Dưới cái nắng nóng gay gắt của tiết trời TPHCM thời gian gần đây, khi lưu thông qua các tuyến đường phủ bóng cây xanh, người dân luôn thấy thoải mái, dễ dịu hơn. Những tán cây cao, rợp bóng hệt như những chiếc ô khổng lồ che mát cho người đi đường.
Ngoài một số cây xanh trồng từ thời Pháp như sao, dầu, sọ khỉ..., cây xanh ở TPHCM thời gian sau này được bổ sung thêm một số loại như sao đen, lim sét, viết, long não. Ngoài bóng mát, cây có hoa như kèn hồng, bò cạp vàng… cũng được trồng để tạo cảnh quan.
Đường Trường Sa, Hoàng Sa là 2 tuyến đường nổi tiếng rợp bóng cây xanh, chạy dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận. Nhìn từ trên cao, dòng nước và tán cây như hòa chung một sắc xanh dịu mát, dễ chịu.
Một góc đường Trường Sa (đoạn qua quận Phú Nhuận, TPHCM) được điểm tô bởi thảm cỏ, cây xanh và những chùm hoa bò cạp vàng rực rỡ. Người đi đường cảm thấy dễ chịu hơn khi đi ngang tuyến đường này bởi bóng cây mát lành.
Công viên cây xanh ven bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vốn là điểm dừng chân, nghỉ mát của người đi đường vào những buổi trưa. Khi TPHCM bước vào cao điểm nắng nóng, khu vực này sôi nổi hơn bao giờ hết, nhiều người mắc võng nằm, tản bộ, thậm chí ngồi ăn trưa dưới bóng cây.
Đường Lê Duẩn (quận 1, TPHCM) phủ kín hai hàng cây xanh. Đây là tuyến đường khu vực trung tâm thành phố, nối hai điểm đầu là Thảo Cầm Viên và Dinh Độc Lập.
Đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3) rợp bóng hai hàng me cao to. Ở TPHCM, me được trồng nhiều trên những con đường trung tâm như Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Võ Văn Tần… Cây me từ lâu không chỉ tạo nên cảnh quan tươi mát cho thành phố mà còn là kế sinh nhai của không ít người khi me có trái.
"Hai hàng cây trên đường Sương Nguyệt Anh có tuổi thọ gần cả trăm tuổi, tuổi thơ tôi có những kỉ niệm gắn liền với hàng cây trên con đường này", ông Nguyễn Văn Hồi (quận 1) chia sẻ.
Khu vực Hồ Con Rùa (quận 3, TPHCM) rợp bóng cây xanh. Đây là địa điểm mà người dân thành phố hay đến vui chơi, dạo mát vào các ngày trong tuần.
Đường Nguyễn Tri Phương (quận 5, TPHCM) rợp bóng mát từ hai hàng cổ thụ bên đường. Hằng ngày di chuyển trên đường Nguyễn Tri Phương để đến chỗ làm việc, anh Trần Đăng Khoa (25 tuổi) cho biết, cây xanh ven đường cao to, cho bóng lớn nên khi đi qua rất mát.
"Nhờ có cây xanh mà buổi sáng không khí trong lành hơn, buổi trưa đỡ nắng nóng phần nào. Cây xanh khiến không khí đỡ oi bức nên mỗi khi đi ăn trưa tôi không cần dùng áo khoác", anh Khoa nói.
Ghi nhận của phóng viên ở các tuyến đường khu vực quận 5 như Hùng Vương , Hồng bàng, An Dương Vương, Nguyễn Chí Thanh…cũng được phủ kín cây xanh, tạo bóng mát cho người đi đường.
Hàng cây xanh phủ kín đại lộ Nguyễn Văn Linh (kết nối quận 7 và huyện Bình Chánh) khiến con đường trở nên xanh mát và thơ mộng.
Khu vực giao lộ Lê Duẩn - Pastuer (quận 1) như một rừng cây xanh, mỗi khi lưu thông qua đây người dân cảm nhận được sự trong lành của không khí.
Hơn một thế kỷ trôi qua, người dân không còn nhớ rõ về tháng năm ra đời của những hàng cây xanh cổ thụ này, chỉ biết rằng nó đã rất gắn bó với con người nơi đây.
Ngoài những cung đường xanh mát, tình trạng thiếu cây xanh tại TPHCM vẫn đang diễn ra khá nghiêm trọng. Điển hình như tại các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), Trường Chinh (quận Tân Phú), Cộng Hòa (quận Tân Bình)...
Theo số liệu của Sở Xây dựng TPHCM, hiện địa phương chỉ có gần 110.000 cây xanh đô thị, phục vụ cho hơn 10 triệu dân. Tỉ lệ cây xanh ở TP chỉ đạt khoảng 0,5m2/người, trong khi các chuyên gia cho rằng con số này phải đạt tiêu chuẩn từ 12 - 15m2/người.