Những em bé có thêm cơ hội hồi sinh từ ghép tế bào gốc tạo máu

NGUYỄN LY| 12/02/2023 11:19

TPHCM – Phương pháp ghép tế bào gốc đã được áp dụng trên thế giới và Việt Nam nhiều năm qua. Từ những nghiên cứu thực tế, phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, các bệnh nhân mắc bệnh lý hiểm nghèo được hồi sinh. Đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh u nguyên bào thần kinh.

Ngồi một góc nhỏ tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM đợi kiểm tra, hoàn tất hồ sơ ghép tế bào gốc cho con, chị Hồng Cẩm mẹ bệnh nhi L.Q.H luôn mang tâm trạng lo lắng về hành trình đặc biệt này của con.

Theo chị Hồng Cẩm, năm 2019, khi bé H. được 3 tuổi thì bắt đầu cảm thấy mệt nhiều và ói nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ khám. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán có khối u trên tuyến thượng thận, nên bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị đã được gần 4 năm.

Bệnh nhi được ghép tế bào gốc tạo máu thành công. Ảnh: Nguyễn Tâm
Bệnh nhi được ghép tế bào gốc tạo máu thành công. Ảnh: Nguyễn Tâm

“Suốt thời gian dài điều trị bệnh u nguyên bào thần kinh, bác sĩ có tư vấn bé được ghép tế bào gốc nhưng do nhà khó khăn nên được bệnh viện và mạnh thường quân hỗ trợ. Giờ tôi ước ao cho con nhỏ kéo dài được sự sống”, chị Cẩm chia sẻ.

Còn trường hợp của bệnh nhi S.R.N (sinh năm 2019, ngụ tại TPHCM) cũng chung hoàn cảnh. Từ lúc bé sinh ra, chị Hằng - mẹ của bé N. luôn sống trong những ngày tháng lo lắng về tình trạng bệnh của con mình.

Ngày con được chẩn đoán mắc u nguyên bào thần kinh, là những ngày chị Hằng đồng hành cùng con thực hiện các đợt hoá trị mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần của con và gia đình.

“Sau cưới thì tôi sanh bé N., bé lại mắc bệnh khi còn quá nhỏ. Khi bác sĩ cho hay con được ghép tế bào gốc thì tôi vừa vui vừa lo về kết quả điều trị lẫn chi phí. Đến nay thấy con dần bình phục, chúng tôi vô cùng hạnh phúc, hy vọng con sau này mạnh khỏe”, chị Hằng vui mừng chia sẻ.

Tháng 9.2022 vừa qua, bệnh nhi N. được chỉ định ghép tế bào gốc tạo máu. Kết thúc quá trình ghép, bệnh nhi đã được xuất viện về nhà và tiếp tục theo dõi.

Theo BS.CKII Nguyễn Đình Văn - Trưởng khoa Ung bướu huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ, trong những năm gần đây lượng bệnh nhi ung thư được tiếp nhận tại khoa có chiều hướng tăng, từ 100-120 trường hợp lên 200-300 trường hợp. Ngoài nhóm bệnh nhi ung thư tạng đặc, hầu hết là các trường hợp bị ung thư thể máu.

“Với xu hướng tiến bộ của Y học đã có nhiều cải tiến trong điều trị bệnh. Phải kể đến như cập nhật phác đồ trên thế giới, chất lượng thuốc kéo dài thời gian sống, giảm xạ trị để tránh ảnh hưởng về sau. Đặc biệt, phương pháp ghép tế bào gốc tự thân hạn chế tối đa tái phát ung thư, đã mang đến nhiều hiệu quả”, bác sĩ Văn cho biết.

Ghép tế bào gốc tạo máu có giá trị trong các bệnh lý huyết học lành tính, ung thư huyết học và ung thư dạng bướu đặc ở trẻ em. Hiện, bệnh viện Nhi Đồng 2 bước đầu triển khai tự ghép tế bào gốc tạo máu trên các bệnh nhân u nguyên bào thần kinh.

Ca ghép tế bào gốc đầu tiên được bệnh viện triển khai thành công vào đầu năm năm 2021 cho bệnh nhi 32 tháng tuổi, đã lan tỏa tích cực đến cộng đồng.

Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM đang thi công công trình Trung tâm điều trị kỹ thuật cao. Đây là cơ sở để hình thành và phát triển Trung tâm ghép tạng, ghép tế bào gốc, phẫu thuật và hồi sức cấp cứu Nhi khoa chuyên sâu cho các tỉnh/thành phía Nam. Hy vọng khi đưa vào hoạt động công trình này, sẽ có thêm cơ hội cứu chữa cho các bệnh nhi không may mắc bệnh u nguyên bào thần kinh và các bệnh hiểm nghèo khác.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những em bé có thêm cơ hội hồi sinh từ ghép tế bào gốc tạo máu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO