Những đồng nghiệp thích cướp công

Lam Chi| 19/10/2022 13:59

Công sở là môi trường phức tạp với đủ mọi tình huống có thể xảy ra, trong đó không thiếu những cạnh tranh giữa các đồng nghiệp với nhau, giữa sếp và nhân viên. Bạn sẽ làm gì nếu bị người khác cướp công nơi công sở? Hãy bảo vệ thành quả mình xứng đáng được hưởng!

Khi sếp giành chỉ tiêu!

Có 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sale xe ô tô cho một hãng lớn, thế nhưng Quỳnh Như (27 tuổi) đã phải nếm không ít “thương đau” vì bị chính sếp trực tiếp của mình nghiễm nhiên cướp công, nẫng tay trên doanh số.

Như chia sẻ: “Khi mới chân ướt chân ráo vô làm, mình phải chấp nhận vì coi như lính mới học việc. Thế nhưng, càng về sau, chị ta càng quen thói ăn sẵn. Đã 2 lần rồi mình phải nhẫn nhịn vì còn làm việc dưới trướng bà ấy. Nhưng mới đây, việc bà ấy trắng trợn nhận công bán lô xe 6 chiếc cho doanh nghiệp vận tải với sếp Tổng làm mình điên tiết. Mình đã có đơn tố cáo lên sếp. Nếu không chuyển mình hoặc chị ta sang bộ phận chi nhánh khác, mình nghỉ việc”.

two-women-having-an-argument-in-the-office.jpg
Khi bị sếp trực tiếp tranh công, nhiều cô nàng chỉ biết nín nhịn.

Theo chia sẻ của Như, vì là người trực tiếp làm việc với khách hàng nên sale sẽ là người mang hợp đồng về cho công ty. Theo chế độ đãi ngộ của công ty, ai đạt doanh số cao sẽ không chỉ nhận được hoa hồng mà còn cất nhắc các vị trí cao hơn. Mới vào nghề, đầy nhiệt huyết lại ham học hỏi nên cô gái trẻ không ngại dốc hết sức làm tốt công việc của mình. Cô tự bỏ tiền học thêm các khóa học về tiếp thị, bán hàng để lấy kinh nghiệm.

Nhờ ham học hỏi, ngoại hình sáng cùng khả năng ăn nói có duyên nên Như khá “mát tay” trong việc tư vấn và chốt deal với khách. Mới đây, cô phải mất ăn mất ngủ để đợi bên doanh nghiệp vận tải chốt đặt 6 chiếc 7 chỗ cho công ty. Thỏa thuận và kí kết hợp đồng phần lớn do cô lo hết, vị sếp trực tiếp chỉ ra mặt gặp khách đúng 1 lần khi thỏa thuận phần quà trang bị thêm cho khách. Thế nhưng, khi hợp đồng kí kết xong xuôi, Ban Giám đốc gửi thư xuống khen ngợi Trưởng phòng đã có công lớn trong việc kí hợp đồng lần này làm Như tức tím mặt. “Hỏi chị ta thì chị ta trơ tráo: “Nếu không có chị thì em có chốt được không?”. Mình và chị ta hôm đó cãi nhau ầm ĩ. Mình quyết lột mặt nạ cho mọi người biết”, Như bức xúc.

Cũng chung hoàn cảnh như Như, nhiều nhân viên khác đang bị chính sếp mình cướp công nhưng vẫn phải nhẫn nhịn vì sợ mất việc. “Nếu có dự án lớn, muốn nhờ sếp đi cùng thì khi về chắc chắn hợp đồng rơi vào tay sếp. Sếp tổng thì chỉ biết đơn giản là: trưởng phòng giỏi, mang lại nhiều hợp đồng mà không hề biết chính những nhân viên thấp bé mới là người nai lưng ra đeo bám khách hàng”, Thục Anh – một nhân viên sale chia sẻ.

conference_pic_3.jpg
Không chỉ đối phó với sếp, nhiều đồng nghiệp cũng sẵn sàng tranh công người khác.

Và những đồng nghiệp hay chơi bẩn

Mối ấm ức với sếp trực tiếp đã gây ức chế nhưng những tình huống xấu do chính đồng nghiệp gây ra còn khiến nhiều nàng công sở căng thẳng hơn. Không ít người vì quá tin tưởng vào mối quan hệ đồng nghiệp mà đã bị cướp công trắng trợn. Thanh Hương (25 tuổi), nhân viên một công ty truyền thông là một ví dụ.

Tin tưởng lời rủ rê của một người anh trong công ty đang đứng ra nhận job riêng, Hương và một nữ đồng nghiệp khác, cả nhóm 3 người nhận dự án viết riêng kịch bản phim. Mọi ý tưởng, đường dây, nhân vật, tình huống đều do Hương và cô bạn khác là người xây dựng. Ông anh đồng nghiệp chỉ xem qua và mặc kệ. Khi kịch bản hoàn thiện, ông anh đồng nghiệp yêu quý của cô đem đi chào bán ở đâu không biết. Lúc về, anh ta chỉ thản nhiên: kịch bản bị chê, chắc phải bỏ.

Tiếc công sức làm, hai cô gái ra sức động viên ông anh gửi thử nhiều nơi khác nhau nhưng đáp lại là thái độ chẳng mấy mặn mà. Bẵng đi một thời gian, khi được một người bạn khác hiện đang làm bên công ty đối tác cho biết công ty mua kịch bản từ anh ta và hiện đang chuẩn bị bấm máy. Hương cùng cô bạn đồng nghiệp hỏi, anh ta thản nhiên bảo đó là kịch bản anh ta viết lại, thay đổi lại hết vì kịch bản cũ viết quá yếu. Anh ta chỉ trả chút phí tượng trưng cho hai cô gái.

Mối quan hệ đồng nghiệp khi ấy đã căng thẳng lại càng đẩy lên đỉnh điểm khi Hương biết cái giá anh ta được trả cho 1 tập phim từ phía công ty đối tác gấp gần chục lần cái giá trả công cho cô. Hương và cô đồng nghiệp càng uất ức khi ngày phim chiếu, tên người viết kịch bản chỉ để mình anh ta mà không hề có 2 người viết chính là cô và nữ đồng nghiệp kia trong khi kịch bản phim gần như không nhiều thay đổi so với bản gốc. Quá ghét người đồng nghiệp nam xấu tính, cô và nữ đồng nghiệp kia đã thẳng thừng từ chối những công việc trong công ty có liên quan đến anh ta, thậm chí nghĩ đến việc xin nghỉ vì “không muốn nhìn mặt kẻ xấu xa đó”.

agree-to-disagree.jpg
Nhiều đồng nghiệp cũng sẵn sàng tranh công và không thiếu chiêu chơi xấu đối phương.

Làm gì khi bị cướp công?

Thông thường sẽ có hai trạng thái tâm lý diễn ra khi bạn bị đồng nghiệp tranh công: hoặc im lặng và cho qua hoặc nổi nóng, tức giận tố cáo “kẻ cướp công”. Nhìn chung, cả hai cách ứng xử đều chưa thực sự khéo léo. Bạn cần bình tĩnh và thử tham khảo “chiêu thức” sau xem hiệu quả có gì khác biệt không nhé!

  • Chấp nhận trong chừng mực: Nếu đó là sếp của bạn, bạn có thể sẽ phải chấp nhận nhưng nên nhớ, nếu bạn không thể hiện bản lĩnh của mình, bạn sẽ thường xuyên phải chịu cảnh tranh giành quyền lợi ấy. Hãy nói với sếp những đóng góp của bạn trong dự án ấy dù bạn biết rằng chưa chắc bạn sẽ nhận được một chút quyền lợi nào từ sếp nhưng ít ra, sếp cũng hiểu bạn ý thức được giá trị của bản thân mình và không phải là kẻ dễ… im lặng.
  • Trao đổi thẳng thắn: Thay vì không nhìn mặt kẻ cướp công hoặc cứ phải âm thầm chịu đựng, hãy có cuộc nói chuyện rõ ràng với đối phương. Bạn có thể nói trực tiếp, nói qua điện thoại hoặc email. Cần trao đổi rõ: bạn đóng góp những gì trong kết quả đó, đối phương đóng góp những gì. Nếu nhận được lời xin lỗi, bạn hãy đưa ra lời cảnh tỉnh với đối phương rằng: bạn có thể bỏ qua lần này nhưng lần khác thì không. Nếu kẻ kia một mực vẫn có thái độ muốn gạt bỏ bạn, bạn sẽ cảnh cáo họ rằng bạn hoàn toàn có thể tố cáo việc cướp công ấy với cấp trên.
  • Có chứng cứ xác thực: Hãy thu thập những chứng cứ thể hiện bạn là người có công với kết quả ấy và kẻ kia đang tranh công của bạn. Có như vậy, bạn mới có thể yên tâm về việc đòi lại chính đáng quyền lợi mình được hưởng.
  • Tự tin vào bản thân: Điều này giúp bạn không bị đồng nghiệp qua mặt, tranh công. Sự tự tin cũng giúp bạn mạnh dạn trình bày với cấp trên và sẵn sàng chọn một công việc khác, nghỉ công việc hiện tại vì nó không xứng đáng với bạn.

Bài liên quan
  • Đừng biến công sở thành sàn diễn
    Thời trang luôn là mối quan tâm nóng bỏng của các nàng công sở. Không ít chị em tận dụng biến công sở thành sàn diễn, khoác lên mình những bộ cánh mát mẻ, biến đồng nghiệp thành những khán giả bất đắc dĩ. Nếu không muốn bị cô lập, bạn hãy chú ý đến cách ăn mặc của mình.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những đồng nghiệp thích cướp công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO