Theo đó, có những địa điểm mà chính phủ các nước không tiếc tiền của, cũng như sức lực để bảo vệ và phòng thủ. Thực chất, đây là những pháo đài “bất khả xâm phạm” theo đúng nghĩa, nên việc tập kích chúng sẽ khiến đối phương bị tổn thất nặng nề.
1. Khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên
Khu phi quân sự (DMZ), phân chia bán đảo Triều Tiên trên vĩ tuyến 38, là biên giới khép kín và được canh gác nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Một dải đất dài 241km và rộng 4km đóng cửa hoàn toàn đối với cả dân thường và quân nhân. Lính biên phòng được quyền bắn người vi phạm mà không cần cảnh báo. Khu phi quân sự này được rải đầy những bãi mìn, còn hai phía luôn tập trung những lực lượng quân sự hùng hậu.
Khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Ảnh: RIA Novosti / Ramil Sindikov. |
Trong số 10.500 khẩu pháo và hệ thống tên lửa phóng loạt của lực lượng bộ binh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, thì có đến 8.000 khẩu đặt ở ngay gần biên giới. Chúng có khả năng khai hỏa dồn dập vào quân đối phương đang tiến công, cũng như có thể bắn đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Khu vực phía bắc của DMZ có khoảng 300.000 binh lính bảo vệ, trong khi khu vực bờ biển phía tây và phía đông được yểm trợ bởi lực lượng 100.000 quân. Gần biên giới có một mạng lưới các hầm trú ẩn dưới lòng đất, hệ thống đường hầm thông tin liên lạc và boong ke kiên cố. Để phá vỡ lớp phòng thủ này và nếu có thể, thì sẽ phải chịu tổn thất rất nặng nề.
Tại khu vực bên phía Hàn Quốc, có 2 trong 3 quân đoàn bộ binh của nước này được triển khai. Xét về quân số, lực lượng này ít hơn so với các nước láng giềng nhưng lại được vũ trang tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra, trên lãnh thổ Hàn Quốc còn có 3 căn cứ quân sự của Mỹ, những căn cứ này sẽ hỗ trợ cho đồng minh trong trường hợp nổ ra chiến sự. Đặc biệt, gần khu phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên còn có các tổ hợp phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ đang làm nhiệm vụ.
2. Bộ Chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD)
Trung tâm an ninh quốc gia của Hoa Kỳ nằm trên ngọn núi Cheyenne rộng 3km ở vùng ngoại ô thành phố Colorado Springs và ẩn sâu dưới lòng đất là Bộ Chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD), hay còn gọi là Trung tâm Chỉ huy phòng thủ hàng không – vũ trụ, nơi kiểm soát các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ và Canada. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, ban lãnh đạo chính trị và quân sự sẽ chỉ huy lực lượng quân đội từ căn hầm này.
Lối vào khu phức hợp dưới lòng đất NORAD. Ảnh: Public domain. |
Việc xây dựng căn cứ dưới lòng đất được bắt đầu vào năm 1961. Trong 3 năm, người ta đã tạo ra hệ thống hang động nhân tạo, bao gồm 3 đường hầm (dài 180m, cao 20m, rộng 15m) và 4 đường hầm nữa cắt ngang (dài 100m, cao 17m, rộng 10m), hình thành nên một mạng lưới đường hầm đan chéo nhau độc đáo.
15 kết cấu kim loại được bố trí trong các phòng, trong đó có 12 tòa nhà cao 3 tầng, còn lại là 1 hoặc 2 tầng. Phần vỏ ngoài bằng thép carbon dày 9,5mm được hỗ trợ bởi bộ khung thép bên trong. Các cấu trúc được lắp đặt trên lò xo và có thể chịu được động đất hoặc sóng nổ sau một cuộc tấn công hạt nhân.
Lối vào “boong ke Ngày tận thế” là một đường hầm cong dài 1,5km, xuyên qua núi Cheyenne. Lối vào này được đóng lại bằng một cánh cửa lớn nặng 25 tấn và dày 1m. Một hệ thống phòng không nhiều lớp được triển khai ở khu vực xung quanh, trong khi các đơn vị cảnh vệ có thể trụ vững được trong tình thế bị bao vây nhiều ngày.
3. Những khu vực cấm tiếp cận của Nga
Washington từng nhiều lần khẳng định rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Nga, thì nhiệm vụ hàng đầu của quân đội Mỹ là vô hiệu hóa những vùng được gọi là “Khu vực cấm tiếp cận” (Anti-Access/AreaDenial, A2AD).
Đây là cách mà Lầu Năm Góc gọi lãnh thổ của đối phương được bảo vệ bởi hệ thống phòng không uy lực, tên lửa chống hạm, các tổ hợp tấn công trên bờ và tác chiến-chiến thuật, cũng như bởi các phương tiện tác chiến điện tử. NATO cho rằng, quân đội xâm nhập vào những khu vực này sẽ phải chịu tổn thất lớn một cách phi lý.
Các tổ hợp tên lửa tác chiến-chiến thuật Iskander được triển khai tại Kaliningrad (Liên bang Nga). Ảnh: RIA Novosti. |
Một trong những khu vực cấm tiếp cận của Nga là tỉnh Kaliningrad, nơi có trụ sở của Hạm đội Baltic và lực lượng quân sự phối hợp hùng hậu. Đặc biệt, các tổ hợp tên lửa tác chiến-chiến thuật Iskander được triển khai tại đây. Khu vực này được bảo vệ bởi 2 lữ đoàn tên lửa phòng không và 3 trung đoàn tác chiến điện tử trước các cuộc tấn công trên không.
4. Căn cứ hải quân Du Lâm của Trung Quốc
Một trong những địa điểm bí mật nhất của Trung Quốc là căn cứ quân sự nằm trên đảo Hải Nam. Lần đầu tiên người Mỹ thông tin về căn cứ này là vào năm 2008, sau khi họ đưa ra hình ảnh vệ tinh của 2 bến tàu dài 950m và 4 cầu cảng nhỏ hơn. Theo các chuyên gia, hai nhóm tấn công tàu sân bay hoặc những tàu đổ bộ đa năng cỡ lớn có thể được triển khai đồng thời tại Du Lâm.
Lính thủy đánh bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: AP / Zha Chunming. |
Tuy nhiên, điều bí mật nhất thì đã được che giấu trước sự do thám từ các vệ tinh, đó là cơ sở hạ tầng chính nằm trong hệ thống hang động đá. Theo Lầu Năm Góc, đồn trú tại đó là các tàu ngầm hạt nhân chiến lược, mỗi tàu được trang bị 12 tên lửa đạn đạo. Căn cứ này có đủ chỗ để bố trí 20 chiếc tàu ngầm.
Đảo Hải Nam và căn cứ hải quân Du Lâm thuộc quân khu phía Nam. Đây là quân khu mạnh nhất của Lực lượng vũ trang Trung Quốc.
QUỐC KHÁNH (theo RIA Novosti)