Một giáo sư từng nói: “Giáo dục gia đình là một môn học đòi hỏi trí tuệ và kỹ năng”.
Tôi đã gặp nhiều bà mẹ trong đời, khi nhìn thấy ánh sáng chói lọi của con người khác, lại thở dài về sự tầm thường của con mình.
Nhưng thực tế, trên đời này không có chuyện gì tự nhiên xảy ra.
Đằng sau mỗi đứa trẻ xuất chúng thường có một người mẹ tuyệt vời.
Họ sử dụng những chiếc bút lông đơn giản nhất của mình để vẽ ra nền giáo dục tốt nhất cho con cái của họ.
Tương lai của những đứa trẻ đó thực sự đã được định sẵn trong quá trình trưởng thành của chúng.
***
Khi con trai 3 tuổi, mẹ đưa con trai đi siêu thị.
Con trai muốn mua kem, mẹ đồng ý, bảo chỉ được chọn một, sau đó ra quầy thanh toán trước.
Một lúc sau, cậu con trai chạy đến, cầm trên tay 2 que kem, nũng nịu nó: “Mẹ ơi! Con thích cả hai cái này nên muốn mua cả hai cơ!"
Mẹ nghiêm nghị nói: “Nếu con không lựa chọn được một trong hai thì cả hai đều không có.”
Sau đó, cậu con trai đặt lại một cây kem và trở về nhà với cây kem bất đắc dĩ của mình.
Từ đó, cậu bé học được bài học về sự lựa chọn và đánh đổi.
***
Khi con trai 4 tuổi, mẹ đưa cậu đi dự một cuộc họp ở sảnh khách sạn khá trang trọng. Con trai mở một hộp bánh quy trong khi mẹ đang gọi điện thoại.
Gọi xong, người mẹ thấy dưới đất đầy vụn bánh quy.
Mẹ xoa đầu con trai: "Con trai, mẹ đố con câu này. Trước đây từng có một con sói lớn xấu tính, sau khi vào khách sạn, nó phát hiện ra 3 con cừu non. Bây giờ hỏi còn bao nhiêu con cừu?"
Cậu con trai tự tin trả lời: "Không con nào. Bởi vì tất cả đều đã bị ăn thịt bởi con sói xấu lớn!"
Mẹ: "Không, vẫn còn 3 con. Bởi vì không được phép ăn trong sảnh khách sạn”.
Con trai liền xấu hổ nói: "Ồ."
Sau đó, mẹ đưa cho con trai một chiếc khăn giấy và bảo cậu bé ngồi xổm xuống để làm sạch tất cả các vụn bánh.
Lúc này, cậu con trai đã học được thế nào là tu thân từ lời nhắc nhở nhẹ nhàng của mẹ.
***
Khi con trai 5 tuổi, một hôm mẹ dẫn con trai đi mua trái cây.
Cậu cảm thấy buồn chán nên đã lén lấy một quả đào ở quầy. Cho đến khi sắp về đến nhà cậu mới chia sẻ "chuyện thú vị" này với mẹ.
Người mẹ nghe vậy không nói gì, quay người dắt con trở lại cửa hàng hoa quả.
Sau khi kiểm tra kỹ, nhiều quả đào có dấu vết của móng tay con trai. Giải thích lý do với chủ cửa hàng xong, người mẹ đã mua hết số đào bị “phá hủy” này.
Cậu con trai bối rối. Người mẹ kiên nhẫn giải thích:
"Nếu mình làm hỏng đào của bà chủ, những người khác không muốn mua nữa thì mình phải chịu trách nhiệm với họ và mua hết số đào đó. Mua về nhà thì không thể lãng phí, chúng ta phải cố gắng để ăn hết, phải không con?”
Quả nhiên, sau đó liên tục một tuần, mỗi ngày ba bữa trong nhà đều phải ăn đào, cậu bé khổ không nói nên lời.
Từ đầu đến cuối, người mẹ đã không khiển trách con trai.
Nhưng người con trai ghi nhớ vấn đề này trong lòng, và học được ý nghĩa của việc trung thực và can đảm chịu trách nhiệm.
****
Khi lên 6 tuổi, cậu con trai bị ám ảnh bởi đá bóng.
Chơi với lũ trẻ trong sân chơi thôi là chưa đủ, cậu muốn có một trái bóng riêng để chơi ở nhà.
Cha mẹ hơi lưỡng lự khi biết mong muốn của con trai, vì lúc đó điều kiện gia đình trung bình, một trái bóng có giá 200 - 300.000 nên cuối cùng, họ đã khéo léo từ chối.
Một ngày nọ, khi người mẹ đi làm về, thấy con trai đang chơi một quả bóng mới ở nhà.
Khi được hỏi quả bóng có từ đâu, đứa trẻ ngập ngừng và nói rằng đó là của một người bạn hàng xóm tặng.
Sau nhiều lần tra hỏi, cuối cùng cậu cũng thừa nhận đã lấy trộm tiền của bố mẹ để mua nó. Cậu lẩm bẩm: "Chỉ có 200.000 thôi, mẹ thật là keo kiệt."
Mẹ nghe xong thì sửng sốt một lúc, không nói được lời nào. Sáng hôm sau, người mẹ đưa cậu bé đến công trường của bố để phụ giúp việc.
Sau 3 ngày lao động, cậu con trai đã khóc vài lần trước khi cuối cùng cũng kiếm được đủ 200 nghìn để trả số tiền đã mua quả bóng.
Khi về đến nhà, mẹ nhìn con trai mệt mỏi và nói:
“Con à, con sẽ biết hai điều khi lớn lên.
Thứ nhất, những thứ chúng ta đặc biệt thích và muốn thường rất đắt. Thứ hai, không dễ kiếm tiền, nhưng dù là khi nào, chúng ta cũng phải dựa vào khả năng của chính mình để kiếm tiền chân chính, rồi sau này mới có thể tiêu được.”
Đứa nhỏ nghe xong cúi đầu hối hận, từ lúc này cậu bé mới hiểu được những gì mình thích phải dựa vào những nỗ lực của chính bản thân để kiếm được.
***
Năm 7 tuổi, con trai đi học tiểu học.
Cậu bé luôn chậm hơn những đứa trẻ nửa nhịp trong học tập và thường bị giáo viên phê bình trong lớp.
Cậu con trai về nhà buồn bã hỏi: "Mẹ ơi, mẹ nghĩ con có dốt không?”
Mẹ lắc đầu và trả lời:
“Con trai, con biết không? Cuộc sống giống như nước sôi, một số nồi nhỏ thì nước sôi nhanh hơn, nhưng nếu nồi của con lớn hơn, tự nhiên nó sẽ sôi chậm hơn.
Vì vậy, ở lại phía sau một thời gian không có ý nghĩa gì, con chắc chắn sẽ làm tốt hơn trong tương lai”
Cậu con trai lau nước mắt, nghiêm trang gật đầu.
Sau đó, cậu không còn nghi ngờ bản thân nữa và bắt đầu kiên định nỗ lực, thành tích từng chút từng chút một được cải thiện.
***
Khi tôi 8 tuổi, mẹ thức dậy sớm để đưa con trai đến trường.
Kết quả là trước khi đi ra cửa, bên ngoài bất ngờ có một trận mưa như trút nước, xe máy cũng không đi nổi.
Mẹ nhìn ra ngoài cửa sổ và đột nhiên nở nụ cười rạng rỡ với con trai: "Con trai, chúng ta hãy thực hiện một cuộc phiêu lưu!"
Người mẹ mang ủng và áo mưa cho con trai, động viên: "Con đừng sợ, hãy nắm chặt tay mẹ. Con đang làm một nhiệm vụ trong trò chơi, chúng ta hãy cùng nhau lao về đích, được không?"
Hai mẹ con lao vào mưa như thế, mưa “tát” vào người và mặt.
Mặc dù bị nước mưa xối vào người như vậy, nhưng trong mắt cậu con trai, cảm giác thả mình trong mưa và sải bước về phía trước là điều chưa từng có, và nó thực sự rất tuyệt.
Một cơn mưa lớn vào sáng sớm năm 8 tuổi đã rơi vào lòng cậu bé, để lại kỷ niệm không thể xóa nhòa.
Để sau này, dù có gặp khó khăn gì con trai cũng coi đó là cuộc phiêu lưu, lòng dũng cảm tràn đầy.
***
Năm 10 tuổi, con trai bị nghi ngờ gian lận vì thì thầm với bạn cùng lớp trong kỳ thi.
Cậu không thừa nhận, kết quả là giáo viên tức giận tìm đến bố mẹ nói chuyện.
Sau tan sở, người mẹ vội vã chạy đến văn phòng, không vội chào hỏi giao viên, thay vào đó bước đến bên cậu con trai, xoa đầu con, nhẹ nhàng hỏi:
"Mẹ biết tất cả mọi chuyện. Trước tiên hãy nói với mẹ, con có gian lận không?”
Cậu con trai lau đôi mắt sưng đỏ: "Mẹ, con thật sự không.”
Mẹ gật đầu, đối mặt với cô giáo:
"Thưa thầy, tôi tin con trai tôi. Thằng bé nói nó không gian lận nghĩa là con thực sự không làm vậy. Tôi sẽ nghiêm túc phê bình thằng bé về việc nói chuyện trong kỳ thi. Nếu đã không có việc gì nghiêm trọng, giờ tôi đưa thằng bé về.”
Nói xong, người mẹ cúi đầu chào giáo viên rồi dẫn con trai ra khỏi phòng giáo vụ.
Trên đường về, cậu con trai nắm chặt tay mẹ: "Mẹ ơi, cảm ơn mẹ đã tin tưởng con. Sau này con sẽ có ý thức hơn và sẽ không bao giờ làm mẹ thất vọng".
Về sau cậu con trai đúng là như vậy, cho dù làm việc hay học tập đều cẩn thận hơn, tự giác.
Rốt cuộc, sự tin tưởng vô điều kiện như vậy, ai có thể nhẫn tâm phụ lòng.
(Còn tiếp…)
Theo V.A - Vietnamnet