thực thi trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường phức tạp, khó lường, được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói.

RCEP – FTA lớn nhất thế giới

Ngày 15/11, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được 15 nước, gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc ký tại Hà Nội sau 8 năm đàm phán.

RCEP là FTA có quy mô lớn nhất thế giới và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp các nước thành viên.

Theo Bộ Công Thương, RCEP với sự tham gia của 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, FTA này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới.

Hiệp định cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.

Trả lời VTC News, PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá, RCEP với cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại… sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới, mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

“RCEP hứa hẹn giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc kinh sau đại dịch COVID-19”, ông Long nói.

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, RCEP mở ra cơ hội thuận lợi cho tất cả các thành viên cũng như doanh nghiệp của các nước trong hiệp định để cơ cấu lại, định vị lại các chuỗi cung ứng và tham gia vào chuỗi giá trị trên phạm vi toàn cầu.

“Trong khi COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng bảo hộ đang nổi lên, RCEP được ký kết đánh dấu mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế của các nước tham gia đàm phán. Bên cạnh đó, với quy mô lớn và tính đa dạng của thị trường cũng như sự đa dạng của trình độ phát triển nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam và các nước RCEP hoàn toàn có đủ điều kiện để tính toán, xây dựng lại những chiến lược kinh doanh của mình và tham gia vào chuỗi cung ứng cho thị trường này”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

UKVFTA giúp doanh nghiệp Việt bớt 3.500 tỷ tiền thuế mỗi năm

Ngày 11/12, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Elizabeth Truss đã ký Biên bản Kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA). Đây là FTA tiếp nối quan hệ thương mại Việt – Anh khi EVFTA không còn áp dụng với Anh sau 31/12/2020 vì Brexit. Việc sớm có FTA giữa hai nước sẽ giúp quan hệ thương mại không bị gián đoạn.

Theo Bộ Công Thương, các điều khoản của UKVFTA phần lớn sẽ giống với EVFTA, vì vậy, hai nước không cần phải trải qua một thập kỷ đàm phán. Hai bên muốn hoàn tất thoả thuận càng sớm càng tốt để thúc đẩy sự hồi phục kinh tế sau Covid-19.

Bộ Công Thương nhấn mạnh, thông qua UKVFTA, Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới.

Mặt khác, Việt Nam có thêm cơ hội hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút khách du lịch Anh sau khi Covid-19 kết thúc. Hiệp định cũng tạo thông điệp tích cực trong quan hệ chung Việt Nam - Anh nhất là khi hai bên mới ra Tuyên bố chung về tầm nhìn hợp tác song phương nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Theo cam kết, sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. EU đã cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu là 0% với một số mặt hàng. Về phần mình, Anh cho biết sẽ dựa trên số liệu liệu thống kê của EU về trao đổi thương mại song phương thực tế giữa Việt Nam và Anh trong giai đoạn 2014 – 2016 để quyết định chính sách tương tự. Anh cũng cam kết rà soát nâng lượng TRQ với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực.

Các ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ hiệp định này là thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày...

Ngược lại, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định đi vào hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu. Sau 6 năm số dòng thuế được xoá bỏ nâng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu và sau 9 năm sẽ là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch).

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với các cam kết mở cửa thị trường, cộng thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội xuất khẩu vào Anh. "Theo tính toán thì giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3.500 tỷ đồng/năm, có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh đại dịch", ông Tuấn Anh nói.

Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định, UKVFTA sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm tới. Đồng thời FTA Việt Nam – Anh sẽ giúp giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ Anh vào Việt Nam.

“FTA song phương giữa Anh và Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả mang lại của Brexit”, bà Trang nói.

Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu (sau Đức và Hà Lan). Về đầu tư, đến hết tháng 8/2020, Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vũng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các lĩnh vực mà Anh có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác trong thời gian tới là năng lượng tái tạo, sản xuất tiêu dùng bền vững, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính...

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những hiệp định FTA nổi bật Việt Nam tham gia năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO