Những địa phương có chi phí sống đắt đỏ nhất Việt Nam

30/03/2023 09:19

Theo Tổng cục Thống kê, Hà Nội cùng với Quảng Ninh và TP.HCM là 3 địa phương có mức sống cao nhất cả nước năm 2022.

Hà Nội tiếp tục là địa phương có mức sống cao nhất cả nước năm 2022. Ảnh: Việt Linh.

Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2022 của Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy vùng Đồng bằng sông Hồng có chỉ số SCOLI cao nhất cả nước, trong khi Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có chỉ số giá SCOLI thấp nhất.

Thống kê chỉ số giá sinh hoạt từng tỉnh, thành phố năm 2022 cho thấy 5 địa phương có mức giá cao nhất cả nước trong năm vừa qua là Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở chiều ngược lại, 5 địa phương có mức giá thấp nhất cả nước là Quảng Trị, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Nam Định.

Chi phí sống ở TP.HCM rẻ hơn Hà Nội

Tại báo cáo này, Quảng Ninh xếp thứ 2 với chỉ số SCOLI bằng 99,9% Hà Nội. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, địa phương này có 6 nhóm chỉ số giá bình quân cao hơn Hà Nội như giáo dục (106%); thuốc và dịch vụ y tế (106%); đồ uống và thuốc lá (105%); nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (101%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (101%).

"Quảng Ninh có vị trí đắt đỏ thứ hai cả nước do là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước", Tổng cục Thống kê đánh giá.

Theo cơ quan thống kê, trong những năm qua, Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả ngành kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Kinh tế Quảng Ninh phát triển sôi động dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với địa phương khác.

Đứng thứ ba cả nước là TP.HCM với chỉ số SCOLI bằng 96% so với Hà Nội. Một số nhóm hàng của TP.HCM có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội phải kể tới may mặc, mũ nón và giày dép (78%); văn hóa, giải trí và du lịch (92%); thiết bị và đồ dùng gia đình (94%)...

NHỮNG ĐỊA PHƯƠNG CÓ CHỈ SỐ SCOLI CAO/THẤP NHẤT NĂM 2022
Số liệu so với chỉ số tại Hà Nội là 100%. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
NhãnHà NộiQuảng NinhTP.HCMĐà NẵngBà Rịa - Vũng TàuNam ĐịnhSóc TrăngBến TreTrà VinhQuảng Trị

%10099.8996.295.8995.8687.8287.3486.8986.8986.83

Ngược lại, địa phương này cũng có một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội như hàng hóa và dịch vụ khác (120%); đồ uống và thuốc lá (114%); bưu chính viễn thông (113%); nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (111%).

Theo Tổng cục Thống kê, Quảng Trị là địa phương có chỉ số SCOLI năm 2022 thấp nhất cả nước khi chỉ bằng 86,83% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Quảng Trị so với Hà Nội chủ yếu dao động trong khoảng 76-115%.

"Giá lương thực, thực phẩm; may mặc, mũ nón giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; dịch vụ giáo dục và y tế thấp, chi phí du lịch rẻ là các yếu tố làm cho mức độ đắt đỏ của Quảng Trị thấp nhất cả nước", Tổng cục Thống kê đánh giá.

Địa phương có chỉ số giá SCOLI thấp thứ 2 cả nước năm vừa qua là Bến Tre và Trà Vinh, cùng ở mức 87% so với Hà Nội. Tiếp theo là các tỉnh Sóc Trăng, Nam Định, Hậu Giang, Đồng Tháp, Gia Lai...

Cơ quan thống kê đánh giá các tỉnh có mức giá thấp nhất cả nước phần lớn do các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở thuê; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục; dịch vụ vui chơi, giải trí có mức giá thấp.

30 địa phương gia tăng mức độ đắt đỏ trong chi phí sinh hoạt

Tổng cục Thống kê cho biết so với năm 2021, năm 2022 có 25 địa phương biến động giảm mức độ đắt đỏ, 30 địa phương tăng mức độ đắt đỏ và 8 địa phương không biến động.

Trong đó, các tỉnh biến động nhiều nhất với mức tăng/giảm 10-17 bậc là Bắc Kạn, Long An, Thanh Hóa, Tiền Giang, Thái Nguyên... Các địa phương không biến động là Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cà Mau.

Một số địa phương ghi nhận giảm mức độ đắt đỏ hơn năm 2021 (khoảng 9-17 bậc) là Bắc Kạn, Long An, Đồng Tháp, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Tĩnh chủ yếu có giá thấp hơn ở nhóm hàng thực phẩm, giáo dục, may mặc, mũ nón, giày dép, hàng hóa và dịch vụ khác.

Trong đó, Bắc Kạn có chỉ số SCOLI thay đổi biên độ lớn nhất cả nước với mức giảm 17 bậc so với năm 2021 (năm 2021 xếp vị trí 15, đến năm 2022 giảm xuống vị trí 32).

chi so gia sinh hoat anh 1
Năm 2022 ghi nhận 30 địa phương gia tăng mức độ đắt đỏ trong chi phí sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Giám.

Ngược lại, một số địa phương như Thanh Hóa, Tiền Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Lâm Đồng có biến động tăng mức độ đắt đỏ của năm 2022 so với năm 2021 tương đối cao (10-13 bậc). Thanh Hóa từ vị trí 49 năm 2021 đã leo lên vị trí 36 do giá nhóm bưu chính, viễn thông cao hơn 9% so với Hà Nội; đồ uống thuốc lá cao hơn 6%.

Hay Tiền Giang từ vị trí thứ 29 trong năm 2021 đến năm 2022 đã tăng lên vị trí thứ 17; Thái Nguyên từ vị trí 34 lên vị trí 24.

Theo cơ quan thống kê, kinh tế xã hội nước ta năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao. Diễn biến thương mại toàn cầu suy giảm; căng thẳng địa chính trị... làm cho đơn đặt hàng giảm, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới ở mức cao.

Tuy nhiên, nhờ sự điều hành giá thận trọng, phù hợp của Chính phủ và hàng hóa tiêu dùng dồi dào với hệ thống phân phối đa dạng nên mức giá hàng hóa, dịch vụ của các địa phương ít biến động. Do vậy, Tổng cục Thống kê đánh giá chỉ số SCOLI năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thay đổi nhiều so với năm 2021.

Theo zingnews.vn
https://zingnews.vn/nhung-dia-phuong-co-chi-phi-song-dat-do-nhat-viet-nam-post1416715.html
Copy Link
https://zingnews.vn/nhung-dia-phuong-co-chi-phi-song-dat-do-nhat-viet-nam-post1416715.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những địa phương có chi phí sống đắt đỏ nhất Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO