Những chiêu trò "thao túng tâm lý" của tội phạm công nghệ cao

09/11/2022 08:35

Giả danh cảnh sát, giả mạo ngân hàng

Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục công khai những vụ lừa đảo mà đối tượng gây án sử dụng điện thoại, tin nhắn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Cuối mỗi dòng tin, cảnh sát đều đưa ra cảnh báo, lời khuyên cho người dân về những thủ đoạn lừa đảo của tội phạm. Tuy nhiên, tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Gần đây nhất, Công an TP Hà Nội cho biết ngày 1/11, Công an phường Sài Đồng, quận Long Biên, nhận trình báo của một phụ nữ tên H. về việc bị lừa đảo mất 1,35 tỷ đồng qua điện thoại.

Giả danh cảnh sát, giả mạo ngân hàng

Theo trình báo của nạn nhân, người phụ nữ này được một người tự xưng là nhân viên Sở Điện lực Hà Nội gọi điện, thông báo có người đang mạo danh bà H. để lắp đồng hồ điện công nghiệp khu vực TPHCM. Người gọi điện nói bà H. nợ Sở Điện lực 38 triệu đồng.

Khi bà H. phủ nhận việc này, đề nghị được đến trụ sở cơ quan chức năng để trình báo thì đối tượng lập tức ngăn cản và nối máy đến một người khác, giới thiệu là cán bộ Công an TPHCM. Nói chuyện với người này, bà H. lại được thông báo là đang liên quan đến đường dây mua bán ma túy và rửa tiền.

Kẻ tự xưng là cán bộ công an yêu cầu người phụ nữ kê khai tài sản, trong đó có quyển sổ tiết kiệm 1,35 tỷ đồng. Nghe theo lời "khuyên" của đối tượng, bà H. chuyển toàn bộ tiền trong sổ vào tài khoản ngân hàng của đối phương. Lúc này, bà mới phát hiện mình bị lừa.

Những chiêu trò thao túng tâm lý của tội phạm công nghệ cao - 1

Tin nhắn lừa đảo, mạo danh ngân hàng.

Trước đó, ngày 26/10, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an cho biết trong chưa đầy 2 tháng, nhiều người dân ở Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng... thường xuyên nhận được tin nhắn giả mạo các ngân hàng thương mại (SMS Brandname).

Những tin nhắn trên có nội dung: "Thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ tài chính toàn cầu có mức phí sử dụng từ 3 triệu đồng đến 6 triệu đồng, nếu muốn hủy thì truy cập vào đường dẫn Vietinbank... hoặc VPbank...".

Cục An ninh mạng khẳng định đó là tin nhắn giả mạo ngân hàng mà tội phạm lừa đảo tạo lập ra để dẫn dụ người dùng truy cập, nhằm mục đích đánh cắp thông tin, chiếm quyền quản trị tài khoản để chiếm đoạt tiền.

Một người phụ nữ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo trên. Người này đã bấm vào đường link trong tin nhắn giả mạo và mất hơn 10 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.

Tình trạng lừa đảo bằng thủ đoạn mạo danh cơ quan chức năng qua điện thoại, tin nhắn không còn mới mẻ mà đã được cảnh báo nhiều năm qua. Mặc dù vậy, vấn nạn này đang diễn ra hàng ngày và vẫn có nhiều người dân mắc bẫy, mất tiền từ vài triệu cho đến vài chục tỷ đồng.

"Thao túng tâm lý"

Trao đổi với báo Dân trí, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết đến hiện tại, số người là nạn nhân của những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mạo danh qua điện thoại lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người. Tương đương với số người bị lừa đảo là số tiền bị chiếm đoạt cũng là hàng nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đức nêu ra 2 trường hợp cụ thể, chính là khách hàng của luật sư, đã bị lừa mất khoảng 120 tỷ đồng bằng hình thức lừa đảo qua điện thoại.

Theo Giám đốc Công ty Luật ANVI, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo nhìn chung đều khá giống nhau, tuy nhiên, việc có nhiều nạn nhân vẫn bị mắc bẫy là do độ tinh vi, ranh ma và xảo quyệt của tội phạm.

Những chiêu trò thao túng tâm lý của tội phạm công nghệ cao - 2

Luật sư Trương Thanh Đức.

Đưa ra ví dụ về một trong 2 trường hợp là khách hàng của công ty, luật sư Đức cho biết bị hại bị đối tượng tiếp cận qua điện thoại, thông báo nạn nhân dính dáng đến một vụ tai nạn giao thông ở TP Đà Nẵng. Trong cuộc gọi, đối tượng nêu chính xác họ tên và số CMND của nạn nhân và cả biển kiểm soát phương tiện, khiến "con mồi" dễ dàng bị cuốn vào câu chuyện mà kẻ lừa đảo vẽ ra.

Khi nạn nhân khẳng định không liên quan gì đến sự việc thì bọn chúng lập tức lái theo chiều hướng khác, ví dụ như đề nghị bị hại giúp đỡ cơ quan công an truy bắt tội phạm.

Sau đó, nạn nhân sẽ bị kẻ lừa đảo dẫn dắt, đưa vào màn kịch như một "mê hồn trận", dẫn đến bán tín bán nghi và mất đi sự tỉnh táo. Đặc biệt, luật sư Đức cho biết mục đích của những đối tượng lừa đảo này là dẫn dụ, yêu cầu, thậm chí đe dọa nạn nhân không được tiết lộ "bí mật điều tra" với bất kỳ ai, kể cả vợ chồng con cái. Khi nhận thấy "con mồi" đã thực sự chìm sâu vào bẫy, chúng sẽ dễ dàng "moi" tiền.

"Thao túng tâm lý" là cụm từ mà vị Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh khi đánh giá về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo.

Trách nhiệm thuộc về nhiều bên nhưng cơ chế có nhiều vướng mắc

Nói về trách nhiệm, phần lỗi khi những vụ việc trên liên tục xảy ra, luật sư Đức cho rằng bên cạnh việc nạn nhân không đủ tỉnh táo để "thoát bẫy" thì các bên như nhà mạng, ngân hàng... cũng có phần trách nhiệm.

Theo ông Đức, việc các nhà mạng không thể quản lý được số điện thoại, để tình trạng SIM rác quá phổ biến đã tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo dễ dàng lợi dụng để làm công cụ gây án. Đồng thời, các ngân hàng không kiểm soát chặt chẽ việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng cũng là một nguyên do.

Sự kết hợp giữa mạng "ảo", thuê bao "ảo" và tài khoản "ảo", là môi trường lý tưởng để tội phạm công nghệ cao hoành hành chiếm đoạt tiền của quá nhiều nạn nhân.

Là một người có nhiều năm công tác tại ngân hàng, đảm nhiệm vị trí pháp chế, luật sư Trương Thanh Đức cũng phân tích việc phối hợp giữa ngân hàng và cơ quan chức năng trong những vụ lừa đảo còn nhiều bất cập, cũng như vướng mắc về các quy định giữa pháp luật và quy định riêng của ngân hàng.

Lấy ví dụ, ông Đức cho biết vì quy định bảo mật của ngân hàng mới chỉ một chiều, không có quy định cần thiết, hữu hiệu để xử lý các trường hợp khách hàng sơ hở, sai sót, bị trục lợi nói chung, bị rơi vào bẫy tội phạm nói riêng, nên rất khó khăn, thậm chí bế tắc trong việc ngăn chặn và xử lý tội phạm. Để có thể phong tỏa một tài khoản ngân hàng nhằm ngăn chặn tội phạm cần rất nhiều thủ tục và thời gian. Trong khi đó, tội phạm công nghệ cao lại rất tinh vi và "nhanh", dẫn đến việc không thể giúp nạn nhân "giữ" lại tiền bị chiếm đoạt dù diễn ra ngay trước mắt.

Ngoài ra, cơ chế này cũng gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy vết tội phạm của cơ quan chức năng.

"Những vụ việc lừa đảo có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất cứ ai, đôi khi khách hàng hay ngân hàng nhìn rõ dấu hiệu giao dịch bất thường, thậm chí là đang bị rút, chuyển mất tiền, nhưng không kịp hoặc không thể nào ngăn chặn vì điều kiện và pháp luật không cho phép", luật sư Đức nói.

Đưa ra quan điểm cá nhân, ông Đức cho rằng, hiện tại, chế tài xử phạt đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cao nhất là tù chung thân, khó có thể nặng hơn nữa. Nhưng quan trọng hơn là công tác phòng ngừa và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Giám đốc Công ty Luật ANVI phân tích, khả năng phát hiện và xử lý tội phạm có hiệu quả hơn rất nhiều so với mức xử phạt nặng nhưng để lọt nhiều tội phạm.

Những chiêu trò thao túng tâm lý của tội phạm công nghệ cao - 3

"Ngày xưa, vi phạm giao thông chỉ có lực lượng CSGT phát hiện và xử phạt trực tiếp. Nhưng hiện nay, với hệ thống camera giám sát, các vi phạm có thể bị phát hiện qua công nghệ và xử phạt nguội. Do đó, người các lái xe tuân thủ tốt hơn và rất sợ vi phạm sẽ không "thoát" được. Đối với những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như vậy, phải sử dụng công nghệ cao và mọi nguồn lực để truy tìm, trừng phạt nghiêm khắc để các đối tượng không còn nhởn nhơ tẩu thoát", ông Đức phân tích.

Chia sẻ thêm, ông Đức cũng đưa ra một vấn đề là việc quản lý dữ liệu cá nhân, thông tin cá nhân của người dân hiện nay đang rất nhức nhối.

Vị luật sư cho rằng vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu khách hàng của các ngân hàng, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước... đang không được chú trọng, dễ bị lộ lọt, chiếm đoạt, mua bán, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, mà cụ thể ở đây là việc các đối tượng lừa đảo nắm được thông tin cá nhân của "con mồi" để gây án.

"Dù pháp luật đã có quy định rõ ràng về việc này, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng mọi người vẫn rất coi thường việc bảo mật dữ liệu thông tin", Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Trương Thanh Đức nhận định.

09/11/2022

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những chiêu trò "thao túng tâm lý" của tội phạm công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO