Những điều bạn có thể chưa biết về Trận chiến Stalingrad

Quang Đào| 13/06/2022 11:13

Trận chiến Stalingrad không chỉ là cuộc chiến đẫm máu nhất, mà còn là trận chiến mang tính bước ngoặt trong Thế chiến II.

Trận Stalingrad (23/8/1942-2/2/1943) là một trong những trận chiến đặc biệt trên nhiều phương diện. Cuộc tấn công tàn khốc của Đức vào thành phố Nga huy động sự tham gia của hàng triệu quân của cả phe phát xít và Hồng quân Liên Xô.

Binh sĩ Liên Xô dẫn giải tù binh chiến tranh Đức tại Stalingrad. (Nguồn: rarehistoricalphotos.com)
Binh sĩ Liên Xô dẫn giải tù binh chiến tranh Đức tại Stalingrad. (Nguồn: rarehistoricalphotos.com)

Dù phải đối mặt với sức ép ngộp thở của quân phát xít Đức, nhưng với tinh thần quật cường, quân và dân Liên Xô đã đẩy lùi thành công quân Đức. Tại đây, tên tuổi của nhiều binh lính và tướng lĩnh đã được lịch sử ghi lại, đồng thời trận chiến cũng chứng kiến những đổi mới trong kỹ thuật và công nghệ chiến đấu, thậm chí vẫn còn được áp dụng vào ngày nay.

Trận chiến tại Stalingrad đã cung cấp những bài học quý giá cho người Liên Xô và sự thật phũ phàng cho người Đức. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều thú vị khác ít khi được nhắc đến.

Không chỉ là quân Đức đối đầu quân Liên Xô

Người Đức chiếm phần lớn lực lượng của phe Trục tại Stalingrad, nhưng phần lớn đó không có nghĩa là hoàn toàn. Chiến trường này còn có sự hiện diện của một số quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc phe Trục.

Ban đầu, quân Đức đạt bước tiến nhanh chóng, chiếm nhiều khu vực bên trong Stalingrad. Với 13 sư đoàn với khoảng 27 vạn quân những ngày đầu chiến dịch, đến cuối tháng 9/1942, tại hướng Stalingrad đã có 80 sư đoàn quân Đức và các đồng minh Hungary, Italy và Romania. Đến tháng 11, quân Đức đẩy phòng tuyến Liên Xô về phía bờ sông Volga.

Cụ thể, quân đội Romania đóng góp 2 đạo quân với tổng cộng 228.072 binh lính và 240 xe tăng. Quân Italy cũng nhập cuộc với quân số không hề nhỏ. Bên cạnh đó, hai quốc gia này cũng rải quân tại các khu vực xung quanh Stalingrad, nhằm bảo vệ hai bên sườn của Tập đoàn Quân số 6 của Đức quốc xã.

Cũng có hàng chục nghìn Hilfswillige (tức quân tình nguyện Đức) chiến đấu tại Stalingrad. Phần lớn những người lính này là tù binh hoặc quân tình nguyện từ Đông Âu và Liên Xô, họ lựa chọn chiến đấu cho Đức để chống lại Liên Xô.

Cả hai bên đều ghi nhận con số thương vong hàng trăm ngàn người. Vào cuối trận chiến, từ khoảng 500.000 người, dân số Stalingrad chỉ còn 35.000. Giới sử học cũng coi đây là trận đánh có quy mô lớn nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử quân sự thế giới.

Trong trận đánh Stalingrad diễn ra trong nửa năm, tổng số người thương vong và mất tích của 2 bên ước tính khoảng 2 triệu. Nhiều thường dân cũng thiệt mạng do oanh kích và pháo kích.

Quân Đức chiếm đóng Stalingrad năm 1942. (Nguồn: 19fortyfive.com)
Quân Đức chiếm đóng Stalingrad năm 1942. (Nguồn: 19fortyfive.com)

Những điều đặc biệt

Cuộc giao tranh trong thành phố bị dày xé bởi bom đạn đã diễn ra vô cùng ác liệt. Binh lính hai bên chiến đấu để chiếm lấy từng thước đất.

Khi đó, quân đội Đức thường sử dụng một căn phòng duy nhất bên trong một tòa nhà bị phá hỏng bởi bom đạn để làm căn cứ hoạt động.

Tuy nhiên, những cứ điểm này thường không an toàn. Vì vậy, để ngăn chặn quân Liên Xô ném lựu đạn qua cửa sổ, quân Đức đã treo dây thép và giăng lưới lên các lỗ hổng và khe hở. Đáp lại, người Liên Xô đã gắn móc vào lựu đạn.

Bên cạnh đó, các nhà sử học ghi lại rằng, khi quân Đức triển khai bước đầu tiến công vào phía Bắc Stalingrad, Sư đoàn thiết giáp số 16 đã chạm trán với Trung đoàn Phòng không 1077, vốn được giao nhiệm vụ bảo vệ sân bay Gumrak.

Điều đặc biệt, những người lính của Trung đoàn 1077 hầu như chỉ là những cô gái tuổi teen mới ra trường. Được trang bị những khẩu pháo M1939 37mm cũ kỹ, nhưng những cô gái này đã nhanh trí dùng những khẩu pháo phòng không này để ngăn chặn bước tiên của xe tăng Đức.

Kết quả là, trong 2 này, Trung đoàn 1077 đã chặn đứng cuộc tiến công của quân Đức, tiêu diệt 83 xe tăng, 15 xe bọc thép chở quân, 14 máy bay và phân tán 3 tiểu đoàn bộ binh.

Huyền thoại lính bắn tỉa của Liên Xô Vasily Zaitsev. (Nguồn: stalingradfront.com)
Huyền thoại lính bắn tỉa của Liên Xô Vasily Zaitsev. (Nguồn: stalingradfront.com)

Người hùng Vasily Zaitsev

Trong trận đánh Stalingrad, Anh hùng Liên Xô Vasily Grigoryevich Zaytsev luôn là nỗi khiếp sợ đối với quân đội phát xít, đặc biệt là các sĩ quan Đức. Câu chuyện anh hùng của người lính bắn tỉa này còn được dựng thành một bộ phim Hollywood mang tên Kẻ thù trước cổng (Enemy At The Gates).

Tại trận Stalingrad, Zaytsev thuộc trung đoàn Xạ thủ bắn tỉa 1047, sư đoàn lính bắn tỉa 284. Từ tháng 10/1942 đến tháng 1/1943, Zaytsev đã bắn hạ 242 lính, sĩ quan Đức và các nước thuộc phe Trục bằng khẩu súng trường Mosin-Nagant có lắp kính ngắm. Đáng chú ý, trong số đó có 11 tay súng bắn tỉa của đối phương.

Đến tháng 1/1943, Zaytsev bị thương ở mắt do dính phải mảnh mìn. Tuy nhiên, ông đã được giáo sư y khoa nổi tiếng thời đó Volodymyr Filatov giúp phục hồi thị lực.

Liên Xô đã phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Vasily Zaytsev vào ngày 22/3/1943, và phân công cho ông nhiệm vụ tuyển chọn, cũng như huấn luyện một số binh sĩ có năng khiếu bắn tỉa trở thành các xạ thủ chuyên nghiệp.

Chiến tranh kết thúc, Zaytsev giải ngũ và chuyển tới Kiev, Ukraina sinh sống. Sau đó, ông tham gia quản lý một nhà máy dệt cho tới khi qua đời vào ngày 15/12/1991. Di hài của ông được chuyển về khu nghĩa trang trên đồi Mamayev thuộc thành phố Volgagrad, Nga.

Toàn cảnh mặt trước tượng đài Mẹ Tổ quốc. (Nguồn: Flickr)
Toàn cảnh mặt trước tượng đài Mẹ Tổ quốc. (Nguồn: Flickr)

Tượng đài khổng lồ tưởng nhớ những người đã khuất

Tượng đài Mẹ Tổ quốc tại thành phố Volgograd (trước là Stalingrad) có lý do ra đời rất đặc biệt. Đồi Mamayev, nơi tượng đài tọa lạc, là địa điểm diễn ra trận Stalingrad. Ngọn đồi này là một cao điểm quan trọng, mắt xích then chốt nhất trong phòng tuyến bảo vệ thành phố Stalingrad khi đó.

Tượng đài được khánh thành vào năm 1967 và cao 85 m, vào thời điểm đó, đây là bức tượng cao nhất thế giới. Phần tượng mô tả bà mẹ Nga cao 52 m, phần thanh kiếm dài 33 m. Để đi từ chân đồi lên bức tượng khổng lồ, người ta sẽ phải bước qua 200 bậc thang, tượng trưng cho 200 ngày khốc liệt của trận Stalingrad.

Nhà điêu khắc chính trong công trình tượng đài Mẹ Tổ quốc là Yevgeny Vuchetich, cha đẻ của nhiều tác phẩm điêu khắc nổi tiếng khác và kỹ sư Nikolai Nikitin, người thiết kế nên tháp truyền hình Ostankino ở thủ đô Moscow.

Tượng đài Mẹ Tổ quốc thực sự trở thành một biểu tượng của tinh thần Nga, tính cách Nga, ý chí Nga.

Lính Liên Xô không đi tất

Những người lính Xô Viết có thể không mang tất, nhưng họ không đi chân trần để đối chọi lại với cái rét buốt thấu xương của nước Nga. Đa phần các binh sĩ đều mang portyanki, kiểu vải lót chân dùng từ thế kỷ XVI.

Portyanki có cách buộc đặc biệt để tránh gây khó chịu cho người mang và có giá thành rẻ. Bởi khi đó, tất là mặt hàng xa xỉ chỉ dành cho những người giàu có.

Binh lính Nga vẫn sử dụng portyanki cho tới năm 2013, khi quân đội Nga chính thức cải tổ cách hoạt động và cho phép các binh sĩ sử dụng tất thay vì cuốn vải vào chân.

Binh lính Đức quốc xã không được phép đầu hàng

Khi trận chiến Stalingrad đi đến hồi kết, Tập đoàn quân đoàn số 6 của Đức ở vào thế không còn đường thoát và hoàn toàn không có cơ hội chiến thắng nào, nhưng Hitler vẫn không chịu để quân Đức đầu hàng. Y yêu cầu Tướng Paulus và lính Đức phải chiến đấu tới người cuối cùng.

Tuy nhiên, trên thực tế, Tập đoàn quân đoàn số 6 đã kháng lại lệnh của Hitler và đầu hàng Hồng quân Liên Xô.

Trận chiến Stalingrad, tất nhiên, chứa đựng nhiều bí mật đối với các nhà sử học, trong đó có nhiều điều mà chúng ta sẽ không bao giờ biết. Nhưng ít nhất, chúng ta có thể thấy được sự tàn bạo của Thế chiến II nói riêng và các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới nói chung.

Bài liên quan
  • Tại sao Hồng quân trụ vững trong trận đánh thay đổi cục diện chiến tranh ở Stalingrad?
    Stalingrad được coi là một trong những chiến trường đẫm máu nhất trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, cũng như trong lịch sự nhân loại với sự tham gia của hàng triệu quân của cả phe phát xít và Hồng quân Liên Xô. Tại chiến trường lịch sử này, quân và dân Liên Xô đã chặn đứng đạo quân hùng hậu và thiện chiến của phát xít Đức và phe Trục để thay đổi cục diện chiến tranh từ năm 1942. Vậy tại sao Hồng quân lại tạo được kỳ tích như vậy sau hàng loạt thất bại nặng nề ở giai đoạn đầu chiến tranh?
  • Đau đáu đóng góp cho quê nhà
    Ở Đài Loan (Trung Quốc) có một phụ nữ Việt Nam luôn hướng về quê hương, luôn dành trọn vẹn tâm huyết để vun đắp mối quan hệ hữu nghị, phát triển của 2 cộng đồng
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những điều bạn có thể chưa biết về Trận chiến Stalingrad
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO