Những giọt nước mắt muộn màng trong phiên xử "chuyến bay giải cứu"

23/07/2023 06:39

Đứng trước bục khai báo nói lời sau cùng, hàng loạt bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu" bật khóc nức nở gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, người dân, gia đình và mong muốn được hưởng mức án thấp nhất.

Sau 10 ngày làm việc, phiên xét xử "chuyến bay giải cứu" bước vào phần nghị án. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy thông báo do vụ án có tính chất phức tạp nên nghị án sẽ kéo dài.

14h ngày 28/7 tòa sẽ tuyên án. Tại tòa, các bị cáo được nói lời sau cùng.

Bật khóc gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, gia đình

Trước bục khai báo, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận sai phạm của bản thân, nêu hoàn cảnh gia đình, những đóng góp cho xã hội, thành khẩn khai báo, khắc phục số tiền nhận hối lộ. Họ mong HĐXX xem xét khung lượng hình để hưởng mức án nhẹ nhất, sớm trở về bên gia đình, có cơ hội làm lại cuộc đời.

Khi nói lời sau cùng, nhiều bị cáo đã bật khóc gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, người dân, gia đình. Họ cho rằng những sai phạm bản thân gây ra đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của đất nước trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky) bật khóc nức nở xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội).

Những giọt nước mắt muộn màng trong phiên xử chuyến bay giải cứu - 1

Đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội đối với các bị cáo (Ảnh: Hải Phương).

"Nếu được, bị cáo xin HĐXX cộng những ngày tháng bị giam của anh Tuấn vào bản án của bị cáo để anh ấy được về chăm sóc mẹ già và chữa bệnh", bị cáo Hằng nức nở trước tòa.

VKS cáo buộc Hằng tội Đưa hối lộ hơn 100 tỷ đồng. Bị cáo này bị đề nghị mức án từ 10-11 năm tù.

Vợ chồng Nguyễn Tiến Mạnh, Vũ Thùy Dương (Giám đốc và Tổng giám đốc Công ty Lữ Hành Việt) cũng bật khóc khi nói lời sau cùng. Công ty Lữ Hành Việt đưa hối lộ 27 tỷ đồng, đứng thứ ba trong số doanh nghiệp đưa hối lộ nhiều nhất.

Vợ chồng Mạnh cho rằng họ là nạn nhân không lối thoát của vấn nạn "xin cho" khi xin cấp phép các chuyến bay về nước thời điểm dịch Covid-19.

"Muốn được cấp phép chuyến bay phải được địa phương tiếp nhận. Muốn địa phương tiếp nhận cách ly, phải được cấp phép chuyến bay", ông Mạnh khóc nghẹn, xin HĐXX có cái nhìn khoan dung khi áp dụng hình phạt.

Bà Vũ Thùy Dương bị HĐXX đề nghị mức án 2-3 năm tù còn ông Mạnh bị đề nghị mức án từ 7-8 năm tù.

Những giọt nước mắt muộn màng trong phiên xử chuyến bay giải cứu - 2

Các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" (Ảnh: Nguyễn Hải).

Bắt đầu từ con số 0 nhưng có bài học đắt giá

"Bị cáo gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao, gia đình vì đã phụ sự kỳ vọng của tất cả mọi người.

Bị cáo có con nhỏ, chỉ mong một mức án thấp nhất có thể tại ngoại để chăm sóc con cái, giúp đỡ gia đình.

Không chỉ bị cáo mà tất cả các bị cáo ngồi đây cũng đã mất hết công danh, sự nghiệp cuộc đời bắt đầu từ con số 0 nhưng có được bài học đắt giá", bị cáo Đặng Thị Minh Phương (cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) khóc nghẹn khi nói lời sau cùng.

Bị cáo Phạm Thị Kim Ngân (cựu cán bộ Phòng trị sự tạp chí Thanh tra Chính phủ) nói trong nước mắt. Bị cáo nói bản thân là mẹ đơn thân hơn 10 năm nay, một mình nuôi 2 con nhỏ, cuộc sống vô cùng khó khăn phải "giật gấu vá vai" khắp nơi để chăm lo cho gia đình.

Những năm qua, bị cáo làm nhiều việc cùng lúc để có thể chăm lo cho gia đình nhỏ nhưng nợ nần ngày một chồng chất.

Khi có công việc kiếm thêm thu nhập nữ bị cáo đã suy nghĩ không sáng suốt, nhận lời thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để phải đứng trước tòa như ngày hôm nay.

"Bị cáo sinh ra con nhưng không cho con cuộc sống đầy đủ có bố, mẹ. Con trai bị cáo từng nói bố đã mất rồi, mẹ lại như thế này con mồ côi à. Bị cáo chỉ biết động viên con rằng mẹ đi rồi sẽ về", Kim Ngân khóc nghẹn khi nói lời sau cùng.

Ngân nói, hiện gia đình vô cùng bế tắc. Mẹ bị cáo phải nuôi 3 cháu nhỏ, gia đình vay mượn khắp nơi để khắc phục hậu quả của vụ án nhưng không được.

"Mười mấy năm qua bị cáo chưa từng dám ốm, nếu có bệnh nặng cũng coi như nhẹ, nếu nhẹ thì coi như không có. Bị cáo bị Covid-19 và sốt xuất huyết mấy lần nhưng chưa bao giờ dám vào viện vì các con còn quá nhỏ phải có người chăm sóc", Ngân nghẹn ngào nói.

Những giọt nước mắt muộn màng trong phiên xử chuyến bay giải cứu - 3

Bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bluesky (Ảnh: Nam Anh).

Trong nhóm bị cáo đưa hối lộ, Tổng giám đốc Công ty Blue Sky Lê Hồng Sơn là người bị đề nghị mức án cao nhất 11-12 năm tù.

Khi nói lời sau cùng, bị cáo giãi bày bản thân là nạn nhân của cơ chế xin cho.

Hành vi đưa hối lộ của bị cáo rất đặc biệt, không phải để "bòn tiền" Nhà nước hay làm điều sai trái, mà chỉ để được làm theo chủ trương nhân văn đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng.

Với mong muốn đưa được nhiều người về nước, doanh nghiệp của ông Sơn đã xin thủ tục cấp phép nhiều chuyến bay và điều này cũng dẫn tới hệ lụy là đưa hối lộ nhiều.

"Tôi rất băn khoăn. Ai càng tích cực khai báo, tự thú số tiền càng cao thì án lại càng nặng. Ở vụ án đặc biệt này, việc doanh nghiệp phải đưa tiền cũng đã được nêu rõ là do bị o ép, gợi ý. Riêng với Blue Sky, những lần đưa tiền đều do bị đòi hỏi, đến hơn 80%", Sơn nói và công khai con số lợi nhuận từ những chuyến bay.

Theo đó, khi xây dựng giá thành, cứ bán được 80% vé là điểm hòa vốn, nếu bán đủ 100% thì sẽ lãi 20% trước thuế, chưa gồm chi phí khác. Còn nếu không bán được 80% vé doanh nghiệp sẽ lỗ.

"Trong vụ án này các doanh nghiệp vừa là bị cáo, vừa là bị hại, nạn nhân của văn hóa phong bì, cơ chế xin cho", ông Sơn giãi bày.

VKSND xác định từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện "chuyến bay giải cứu" chỉ thu phí vé máy bay.

Cuối năm 2020, Chính phủ tổ chức các chuyến bay combo (công dân tự nguyện trả phí toàn bộ) và giao tổ công tác của 5 Bộ gồm: Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Ngoại giao, Công an cùng phối họp tổ chức các chuyến bay. Quy trình cấp phép các chuyến bay combo doanh nghiệp có nhu cầu xin được chủ trương cách ly tại địa phương và gửi hồ sơ đến Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự).

Lợi dụng chủ trương trên, một số cá nhân thuộc các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp... đã thực hiện hành vi phạm tội.

Tổng số tiền đưa nhận hối lộ trong vụ án "chuyến bay giải cứu" được xác định 165 tỷ đồng. Đến nay, 53 bị cáo là lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ ở nhiều ngành bị đưa ra xét xử.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/phap-luat/nhung-giot-nuoc-mat-muon-mang-trong-phien-xu-chuyen-bay-giai-cuu-20230722214446676.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/phap-luat/nhung-giot-nuoc-mat-muon-mang-trong-phien-xu-chuyen-bay-giai-cuu-20230722214446676.htm
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Những giọt nước mắt muộn màng trong phiên xử "chuyến bay giải cứu"
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO