Những “chiếc phao” của nền kinh tế Nga
Một điều lạ lùng đã diễn ra với những chiếc điện thoại thông minh ở Armenia vào mùa hè năm ngoái. Những đợt vận chuyển từ các nơi khác trên thế giới vào nước này đã bắt đầu tăng hơn 10 lần. Cùng thời điểm, Armenia ghi nhận xuất khẩu kỷ lục điện thoại thông minh sang một quốc gia hiện đang bị trừng phạt nặng nề: Nga.
Xu hướng trên, vốn cũng diễn ra với máy giặt, chip máy tính và các sản phẩm khác tại một số nước châu Á vào năm ngoái, đã cho thấy những "chiếc phao cứu sinh mới" đang hỗ trợ nền kinh tế Nga sống sót và vượt qua trừng phạt như thế nào. Dữ liệu gần đây cũng cho thấy sự gia tăng trong trao đổi thương mại của một số nước láng giềng và đối tác của Nga. Theo đó, các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đang tăng cường cung cấp cho Moscow nhiều sản phẩm mà phương Tây cản trở vận chuyển sang nước này. Một số bài báo trước đó đưa tin, người tiêu dùng Nga gặp khó khăn trong việc mua các loại hàng hóa hoặc phải mua với giá cao, từ sữa, đồ gia dụng cho tới phần mềm máy tính và thuốc.
Dù vậy, kim ngạch thương mại của Nga dường như đã tăng trở lại, xấp xỉ mức trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Một phần nguyên nhân của việc này là do nhiều quốc gia không sẵn sàng từ bỏ quan hệ với Nga. Nghiên cứu gần đây cho thấy chưa tới 9% các công ty ở EU và G7 loại bỏ một trong các chi nhánh của họ ở Nga. Các công ty theo dõi hàng hải cũng ghi nhận sự gia tăng các hoạt động vận chuyển bằng tàu thuyền - các phương tiện có thể giúp Nga xuất khẩu năng lượng và tránh các hạn chế của phương Tây.
Trong thời gian qua, phương Tây đã mạnh tay trừng phạt để kìm hãm nền kinh tế Nga bằng cách áp giá trần lên dầu mỏ Nga, hạn chế Moscow tiếp cận chất bán dẫn và các công nghệ quan trọng khác.
Một số công ty, trong đó có H&M, IBM, Volkswagen và Maersk đã dừng hoạt động ở Nga sau khi xung đột nổ ra, nhưng nền kinh tế nước này đã cho thấy khả năng kiên cường của mình và làm dấy lên những câu hỏi về hiệu quả các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Trên thực tế, một số quốc gia đã gặp khó khăn trong việc giảm phụ thuộc vào Nga về năng lượng và các hàng hóa cơ bản trong khi ngân hàng Trung ương Nga tìm ra cách tăng giá trị của đồng rúp cũng như duy trì thị trường tài chính ổn định.
Ngày 30/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết dự kiến nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay, một sự trái ngược đáng kể so với dự đoán giảm 2,3% trước đó.
IMF cũng cho biết, dự kiến xuất khẩu dầu thô Nga vẫn tương đối mạnh, ngay cả trong điều kiện bị áp giá trần và thương mại của Nga sẽ tiếp tục chuyển hướng sang các quốc gia không áp trừng phạt.
Sự dịch chuyển của cá chuỗi cung ứng
Hầu hết các tàu chở hàng đã dừng vận chuyển các loại hàng hóa như điện thoại, máy giặt và các bộ phận của ô tô vào cảng St. Petersburg của Nga. Thay vào đó, những sản phẩm này được chở bằng tàu hoặc xe tải từ Belarus, Trung Quốc và Kazakhstan. Công ty vận chuyển Nga Fesco đã thêm các tàu mới và cảng ghé sang một tuyến đường với Thổ Nhĩ Kỳ để vận chuyển các hàng hóa công nghệ của Nga cũng như các thiết bị nước ngoài và đồ điện tử giữa hai thành phố Novorossiysk và Istanbul.
Sergey Aleksashenko, cựu Thứ trưởng Tài chính Nga cho biết tại một sự kiện trong tháng này rằng, 2023 sẽ là "một năm khó khăn" cho nền kinh tế Nga nhưng "sẽ không có thảm họa và không có sự sụp đổ". Một số ngành trong nền kinh tế Nga vẫn đang gặp khó khăn, ông Sergey Aleksashenko cho hay khi chỉ ra việc các nhà máy ô tô phải đóng cửa vì không thể đảm bảo các linh kiện từ Đức, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Dù vậy, nhà phân tích kinh tế Matthew Klein cho biết, theo tính toán của ông, giá trị xuất khẩu toàn cầu tới Nga vào tháng 11 chỉ thấp hơn 15% so với mức trung bình hàng tháng trước xung đột. Xuất khẩu toàn cầu tới Nga gần như khôi phục hoàn toàn vào tháng 12 dù nhiều quốc gia chưa công bố dữ liệu thương mại.
"Hầu hết sự phục hồi đó là nhờ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ", ông Klein cho hay.
Silverado Policy Accelerator, một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington gần đây cũng có phân tích tương tự khi ước tính giá trị nhập khẩu của Nga từ phần còn lại của thế giới đã vượt mức trước chiến tranh vào tháng 9. Một trong những nghiên cứu điển hình trong báo cáo này là sự tăng vọt doanh thu điện thoại di động của Armenia. Andrew S. David - Giám đốc phân tích và nghiên cứu cấp cao tại Silverado cho biết, xu hướng trên đã phản ánh các chuỗi cung ứng dịch chuyển như thế nào để tiếp tục cung cấp hàng hóa cho Nga.
Samsung và Apple - các nhà cung cấp điện thoại di động chính cho Nga, đã rút khỏi thị trường nước này sau cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu điện thoại Trung Quốc như Xiaomi, Realme và Honor sau một thời gian thích nghi đã bắt đầu tiến vào thị trường Nga. Xuất khẩu nói chung của Trung Quốc vào Nga ở mức cao kỷ lục trong tháng 12, giúp bù đắp sự sụt giảm mạnh trong trao đổi thương mại Nga - châu Âu. Apple và Samsung dường như đang bắt đầu tìm cách quay lại thị trường Nga qua các nước láng giềng. Các đợt vận chuyển các sản phẩm khác tới Nga như phương tiện đi lại cũng gia tăng.
Một câu hỏi quan trọng khác là việc phương Tây áp giá trần năng lượng Nga có hiệu quả đến đâu trong việc làm giảm doanh thu của Nga trong năm nay.
Việc áp giá trần cho phép Nga bán dầu mỏ trên toàn cầu với mức giá không vượt quá 60USD/thùng. Lệnh trừng phạt này được cho là nhằm duy trì dòng chảy dầu mỏ Nga trên thị trường toàn cầu nhưng hạn chế doanh thu của Nga. Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng Nga sẽ tìm cách thoát khỏi lệnh hạn chế trên bằng cách không sử dụng các dịch vụ bảo hiểm và tài chính từ phương Tây./.