Những điều bố mẹ không nên làm khi con đang tức giận

Vĩnh Ngọc| 02/03/2023 15:34

Khi con tức giận và nổi cáu, nhiều bậc cha mẹ càng bực dọc và sẵn sàng cãi nhau tay đôi với con trong khi một số phụ huynh lại cho rằng, "im lặng là vàng".

Kim Abraham và Marney Studaker-Cordner, hai tác giả của hàng loạt cuốn sách tư vấn cho cha mẹ các cách nuôi dạy con cái tại Mỹ, vừa có bài viết sâu sắc về vấn đề: Bố mẹ nên làm gì khi con tức giận.

Theo Kim Abraham và Marney Studaker-Cordner, khi con nổi cơn thịnh nộ, phản ứng của cha mẹ rất đa dạng. Có người tức giận và bắt đầu la hét. Có người lại không nói gì thậm chí trở nên sợ hãi và đầu hàng con cái.

Đối phó với sự tức giận và cơn thịnh nộ bùng nổ của con cái là một trong những điều khó khăn nhất mà chúng ta phải đối mặt với tư cách là cha mẹ. Nó không chỉ khó thực hiện một cách hiệu quả mà còn mệt mỏi và dễ khiến bạn cảm thấy thất bại, ngay cả khi bạn không mất bình tĩnh.

Thật ra, nhiều bậc cha mẹ đều băn khoăn không hiểu là khi con tức giận, chúng ta phản ứng theo kiểu la hét, im lặng hay nhượng bộ... thì kiểu nào sẽ có ích.

Nếu bạn yên lặng và không làm gì cả, con bạn sẽ nhận ra bạn có những điểm yếu nhất định và chúng có thể sẽ "nhân đà" mà vượt mặt cha mẹ. Thay vì đối mặt với hậu quả hoặc phải chịu trách nhiệm, con có thể tìm ra cách để thoát tội.

Học cách vượt qua những phản ứng nhất thời của bạn khi con nổi cáu sẽ là bước khởi đầu để xoay chuyển mối quan hệ của bạn với con mình. Dưới đây là 7 điều bạn nên tránh làm khi con đang tức giận:

Đừng khiêu khích con

Khi con bạn đang bùng nổ cơn tức giận hoặc phản ứng giận dữ với điều gì đó, đừng đối đầu và khiêu khích con. Đây là điều tồi tệ nhất bạn có thể làm với một đứa trẻ đang ở giữa cơn khủng hoảng.

Bạn phải nhớ rằng, cơn giận dữ bùng nổ của con trẻ là ngoài tầm kiểm soát. Khi cáu giận, con bạn đang ở chế độ "chiến đấu" hoặc bỏ chạy và "sắp nổ tung".

Nếu bạn mắng mỏ, quấy rối hoặc tranh luận với con khi đó, bạn có thể sẽ chỉ kích động thêm sự tức giận của chúng và "đổ thêm dầu vào lửa" mà thôi. Về cơ bản, khi con nổi đóa thì tốt hơn hết, bạn nên lùi lại một bước và giữ khoảng cách.

Đừng phản ứng theo cảm xúc

Khi con bạn tức giận, thay vì bạn phản ứng theo cảm xúc, hãy làm bất cứ điều gì bạn cần làm để thoát khỏi tình huống đó.

Bạn có thể bỏ đi chỗ khác, hít thở sâu và cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh. Hãy nhắc nhở bản thân kiểu như: "Tôi sẽ phản hồi con một cách hợp lý thay vì phản ứng theo cảm xúc. Tôi sẽ không đi lạc đường".

Một phần công việc của chúng ta với tư cách cha mẹ là làm mẫu cho con cách xử lý cảm xúc một cách thích hợp. Bạn nên hướng dẫn con cái những cách tốt nhất để đối phó với cảm xúc.

Những điều bố mẹ không nên làm khi con đang tức giận - 1

Bố mẹ nên bình tĩnh để giải quyết vấn đề khi con tức giận (Ảnh minh họa: Getty Images).

Đừng vội kết luận về sự tức giận của con bạn

Con bạn có thể không sai khi cảm thấy khó chịu. Một số việc có thể biện minh cho sự tức giận của con, ngay cả khi hành vi đó không chính đáng. Dù sao thì bất cứ ai cũng có lúc cảm thấy không vui và tức giận.

Nếu con bạn không thể giải thích vấn đề của mình thì bạn cần để trẻ yên tĩnh cho đến khi trẻ bình tĩnh lại.

Trên thực tế, vấn đề không phải là sự tức giận, mà là kết quả của hành vi. Trẻ em thường có khả năng chịu đựng thất vọng thấp. Chỉ vì con bạn tức giận không có nghĩa là mọi thứ sẽ trở thành một tình huống không thể cứu vãn.

Đừng mong đợi con bạn luôn vui vẻ và hài lòng với mọi quyết định của bố mẹ. Chấp nhận rằng đôi khi con sẽ tức giận với bạn và điều đó không sao cả.

Đừng cố gắng lý luận với một đứa trẻ đang tức giận

Tránh nói chuyện, phân tích tính hợp lý với đứa trẻ đang giận dữ vì điều đó sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên căng thẳng hơn. Đừng cố gắng bắt con bạn nhìn nhận vấn đề theo cách của bạn trong tình huống "gay cấn", đặc biệt là với những đứa trẻ mắc chứng rối loạn chống đối.

Thay vào đó, hãy cho mọi người khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Bạn có thể nói với con rằng: "Bố/mẹ có thể thấy là con đang thực sự khó chịu. Chúng ta sẽ tạm dừng nói về vấn đề này và để khi khác, khi chúng ta vui vẻ hơn".

Đừng đưa ra hậu quả hoặc lời đe dọa trong lúc nóng nảy

Tương tự như vậy, hãy đợi cho đến khi mọi thứ lắng xuống trước khi bạn đưa ra hậu quả cho con mình. Nếu bạn cố gắng trừng phạt con khi cảm xúc đang dâng trào, rất có thể bạn sẽ khiến con càng tức giận hơn.

Bạn cũng có thể nghĩ xem liệu hậu quả đưa ra với con có thực sự cần thiết sau khi cơn giận dữ qua đi hay không. Đôi khi, cha mẹ sẽ trừng phạt trẻ chỉ vì đang cáu giận.

Khi bạn nhìn vấn đề một cách khách quan và con bạn đang giải quyết cơn giận của mình bằng cách đi dạo để hạ hỏa. Trong tình huống này, bạn có thể bỏ qua ý định trừng phạt con.

Mặc dù mỗi gia đình có những quy tắc khác nhau về điều gì được phép và điều gì không, nhưng bạn nên cho phép con bạn thể hiện sự tức giận một cách phù hợp. Đừng đưa ra hậu quả cho cảm xúc, hãy đưa ra hậu quả cho hành vi không phù hợp.

Đừng bỏ lỡ cơ hội nói chuyện với con sau đó

Nếu con bạn đủ lớn và có vẻ sẵn sàng nói về điều khiến chúng tức giận. Bạn và con hãy ngồi xuống và thảo luận về việc đó.

Hãy chia sẻ với con chân tình, thực sự lắng nghe những gì con bạn nói, đừng ngắt lời hoặc rao giảng. Nếu con cởi mở, hãy thử hỏi con những câu hỏi như: "Con nghĩ có thể làm gì để giải quyết vấn đề này tốt hơn vào lần tới?" hoặc "Bố/mẹ có thể làm gì để giúp ích cho con không?".

Hầu hết thanh thiếu niên nổi cơn thịnh nộ hoặc mất kiểm soát là do chúng có kỹ năng giải quyết vấn đề kém hoặc chúng chưa học được cách giải quyết các vấn đề theo những cách lành mạnh.

Các kỹ năng giải quyết vấn đề không tự nhiên mà có được. Đôi khi, bằng cách nói chuyện với con và tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra, bạn có thể hướng dẫn con những công cụ hữu ích để giải quyết vấn đề.

Đừng đánh mất mục tiêu của mình

Hãy luôn tự hỏi, bản thân bạn đang hướng tới điều gì với tư cách là cha mẹ. Mục tiêu cuối cùng của bạn là gì?

Một trong những công việc quan trọng nhất của chúng ta là chỉ cho con cái những cách cư xử phù hợp, lành mạnh và cách giải quyết vấn đề đúng đắn.

Điều quan trọng không chỉ là kỷ luật con cái mà còn là dạy dỗ và hướng dẫn chúng. Đôi khi các bài học không yêu cầu phải đưa ra hậu quả mà là cơ hội để bạn và con trò chuyện. Sau đó, bạn sẽ giúp con nghĩ ra cách tốt hơn để xử lý tình huống trong những lần khác.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nhung-dieu-bo-me-khong-nen-lam-khi-con-dang-tuc-gian-20230228105756619.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nhung-dieu-bo-me-khong-nen-lam-khi-con-dang-tuc-gian-20230228105756619.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những điều bố mẹ không nên làm khi con đang tức giận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO