Những điều 'chưa có tiền lệ' trong xử lý các đại án tham nhũng

Hoài Thu| 13/07/2023 15:58

Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu chủ trương xử lý một số vụ án nghiêm trọng như vụ Việt Á, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm; tham mưu chỉ đạo xét xử vắng mặt các bị can, bị cáo đang bỏ trốn vụ AIC…

"Đây là những vấn đề mới, chưa có tiền lệ trong quá trình xử lý các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, tiêu cực nói riêng", ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ban Nội chính Trung ương, sáng 13/7.

Theo ông Trạc, những điều "chưa có tiền lệ" này đã góp phần tháo được nút thắt quan trọng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường nói, đó là "dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát khỏi bị trừng phạt".

Khái quát kết quả 6 tháng đầu năm, ông Phan Đình Trạc cho biết Ban Nội chính Trung ương đã tập trung tham mưu về chủ trương, đường lối xử lý một số vụ án nghiêm trọng, nhạy cảm, phạm vi rộng, có quan điểm khác nhau như vụ Công ty Việt Á, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm…

Những điều chưa có tiền lệ trong xử lý các đại án tham nhũng - 1

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc (Ảnh: Hồng Phong).

Ban Nội chính cũng đã tham mưu việc chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt các bị can, bị cáo đang bỏ trốn trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh và Công ty AIC.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng quan tâm tham mưu xử lý các vụ án, vụ việc có khiếu nại oan, sai, phức tạp, kéo dài và được dư luận quan tâm, nhất là vụ án xảy ra tại Long An, Bình Thuận, Kon Tum, Bình Dương…

Theo ông Phan Đình Trạc, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc về lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp cũng dần đi vào nề nếp, có nhiều tiến bộ, hiệu quả hơn.

Song bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Nội chính Trung ương lưu ý, tiến độ thực hiện một số việc vẫn còn chậm, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; có lúc, có nơi thực hiện chưa nghiêm các quy chế, quy định nội bộ của ban…

"Tính chủ động, nhạy bén trong nghiên cứu, tham mưu ở một số đơn vị, lĩnh vực, hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình ở địa bàn còn hạn chế", ông Trạc nói. Ông yêu cầu chấn chỉnh xử lý, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong đơn vị và từng cán bộ, công chức.

Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Trưởng ban Nội chính Trung ương lưu ý xây dựng đề án "giải pháp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biển hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp". Theo ông Trạc, đây là vấn đề vừa rồi được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Một nhiệm vụ khác được lãnh đạo Ban Nội chính nhấn mạnh là bám sát tiến độ, chủ động nghiên cứu, tham mưu những vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; khẩn trương xử lý kiến nghị của các cơ quan, địa phương liên quan, không để kéo dài làm hưởng đến tiến độ điều tra, giải quyết vụ án, vụ việc…

Ban Nội chính Trung ương cũng cần nắm tình hình, kịp thời phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ việc tập trung đông người gây mất ổn định về an ninh, có nguy cơ thành "điểm nóng" ở các địa phương…

Ngoài ra, ông Trạc lưu ý phải thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của Ban Nội chính Trung ương; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ năm 2023…

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những điều 'chưa có tiền lệ' trong xử lý các đại án tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO