Tháng 1/2024, một công viên vui chơi kết hợp rèn luyện thể chất được đưa vào sử dụng tại bãi bồi ven sông Hồng thuộc phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm) trong sự vui thích và chờ mong của người dân.
Đây là công trình được xã hội hóa, nhằm giải quyết vấn đề môi trường dựa vào chính cộng đồng người dân trên địa bàn.
Đây là sân chơi đa năng, có vườn, đường đi dạo, đèn sử dụng năng lượng mặt trời, bảng biển thông tin môi trường.
Các thiết bị, kết cấu lắp đặt tại đây được tận dụng các vật liệu tự nhiên và vật liệu tái chế, dễ thay thế nhưng vẫn đáp ứng tốt các nhu cầu sử dụng thiết thực của cộng đồng.
Người dân Phúc Tân rất hài lòng với dự án này. Họ đã tự tay dọn rác, đóng góp công sức để cùng chính quyền, các nhà tài trợ tạo nên khu công viên trên nền bãi rác thải ô nhiễm trước đây.
Toàn bộ khu công viên vui chơi nằm trong vùng bãi bồi ven sông, trước đây tràn ngập rác. Vị trí này ít bị ngập nước trong mùa mưa lũ, và cũng hạn chế các mặt sàn bê tông khi thi công công trình. Trong ảnh là một khu được lắp đặt các thiết bị rèn luyện thể chất.
Công viên chia thành 3 khu, điểm sát cầu Long Biên là nơi đặt các mô hình phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em. Tiếp đến là nơi đặt các thiết bị rèn luyện dành cho người lớn. Trong ảnh là sân chơi bóng cửa dành cho người cao tuổi.
Nằm sát với công viên Phúc Tân, tại bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa phận phường Chương Dương (Hoàn Kiếm), một khu vui chơi và rèn luyện sinh thái được đặt tên "Công viên rừng Chương Dương".
Công trình này có trước công trình ở Phúc Tân, cùng chung mục đích cải thiện môi trường sống, gắn kết cộng đồng và tăng cường sự đa dạng sinh thái cho vùng bờ bãi ven sông Hồng.
Các khu chức năng cũng tương tự như ở Phúc Tân, như khu trẻ em, khu hỗn hợp...
Đây cũng là một công trình xã hội hóa và được sự ủng hộ từ người dân địa phương. Khu vực này trước đây cũng là nơi có rác thải tràn ngập, cây dại um tùm khá mất vệ sinh.
Sau thời gian thử nghiệm, Quận Hoàn Kiếm dự kiến sẽ nhân rộng mô hình, với định hướng vừa tạo ra không gian văn hóa đa năng phục vụ cộng đồng, vừa giữ hệ sinh thái bản địa cũng như tạo ra các không gian giáo dục trải nghiệm sinh thái độc đáo cho cả thành phố.