Khi đến thăm đền thờ Uluwatu ở Bali, Indonesia, du khách không còn lạ lẫm gì trước những đàn khỉ đuôi dài nổi tiếng nghịch ngợm và "ghê gớm". Chúng chính là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch, đồng thời tạo ra nguồn thu cho nhân viên tại đây.
Tuy nhiên, những con khỉ láu lỉnh này cũng là nguyên nhân khiến du khách phải phiền lòng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, dần dần chúng học được kỹ năng đánh giá những món đồ đắt tiền của khách du lịch và tìm mọi cách để ăn cắp chúng, hòng chuộc bằng thức ăn, đồ uống.
Theo Tiến sĩ Jean-Baptiste Leca, Phó giáo sư tâm lý học, bầy khỉ sống quanh đền Uluwatu đang có xu hướng nhắm mục tiêu tới những món đồ "cao cấp" mà chúng cho rằng sẽ nhận về được nhiều đồ ăn hơn. Đó có thể là đồ điện tử, điện thoại di động, ví tiền, thay vì những món ít giá trị như dép, kẹp tóc hay túi đựng máy ảnh.
Kính râm, điện thoại và ví nằm trong số những món tài sản hay được bầy khỉ để mắt tới hòng ăn trộm. Tiến sỹ Leca cho biết bầy khỉ đã trở thành "chuyên gia rình mò những du khách lơ đãng, người không nghe theo khuyến cáo của nhân viên cho đồ có giá trị vào túi xách có khóa và đeo cẩn thận trước ngực".
Sau hơn 273 ngày ròng rã quay video về thước phim ghi cảnh tương tác giữa bầy khỉ và du khách tới đền thờ, nhóm nghiên cứu nhận thấy đàn khỉ đang có xu hướng đòi phần chuộc cao hơn với món đồ có giá trị cao.
Việc "mặc cả" giữa một "tên cướp" khỉ với du khách và nhân viên hướng dẫn thường kéo dài vài phút. Thời gian lâu nhất để món hàng được trả lại là 25 phút trong đó 17 phút dùng để "thương lượng". Với mặt hàng có giá trị thấp, những con khỉ sẽ sớm "kết thúc" phiên đổi chác bằng cách chấp nhận phần ăn ít hơn.
Đáng nói ở chỗ, bầy khỉ ở đền Uluwatu đều là động vật hoang dã, chưa trải qua bất cứ quá trình huấn luyện nào.
Trước đó, Tiến sỹ Fany Brotcorne đến từ trường Đại học Liège, Bỉ, cũng từng nghiên cứu về "hành vi xấu" của bầy khỉ. Ông cho biết, việc ăn cắp vặt của chúng đã diễn ra vài năm gần đây, nhưng bằng chứng mới cho thấy, hành vi này được truyền dạy cho thế hệ sau. Những nhóm khỉ mới tới bắt đầu học cách cư xử này sau một thời gian quan sát đồng bọn đã sống tại đây từ trước.
Trong khi các nhân viên làm việc ở đền thờ Uluwatu luôn tìm cách giảm bớt sự xung đột giữa khỉ và du khách, thì ở nhiều nơi khác, quản lý động vật hoang dã giữa thời đại dịch là điều không đơn giản. Họ lo ngại chúng có thể trở nên hung dữ hơn vì Covid-19 khiến lượng khách sụt giảm và không còn nhiều đồ ăn như trước.