Những điều cần lưu ý về bệnh sốt mò

13/07/2022 14:18

Sốt mò là một bệnh khá phổ biến trong thời gian gần đây ở một số nước nhiệt đới. Tại Việt Nam, khu vực mò hay sinh sống là những vùng nông thôn hay trung du, miền núi nơi có cây cối rậm rạp, bụi cây. Con mò sẽ đốt và truyền tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Rickettsiae tsutsugamushi vào cơ thể người.

Ấu trùng mò là nguyên nhân gây ra căn bệnh. Ảnh minh họa
Ấu trùng mò là nguyên nhân gây ra căn bệnh. Ảnh minh họa

Bệnh sốt mò hay còn gọi là sốt bờ bụi, là một loại sốt phát ban do Rickettsia gây ra. Đây là vi trùng lây truyền từ chuột sang người thông qua vết cắn của ấu trùng con mò (Trombicula). Bệnh có đặc điểm sốt kéo dài, trên cơ thể người bệnh có vết loét do côn trùng đốt, phát ban dạng sẩn và viêm hạch. Bệnh có diễn tiến từ nhẹ đến nặng, có thể gây tử vong.

Hiện nay, sốt mò Rickettsiavẫn còn xuất hiện ở nước ta nhưng chẩn đoán rất dễ bị bỏ sót do không để ý đến yếu tố dịch tễ, không quan sát kỹ nốt loét, theo dõi biểu hiện lâm sàng nên rất dễ nhầm với các bệnh khác.

Các triệu chứng điển hình của sốt mò 

Triệu chứng lâm sàng: Thời gian ủ bệnh của sốt mò kéo dài từ 6 ngày đến 21 ngày (trung bình từ 9 đến 12 ngày). Thường khởi phát đột ngột; người bệnh sốt cao liên tục, có thể kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người.

Biểu hiện da và niêm mạc: Da xung huyết, có thể phù nhẹ dưới da vùng mặt và mu chân; xung huyết kết mạc mắt.

Vết loét ngoài da là dấu hiệu đặc hiệu của bệnh sốt mò; vết loét có hình bầu dục, kích thước từ 0,5-2 cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, không tiết dịch; các vết loét thường không đau, khu trú ở những vùng da mềm như nách, ngực, cổ, bẹn, bụng, v.v...

Ban ngoài da thường xuất hiện vào cuối tuần thứ nhất của bệnh, có dạng dát sẩn, phân bổ chủ yếu ở thân, có thể ở cả chân tay; có thể gặp ban xuất huyết.

Sưng hạch lympho: người bệnh thường có hạch sưng tại chỗ vết loét và hạch toàn thân; hạch có kích thước 1,5-2 cm, mềm, không đau, di dộng bình thường.

Gan to, lách to: có thể gặp ở khoảng 40% số người bệnh sốt mò. Một số trường hợp có thể có vàng da.

Tổn thương phổi: người bệnh thường có triệu chứng ho; nghe phổi có thể có rales; một số người bệnh có biểu hiện tràn dịch màng phổi; những trường hợp sốt mò nặng có thể có khó thở, suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong.

Tổn thương tim mạch: người bệnh sốt mò thường có tình trạng huyết áp hạ; viêm cơ tim gặp ở một số trường hợp.

Viêm màng não, viêm não gặp ở một số ít các trường hợp. Người bệnh có đau đầu, có thể có rối loạn ý thức.

Nếu không được điều trị kháng sinh thích hợp, người bệnh sốt mò có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng hô hấp và tim mạch gây tử vong. Các trường hợp nhẹ và vừa có thể bị sốt kéo dài 3 - 4 tuần, sau đó người bệnh hết sốt nhưng những triệu chứng mệt mỏi có thể còn kéo dài trong thời gian một vài tuần.

Triệu chứng cận lâm sàng

Công thức máu: bạch cầu bình thường hoặc tăng; tỉ lệ bạch cầu lym pho và mono thường tăng; tiểu cầu có thể hạ.

Xquang phổi: tổn thương kiểu viêm phế quản; một số bệnh nhân có tổn thương viêm phổi.

Chức năng gan: thường thấy tăng AST, ALT; có thể tăng bilirubin, giảm albumin.

Chức năng thận: nước tiểu có protein và hồng cầu. Suy thận (tăng ure huyết và creatinin) gặp ở một số ít trường hợp, thường hồi phục nhanh chóng khi bệnh nhân được điều trị phù hợp.

Siêu âm: có thể có gan lách to, tràn dịch màng phổi, màng bụng.

Những điều cần lưu ý về bệnh sốt mò 1

 Điều trị đặc hiệu bệnh sốt mò

Sulfamid có tác dụng với Rickettsia nhưng chỉ dùng cho thể nhẹ và ngày nay ít dùng vì trong sốt mò có viêm nội mạc mao quản dễ gây phù nề, tắc mạch, nếu điều trị sulfamid dễ gây tổn thương cầu thận, ống thận.

Kháng sinh thông dụng và có hiệu quả nhất với sốt mò là chlorocid và tetraxyclin. Do 2 thuốc này chỉ có tác dụng hãm khuẩn chứ không diệt được khuẩn nên Rickettsia vẫn sống và tồn tại trong hạch bạch huyết, ở hệ võng nội mô trong nhiều ngày, nhiều tháng và dễ tái phát bệnh.

Liều lượng và cách dùng: Dùng liều cao 2 g khởi đầu có xu hướng cắt sốt nhanh hơn. Ngày đầu: 2g/ngày (cho người ³ 50 kg), các ngày sau: 1g/ngày, dùng tới khi cắt sốt 2-3 ngày; tổng liều: 6-7g. Dùng liều cao không làm giảm khả năng sinh kháng thể nên không ảnh hưởng tới phân tích kết quả của các phản ứng huyết thanh và cũng không gây tai biến gì cho người bệnh.

Có thể dùng doxycycline 0,1 x 2 viên/ngày cho người lớn, dùng 7 đến 15 ngày.

Ciprofloxacin và Azithromyxin cũng có tác dụng tốt trong điều trị bệnh sốt mò.

Liệu pháp Corticoid: Một số trường hợp sau khi dùng kháng sinh vài ngày nhiệt độ vẫn không thuyên giảm có thể dùng phối hợp với cortancyl (nếu không có chống chỉ định) với liều trung bình ngắn ngày: Cortancyl 5 mg ´ 4 viên/ngày, dùng trong 2-3 ngày sẽ hạ nhiệt độ nhanh hơn.

Cách phòng trừ bệnh sốt mò

Bảo vệ cá nhân khỏi mò đốt bằng: Khi đi vào vùng rừng núi có cây cối rậm rạp cần mặc quần áo chẽn gấu, chân quấn xà cạp, chân tay đi bít tất, đi giầy, gài ống quần và ống tay áo trong bít tất, không phơi quần áo, đặt ba lô hay nằm trên cỏ.

Diệt ấu trùng mò bằng DDT, 666, Malathion; Diệt chuột theo mùa, chú ý rắc thuốc diệt mò trước. Không dùng kháng sinh dự phòng vì ít hiệu quả và tốn kém.

Bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo khi có triệu chứng sốt đột ngột, xuất huyết, mệt mỏi, đau người, phát ban, nổi hạch, cần quan sát và kiểm tra kỹ trên cơ thể xem có nốt đốt như mô tả ở trên thì nghĩ đến đây là tổn thương do mò đốt và nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời./.

Theo baodantoc.vn
https://baodantoc.vn/nhung-dieu-can-luu-y-ve-benh-sot-mo-1657682194318.htm
Copy Link
https://baodantoc.vn/nhung-dieu-can-luu-y-ve-benh-sot-mo-1657682194318.htm
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những điều cần lưu ý về bệnh sốt mò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO