0h sáng 11/11, chị Ngọc Trang, 25 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội mở các ứng dụng có chương trình khuyến mại để đặt hàng dù không có nhu cầu thực sự. Chị cho biết, đôi khi, đó là một thói quen đã được hình thành từ thị trường, cộng hưởng với hiệu ứng FOMO (Fear Of Missing Out - nỗi sợ bị bỏ rơi, sợ mất cơ hội) đang lan nhanh trong giới trẻ.
"Gần một năm nay, cứ đến ngày 8/8, 9/9, 10/10, 11/11 là tôi lại điên cuồng lên các ứng dụng đặt hàng chỉ vì 2 chữ giảm giá. Phần lớn các chương trình khuyến mại thì ít, chiêu trò thì nhiều, nhưng điều đáng nói là tôi biết nhưng vẫn cứ bất chấp lao vào", chị nói.
Chị Trang thích mua hàng online từ giày dép, quần áo cho đến lương thực, thực phẩm, thuốc men. Chỉ với một cú nhấp chuột, mọi thứ đều có thể "bay" ngay đến nhà chị trong thời gian ngắn nhất. Đặc biệt, mỗi khi có chương trình giảm giá, sở thích này của chị lại được dịp bùng nổ.
"Một thỏi son ngày 11/11 được niêm yết ở giá 141.000 đồng, bên cạnh có dòng giá cũ là 290.000 đồng. Nếu ai không mua quen sẽ nghĩ đây là một món hời cần đặt hàng gấp. Tuy nhiên, theo tôi được biết, ngày thường cửa hàng này bán cây son là 145.000 đồng bên cạnh vẫn ghi dòng giá cũ 290.000 đồng. Thế nên, bạn chỉ mua được rẻ hơn 3.000 đồng thôi, chứ không phải là mấy trăm nghìn đồng", chị phân tích.
Tuy nhiên, chị Trang vẫn bỏ 141.000 đồng ra mua với suy nghĩ "mua để dùng dần, không mua nhanh nhỡ người ta mua hết màu đấy", hoặc "chẳng lẽ ngày 11/11 năm nay lại không mua thứ gì".
Tháng trước, vào ngày 10/10, chị Thúy Lê, sinh năm 2000 ở Hà Nội đặt gần 20 đơn hàng. Tuy nhiên, số đồ có thể dùng được ngay chỉ có 2 - 3 món, còn đâu đều bị quăng vào góc tủ, chưa biết lúc nào mới được mang ra. Bởi trong đợt giảm giá, chị mua từ cái chun buộc tóc đến giẻ lau bát đĩa, hộp đựng thức ăn, bút bi, giấy vở, hoa giả… nhưng đây là đều là những đồ nhà chị sẵn có.
"Tâm lý sự tiếc, sợ bỏ lỡ cứ quanh quẩn trong đầu tôi vào mỗi dịp giảm giá. Tôi cứ nghĩ, giá rẻ thế này sao mình không mua, lại còn được miễn phí vận chuyển, mua chưa dùng có thể để đó mà. Thực ra, đồ mua về mà không dùng ngay thì có nguy cơ không sử dụng rất cao", chị tiết lộ.
Đó là chưa kể, nhiều món đồ giảm giá chị Lê mua về không giống như quảng cáo, nhất là đồ thời trang khi trên ảnh thì long lanh, bên ngoài thì như quần áo cũ, bán thanh lý.
Anh Tùng Dương, 22 tuổi đến từ Thái Nguyên, từng dở khóc dở cười khi đặt một chiếc nồi chiên không dầu trên mạng với quảng cáo "giá rẻ sập sàn". Sau 3 ngày, anh vào gian hàng xem vận đơn, anh phát hiện ra, giá hôm trước còn đắt hơn ngày thường là 20.000 đồng. Thậm chí, hôm mua sản phẩm, chiếc nồi anh thích còn hết hàng khiến anh phải đổi sang loại tương tự .
Một lần khác, anh đặt sữa rửa mặt trên mạng với quảng cáo, miễn phí vận chuyển. Tưởng thật, anh bấm vào thanh toán thì mới biết, anh cần mua thêm sản phẩm để có tổng giá trị đơn là 250.000 đồng thì mới được miễn phí vận chuyển. Vì đợi đúng ngày giảm giá để mua, anh Dương đành mua thêm bông tẩy trang dù không có nhu cầu sử dụng.
Ngày trước, nhiều lễ hội giảm giá vốn chỉ diễn ra trên mạng nhưng giờ còn được nhiều cửa hàng áp dụng, ăn theo. Vào ngày 11/11, các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đồng loạt treo biển "Sale up to 80". Nếu không để ý, những chú "gà" ngây thơ sẽ tin sái cổ về việc cửa hàng giảm giá 80% vì chữ "up to" được ghi bé xíu và phóng to chữ "Sale" và "80".
Chủ một cửa hàng thời trang ở Hà Nội tiết lộ, chiêu thức này sẽ dẫn dụ được khách hàng đến mua sắm. Những sản phẩm giảm giá tới 80% chỉ là đồ cũ, lỗi mốt hoặc đồ cửa hàng muốn đẩy đi. Còn đồ mới thì chỉ giảm giá cho có như 5%, 10%. Mục đích chính trong các đợt giảm giá này là giới thiệu sản phẩm mới đến với khách hàng.
Thế nên, trước khi bước vào ma trận giảm giá, khuyến mãi, nhất là dịp cuối năm, người tiêu dùng cần tỉnh táo. Thứ nhất là hãy liệt kê ra những món đồ thực sự muốn mua, không mua tràn lan. Thứ hai là chọn cửa hàng uy tín, cho phép đổi trả hàng nếu xảy ra lỗi hỏng. Thứ ba là hãy tiêu tiền thông minh, đúng lúc đúng chỗ.
(Theo Dân Trí)