Những đại án được xét xử trong năm 2022

13/12/2022 09:42

"Thổi" giá robot phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai

Năm 2022, Đảng và Nhà nước tiếp tục quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng. Nhiều đại án kinh tế được điều tra và truy tố. Hàng loạt cán bộ chủ chốt, nguyên lãnh đạo cấp cao bị đưa ra xét xử.

"Thổi" giá robot phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai

Năm 2009, ông Nguyễn Quốc Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Tháng 5/2016, vị lãnh đạo này gặp mặt Phạm Đức Tuấn  (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS) để nghe đề xuất hợp tác cung cấp 2 thiết bị phẫu thuật là robot Rosa và robot Mako.

Sau khi thống nhất được phương án liên kết, Bệnh viện Bạch Mai khi đó đồng ý mua robot Rosa từ Công ty BMS với giá 39 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Quốc Anh sau đó đã phân công cấp thuộc cấp hoàn thiện các thủ tục mà không thông qua Đảng ủy, Ban giám đốc và công đoàn bệnh viện.

Những đại án được xét xử trong năm 2022 - 1

Robot phẫu thuật Rosa bị thổi giá hơn 5 lần.

Theo VKS, robot Rosa có giá nhập khẩu chỉ 7,4 tỷ đồng nhưng Tuấn đã "làm việc" với Công ty Thẩm định giá VFS để đơn vị này ban hành chứng thư chứng nhận robot có giá đến 39 tỷ đồng.

Sau khi Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS hoàn tất các thủ tục liên kết và bàn giao thiết bị, cơ quan tố tụng xác định Tuấn đã "biếu" ông Quốc Anh 400 triệu đồng và 10.000 USD.

Vụ án gây ra thiệt hại cho chính các bệnh nhân khi chi phí điều trị bị đội lên theo giá trị của robot phẫu thuật. Cụ thể, đã có 637 ca bệnh bị tăng chi phí với tổng số tiền hơn 10,5 tỷ đồng.

Những đại án được xét xử trong năm 2022 - 2

Phiên tòa xét xử ông Nguyễn Quốc Anh (hàng đầu trên trái).

Ngày 24/1, TAND TP Hà Nội tuyên phạt cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Cùng tội danh này, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền bị phạt 3 năm 6 tháng tù, 2 bị cáo khác tại bệnh viện lần lượt nhận các mức án 3 năm tù treo và 2 năm tù treo.

Trong khi đó, Phạm Đức Tuấn lĩnh 3 năm tù treo, Ngô Thị Thu Huyền (cựu Phó Giám đốc Công ty BMS) nhận 2 năm 6 tháng tù treo, Phan Minh Dung (cựu Tổng giám đốc Công ty VFS) và Trần Lê Hoàng (nhân viên VFS) lần lượt lĩnh 20 tháng tù và 2 năm tù.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C

Trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3, ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Bị cáo sau đó nộp đơn kháng cáo. Phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào cuối tháng 6 tại TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Theo cáo buộc của VKS, giữa năm 2016, với vai trò là người đứng đầu TP Hà Nội, ông Chung đã có chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy 3C từ hãng Watch Water GmbH để xử lý ô nhiễm tại các hồ ở Hà Nội. Sau đó, cựu Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Võ Tiến Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, Công ty Thoát nước Hà Nội) mua chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic, không mua trực tiếp từ hãng.

Những đại án được xét xử trong năm 2022 - 3

Chế phẩm Redoxy 3C.

Trong chuyến công tác tại Đức để làm việc, đàm phán, đặt hàng với Watch Water GmbH, ông Chung đã yêu cầu dừng việc xử lý ô nhiễm nước hồ theo công nghệ cũ khi chưa thực hiện thử nghiệm, đánh giá tính hiệu quả của chế phẩm Redoxy 3C. Chuyến đi công tác nước ngoài này, cựu Chủ tịch Hà Nội tạo điều kiện để Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) đi cùng nhằm giúp bị cáo Giang có thể tham gia vào phi vụ.

Với sự hậu thuẫn của bị cáo Chung, Công ty Arktic đã độc quyền nhập khẩu chế phẩm, hưởng lợi bất chính 36 tỷ đồng.

Những đại án được xét xử trong năm 2022 - 4

Ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đã tác động gia đình nộp toàn bộ số tiền bị quy kết là thiệt hại của vụ án. Vì vậy, sau khi nghị án, ngày 22/6, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo, quyết định giảm mức án từ 8 năm tù xuống còn 5 năm tù cho ông Nguyễn Đức Chung.

Các bị cáo Nguyễn Trường Giang được giảm 1 năm 6 tháng tù so với án sơ thẩm, bị tuyên phạt 3 năm tù; bị cáo Võ Tiến Hùng được giảm từ 4 năm tù xuống 30 tháng tù.

Riêng đối với ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội trước đó bị tuyên phạt 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" nên bị cáo này phải chấp hành hình phạt chung là 10 năm tù.

Cựu Bí thư, cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương bán rẻ "đất vàng"

Chiều 30/8, TAND TP Hà Nội tuyên phạt cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cùng 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Ngoài 2 cựu lãnh đạo trên, ông Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2 lĩnh 27 năm tù về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản",  25 bị cáo khác nhận các mức án từ 36 tháng tù treo đến 23 năm tù.

Theo cáo buộc, năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương xin phê duyệt đề án phát triển khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương và giao đất cho Tổng Công ty 3/2 đền bù giải phóng mặt bằng.

Những đại án được xét xử trong năm 2022 - 5

Bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Tổng giám đốc Công ty 3/2 khi đó là ông Nguyễn Văn Minh đã tự ý "biến" 2 khu đất 43 ha và 145 ha thành sân golf, trường đua và dịch vụ khác, dù công tác giải phóng mặt bằng chưa được hoàn tất.

Khi các dự án chưa được phê duyệt hay được cấp quyền sử dụng đất, ông Minh đã chỉ đạo ký kết hợp đồng liên doanh với các công ty "sân sau" của con rể và con gái nhằm chuyển nhượng 2 khu đất với giá thấp hơn thực tế. Hành vi này đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 5.000 tỷ đồng.

Những đại án được xét xử trong năm 2022 - 6

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm.

Đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cơ quan tố tụng xác định ông này biết vụ chuyển nhượng khu đất 43 ha là sai quy định nhưng không có động thái xử lý. Ngược lại, bị cáo Trần Văn Nam còn chỉ đạo cấp dưới ban hành những văn bản đính chính khi dư luận có nghi ngờ về khu đất; điều chỉnh nội dung sai lệch bản chất phương án sử dụng đất đã phê duyệt trước đó để hợp thức hóa, che giấu những sai phạm tại Tổng Công ty 3/2.

Về phía ông Trần Thanh Liêm, bị cáo này biết rõ chủ trương của tỉnh về việc kế thừa khu đất 145 ha vào giá trị tài sản Tổng Công ty 3/2 sau khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, VKS cáo buộc cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp Tổng Công ty 3/2, mà trong đó không có giá trị quyền sử dụng khu đất 145 ha.

2 cựu cán bộ Bộ Công an nhận hàng triệu USD "chạy án" cho giám đốc bệnh viện

Ngày 17/9, TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết với 6 bị cáo trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Môi giới hối lộ" liên quan đến cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) Nguyễn Minh Quân.

Theo cáo buộc, đầu năm 2021, Bộ Công an điều tra một số sai phạm tại Bệnh viện TP Thủ Đức. Khi đó, giám đốc bệnh viện là ông Quân nhờ người giúp để không bị xử lý hình sự. Số tiền mà ông Quân đưa cho Bùi Trung Kiên (cựu cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế C03 Bộ Công an) để lo lót là 2,2 triệu USD.

Những đại án được xét xử trong năm 2022 - 7

Các bị cáo tại phiên tòa.

Tuy nhiên, Kiên không giúp và cũng không có khả năng giúp ông Quân nên bị vị lãnh đạo bệnh viện đòi lại tiền. Kiên chỉ trả 1,15 triệu USD, chiếm đoạt 1,05 triệu USD (tương đương 23,5 tỷ đồng).

Bị cáo Quân sau đó tiếp tục thông qua nhiều mối quan hệ để nhờ cựu cán bộ C03 Lê Thanh An lo lót cho ông "thoát án". An đã nhận 1,5 triệu USD từ ông Quân nhưng sau đó vẫn không thể giúp cho vị giám đốc bệnh viện.

Trong vụ án này, có sự tham gia của luật sư, doanh nhân, cựu trụ trì Chùa Nôm... Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Bùi Trung Kiên 9 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Lê Thanh An 6 năm tù về tội "Môi giới hối lộ", các bị cáo còn lại nhận mức án từ 3 đến 9 năm tù giam.

Đối với cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, HĐXX nhận định hành vi của ông Quân có dấu hiệu cấu thành tội Đưa hối lộ nhưng trước khi hành vi này bị phát giác, vị cựu giám đốc bệnh viện đã tự nguyện làm đơn tố giác và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, ông Quân cũng đã bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức nên ông này không bị xem xét xử lý.

Cán bộ công an tiếp tay đường dây buôn lậu hàng triệu lít xăng

Theo VKSND tỉnh Đồng Nai, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn và các đồng phạm đã thực hiện 48 chuyến hàng, giao dịch gần 200 triệu lít xăng lậu với giá trị khoảng 2.800 tỷ đồng. Số xăng lậu này đã bị tiêu thụ hơn 196 lít, đem về cho các bị cáo hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận bất chính, riêng bị cáo Hữu thu lời hơn 105 tỷ đồng.

Những đại án được xét xử trong năm 2022 - 8

Hàng triệu lít xăng lậu được phát hiện.

Ngoài ra, cuối năm 2020, cơ quan tố tụng còn xác định Viễn cùng 2 đối tượng khác chung vốn mua 2 tàu biển nhằm vận chuyển lậu 5,7 triệu lít xăng giả với giá trị khoảng 98 tỷ đồng.

Quá trình nhập lậu xăng dầu, Phan Thanh Hữu nhận được thông tin có lực lượng của Cục điều tra chống buôn lậu, đang triển khai kiểm tra các tàu hàng. Từ đây, bị can này tìm cách tiếp cận, gặp gỡ ông Ngô Văn Thụy (đội trưởng đội 3 - Cục điều tra chống buôn lậu) để nhờ giúp đỡ.

Những đại án được xét xử trong năm 2022 - 9

Phiên tòa xét xử hàng chục bị cáo trong vụ án.

Hồ sơ thể hiện, bị can Thụy đã nhận hối lộ 500 triệu đồng, 10.000 USD và 1 thẻ ATM với số dư 100 triệu đồng trong tài khoản.

Kết thúc hơn một tháng xét xử, ngày 8/12, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt Đào Ngọc Viễn 17 năm tù, Phan Thanh Hữu 16 năm tù về cùng tội "Buôn lậu", Bị cáo Ngô Văn Thụy 15 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Các bị cáo còn lại nhận nhiều mức án khác nhau.

2 cựu tướng quân đội "bảo kê" đường dây buôn lậu xăng

Liên quan đến vụ án buôn lậu xăng giả do Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn cầm đầu, nhiều chỉ huy, lãnh đạo tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng vướng vòng lao lý khi được xác định có hành vi "bảo kê" cho đường dây này.

Theo cáo buộc, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 Lê Văn Minh đã tạo điều kiện cho Phan Thanh Hữu và đồng bọn buôn lậu xăng trong khoảng thời gian dài mà không bị xử lý. VKS quân sự Bộ đội Biên phòng xác định bị cáo Minh đã nhận gần 6,9 tỷ đồng từ Hữu để "bảo kê" cho hoạt động của đường dây.

Những đại án được xét xử trong năm 2022 - 10

Tòa án Quân sự xét xử vụ án.

Ngoài ông Minh, một cựu Thiếu tướng khác là Lê Xuân Thanh (cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) cũng bị cáo buộc đã nhận hối lộ 1,8 tỷ đồng từ Phan Thanh Hữu.

Riêng đối với cựu Đại tá Phùng Danh Thoại, cựu Trưởng phòng Xăng dầu của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, VKS cáo buộc bị cáo đã trực tiếp góp 5 tỷ đồng cùng nhóm của Hữu để thực hiện hành vi buôn lậu.

Những đại án được xét xử trong năm 2022 - 11

Ông Lê Xuân Thanh (trái) và ông Lê Văn Minh.

Trong vụ án, có nhiều bị cáo từng giữ chức vụ cao như: Cựu Đại tá Phạm Văn Trên, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh; cựu Trung tá Nguyễn Thanh Lâm, Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng; cựu Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh; cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang; cựu Thượng tá Lê Văn Phương, Phó trưởng Phòng CSGT Công an Trà Vinh.

Ngày 15/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 tuyên phạt cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh 15 năm tù, cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh 12 năm tù, cựu Thượng tá Nguyễn Văn Hùng 16 năm tù, cựu Đại tá Phạm Văn Trên, cựu Trung tá Nguyễn Thanh Lâm cùng về tội "Nhận hối lộ". Cùng tội danh này, 6 bị cáo khác nhận nhiều mức án khác nhau.

Đối với tội "Buôn lậu", cựu Đại tá Phùng Danh Thoại lĩnh 7 năm tù, còn cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang bị phạt tù chung thân về tội "Nhận hối lộ", 2 năm tù "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép", tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế bị doanh nghiệp "qua mặt" để chiếm đoạt hơn 3,8 triệu USD

Ngày 24/11, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 30 tháng tù treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hơn 3,8 triệu USD.

Nội dung vụ án xác định, từ tháng 2 đến tháng 4/2006, Công ty Dược Cửu Long nhập 520 kg nguyên liệu Oseltamivir từ Công ty Mambo (Singapore) với giá hơn 9 triệu USD.

Những đại án được xét xử trong năm 2022 - 12

Ông Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế (áo trắng).

Trong đó, Dược Cửu Long đã thanh toán cho Mambo 5,25 triệu USD, còn lại 3,848 triệu USD được trả chậm sáu tháng kể từ ngày nhận hàng. Lúc này, ông Cao Minh Quang là Trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến thuốc Tamiflu và Oseltamivir.

Ông Quang bị cáo buộc đã không chỉ đạo kiểm tra khi Trưởng đoàn Nguyễn Việt Hùng báo cáo việc Dược Cửu Long chưa thanh toán 3,8 triệu USD, dù Bộ Tài chính, Bộ Y tế có chỉ đạo kiểm tra.

Về phía Dược Cửu Long, bị cáo Lương Văn Hóa (cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long không trả hơn 3,8 triệu USD cho Công ty Mambo nhưng cũng không báo cáo hay trả lại số tiền này cho Bộ Y tế. Bị cáo này đã sử dụng hơn 3,8 triệu USD để thanh toán lãi, nợ ngân hàng của công ty.

Trong vụ án này, 4 bị cáo tại Bộ Y tế nhận các mức án từ 15 tháng tù treo đến 30 tháng tù. Đối với nhóm bị cáo tại Công ty Dược Cửu Long, Lương Văn Hóa nhận 9 năm tù giam, 2 bị cáo còn lại bị tuyên phạt 5 và 6 năm tù.

Nội dung: Hải Nam

Thiết kế: Thủy Tiên

13/12/2022

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những đại án được xét xử trong năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO