Tháng 4/2019, sau khi tốt nghiệp đại học ở TP HCM và thực tập tại Nhật Bản, Nguyễn Thị Thanh Mai (Đồng Nai) bắt đầu chuyến đi hơn một năm khắp châu Phi, theo hình thức hitchhike (đi nhờ xe). Giữa tháng 6/2019, cô đến Sudan từ Ai Cập, bằng cách đi phà qua biên giới. Cô đã ở lại đây một tháng, cũng là thời điểm cao trào trong cuộc đảo chính của người dân.
'Sudan là đất nước nghèo nhất tôi từng đến'
Mai từng tới 13 quốc gia, phần lớn là đang phát triển và 7 trong số đó thuộc châu Phi. Với Mai, các nước ở châu Phi thiếu thốn đủ thứ, có nơi bị cắt điện liên miên, có nơi không có nước máy, có nơi cá tươi là món "thượng hạng", có nơi tìm đồ tươi sống không có, vào siêu thị chỉ có hàng đông lạnh.
Đã biết vậy nhưng khi đến Sudan cô vẫn bị sốc vì những nhu cầu cơ bản nhất cũng không có. Cô đến một vài nơi xa trung tâm thành phố, ở đó người dân phải ăn uống, tắm rửa, rửa xe, tắm cho gia súc ở sông Nile. Điều này làm cô liên tưởng tới Varanasi (Ấn Độ) khi người ta sinh hoạt ở sông Hằng. Nhưng ở Varanasi họ lựa chọn dòng sông vì lý do tín ngưỡng và vẫn có nguồn nước sạch được cung cấp từ hệ thống nước máy, nhưng ở Sudan thì không có lựa chọn khác.
Mai đi nhờ xe ở Sudan
Một khu chợ ở Dongola
Sạp hoa quả là những gì "đắt giá" nhất Thanh Mai thấy
Một bến xe
Buổi picnic bên sông Nile ở Kosti
Về đồ ăn, họ không thiếu nhưng không đa dạng khi chỉ có vài loại rau củ, chủ yếu là thịt bò, còn cá hầu như không có. Trong một tháng ở đây, Mai một lần được ăn cá khi đến vùng sông nước.
Phần lớn diện tích của Sudan nằm trong sa mạc lớn nhất thế giới - Sahara. Vì vậy khi ra ngoài đường chỉ thấy nắng gió, không thấy cây xanh, không thấy hoa cỏ. Với Mai, sự thiếu vắng những điều tưởng chừng như rất bình thường khiến cô cảm giác như bị ăn mòn. Đến thủ đô Khartoum, một thành phố lớn, đông dân, Mai mới thấy có nhiều tiện ích hơn một chút, với vài toà nhà, khách sạn. Ở thành phố cũng có đủ nước sạch hơn và ít khi mất điện.
'Lọt' vào cuộc biểu tình ở Sudan
Ngày 29/6/2019, Thanh Mai rời Kosti trở lại Khartoum lần thứ 2. Trước đó, Mojaba, một người bạn Sudan, đã cảnh báo ở đây có thể xảy ra biểu tình nhưng vì không muốn làm lỡ lịch trình và muốn biết biểu tình diễn ra thế nào, cô vẫn quyết định đến.
Trưa chiều ngày hôm sau, diễn biến về cuộc biểu tình được trực tiếp trên các kênh truyền hình nước ngoài. Người biểu tình không chỉ ở Khartoum mà nhiều vùng khác bắt đầu ra đường vào tầm một giờ chiều. Khi ấy Mai và Mojaba ngồi ở một quán cà phê xem trực tiếp, cô đeo khăn kín để tránh rắc rối và cũng sợ khi nghĩ đến việc mình sẽ có mặt trong dòng người biểu tình này.
Nhưng khi dòng người ở Khartoum đổ về Africa Road, cách quán cà phê không xa, Mai cảm thấy thật lãng phí nếu chỉ ngồi đây để xem truyền hình, nên lập tức tính tiền, hướng đến dòng người. Họ biểu tình ôn hòa, không súng, không đạn, không đánh bom cháy nhà như cô tưởng tượng. Họ đi bộ dọc tuyến đường, hai bên lề xe tăng có súng trải dài nhưng không có động thái bạo lực. Ở một số đoạn đường, cảnh sát điều hòa dòng người để tránh ùn tắc giao thông.
Người biểu tình cầm cờ, người thì mặc áo in hình lá cờ, người buộc lá cờ quanh trán, người đứng trên nóc xe giương cao lá cờ Sudan trước đám đông. Họ vừa đi vừa hô to khẩu hiệu và hát vang bài ca "Cách Mạng" (Soulra). Với cô, không khí ấy ngập tràn sự quyết tâm và tự hào. Mojaba quay ra và nói với vẻ hạnh phúc "Ở đây, linh hồn mỗi người đều vì Sudan".
Người dân mặc áo cờ, cầm cờ ra đường giữa cuộc biểu tình.
Nhưng chỉ khoảng một tiếng sau, khi Mai đang trên xe ôtô của một tài xế để từ Africa Road ra một con đường nhỏ khác, thì bỗng mọi người xung quanh chạy và la hét tán loạn, các đám khói trắng nổi lên xung quanh, khung cảnh trở nên mờ ảo như trong chiến trường.
Khi cô đang chưa hiểu gì thì cửa xe mở toang, một người thanh niên chạy vội vào và một tiếng bụp rất lớn nổ ra, khói cay ùa vào xe. "Mặt tôi nóng bừng bừng. Cổ tôi như có thứ gì bóp lấy. Tôi ôm lấy cổ, cảm thấy thứ gì lan từ cổ lên cằm, lên má, mũi, mắt trán. Tôi tưởng mặt mình đang biến dạng. Ti tỉ từng lỗ chân lông trên mặt tôi giãn ra rồi co lại. Lúc ấy tôi ôm mặt khóc cay xè, vì sợ hãi tột độ và sợ mình sẽ đối mặt với cái chết".
Vơ vội nước trong ba lô, Mai táp lên mặt, dù không làm bớt đau nhưng giúp cô tỉnh táo lại. Rồi cô chuyển cho những người trên xe để "dập lửa" trên mặt. Khi mọi thứ dần bình thường trở lại, người tài xế đi khỏi đường, đưa cô và bạn về nhà.
Đêm đó Mai không ngủ được. Đã hết sợ và cảm thấy an toàn khi nằm trong chăn ấm nhưng những con người, âm thanh, cảm xúc ở cuộc biểu tình cứ dư âm mãi. Đến giờ kỷ niệm ấy với cô vẫn thật khó quên. Sau đó khoảng 10 ngày, Mai rời khỏi thủ đô.
Người dân Sudan rất tốt bụng
Vì những cái khó, cái khổ được trải qua mà Mai cảm thấy mình nhận được rất nhiều tình yêu thương, sự nhân ái. Trái với lo sợ của cô về người dân có khuynh hướng bạo lực, Mai cho rằng "Sudan cũng là đất nước có người dân tốt bụng nhất với mình - trong cả 13 nước mình đã qua".
Cô chia sẻ, sự tốt bụng của người Sudan không phải ở chuyện người ta đối xử tốt với cô - một người nước ngoài, mà ở việc họ đối xử tốt với chính những người xung quanh. Một lần cô và bạn đi nhờ xe ở sa mạc, người lái xe thỉnh thoảng lại dừng và mang những bịch bánh kẹo cho các ngôi nhà rải rác bên đường. Anh ấy cũng dừng khi thấy ai đó bị hỏng xe bên đường và mang nước cho họ uống. Mai thấy lạ, cô hỏi đó có phải bạn anh không thì nhận được cái lắc đầu, họ chỉ là người lạ.
Người tài xế chở cá thường dừng xe bên đường
Một đám cưới ở Kosti
Mai và những người bạn Sudan
Bữa cơm một người dân đãi Mai
Anh lái xe làm nghề chở cá qua lại giữa hai thị trấn ở hai đầu sa mạc. Hàng ngày anh đều chuẩn bị sẵn nhiều bịch bánh kẹo để mang đến cho người dân anh gặp ven đường, vì ở đó họ không dễ mua được bánh kẹo. Anh cũng mang thừa nhiều nước để ai cần thì cho họ. Đến đây, cô cảm thấy vô cùng cảm động.
Nhiều lần khác, Mai cảm nhận rõ người dân ở đây rất lành, chứ không phải kiểu thân thiện hay hiếu khách. Họ nói "Xin chào" với người nước ngoài chỉ bởi vì họ muốn đón chào bạn, chứ không phải để lừa bạn mua một món đồ. Họ không hét giá cho bạn cao hơn so với người bản xứ. Có ngày cô và bạn từng đi nhờ 700 km. "Một người dừng xe lại khi bạn vẫy họ thì gần như chắc chắn họ sẽ cho bạn đi nhờ", cô nói.
Ở trên một vài đoạn đường quốc lộ, không khó để bắt gặp những chiếc xe bus cũ dừng cho đám trẻ con nghèo bán hàng rong đi nhờ miễn phí. Ở bệnh viện, họ không bảo bạn phải đăng ký lại nếu họ là người muốn chuyển bạn sang dịch vụ khác. Thậm chí, một người bác sĩ đã khám mắt cho cô hai lần chỉ vì cô tỏ vẻ bất ngờ với kết quả khám lần đầu.
"Lúc nào mình cũng nghĩ, vì họ không có gì, nên họ chỉ có thể đối với nhau bằng nghĩa tình. Và họ phải dùng cái nghĩa tình ấy một cách trân trọng nhất", Mai nói.
Chiếc giường tượng trưng cho sự hiếu khách
Người Sudan quan niệm giường ngủ tượng trung cho lòng hiếu khách, nên nhà ở của họ có rất nhiều giường. Cứ như họ quan niệm nhà nào càng rộng rãi, nhiều giường thì sự hiếu khách càng cao vậy.
Ở Sudan gần một tháng, Mai chưa thấy một cái giường đôi nào. Họ chỉ dùng giường đơn, vợ, chồng, con cái mỗi người một giường. Họ xếp giường từ phòng ngủ ra phòng khách, ra nhà bếp, ra đến sân. Trong rất nhiều trường hợp, những chiếc giường đơn cũng thay cho vị ví của các bộ bàn ghế và salon, để tiếp khách.
Cô thấy nét văn hoá này đẹp ở chỗ, người Sudan sống rất đúng với cái họ quan niệm. "Với tôi, người dân ở đây hiếu khách và tốt bụng nhất thế giới", Mai nói.
Sudan cũng có kim tự tháp
Đây là điều khiến Mai háo hức nhất khi tới Sudan. Ở Sudan có hai quần thể kim tự tháp lớn là Karima và Moroe, mà Mai đã thăm cả hai. Các kim tự tháp ở đây nhỏ, chỉ bằng khoảng một căn nhà, tập hợp với nhau thành một quần thể, mỗi quần thể có từ khoảng mười đến hai trăm kim tự tháp.
Karami là vùng bỏ không giữa sa mạc, không có cổng, không bán vé, cứ thế đi tới. Nhìn từ bên kia con đường thấy kim tự tháp khá gần, nhưng bước đi dưới ánh mặt trời cùng ba lô nặng, bạn có thể sẽ khá mệt. Mai cùng bạn giấu kín chiếc ba lô, rồi đi chụp hình với kim tự tháp và đi bộ leo lên ngọn núi gần đó. Ngọn núi ấy dường như rất thấp nhưng cũng khiến họ mệt "bở hơi tai".
Mai với chiếc ba lô vài chục kg trên vai. Ảnh: Le Monde sur le Pouce.
Với tầm nhìn từ trên cao, Mai có thể thấy toàn cảnh thung lũng và thành phố ở phía dưới, sa mạc trải dài vô tận, còn sông Nile lượn vòng, cắt sa mạc ra làm đôi. "Một cảnh tượng kỳ vĩ", cô thốt lên.
Ngoài ra, đến với kim tự tháp, cô cũng thích được nhìn thấy tận mắt những lăng mộ mình đã được đọc hay nghe qua truyền thuyết, giống như được đưa tới một thế giới từng tồn tại cách đây hàng nghìn năm và tưởng tượng ra cuộc sống ngày xưa của họ.
Mai cho biết sau một tháng ở Sudan, được trải nghiệm sự thiếu thốn, cô càng trân trọng những gì mình đang có và đang được hưởng ở quê nhà. "Một trong những điều chuyến đi này mang lại cho mình đó là nhìn nhận lại những thứ mình có, thấy may mắn và biết ơn ngay cả những điều mình vốn xem là bình thường", Mai chia sẻ.